Khi trẻ khóc, phản ứng quen thuộc của nhiều cha mẹ là bảo con “Đừng khóc nữa”. Nhưng những bậc phụ huynh thông thái lại hiểu rằng, cảm xúc của trẻ cần được tôn trọng và lắng nghe. Thay vì cấm đoán, họ lựa chọn những lời nói nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh, giúp trẻ cảm thấy an ủi và biết cách đối diện với cảm xúc của mình. 

tre khoc
Khi trẻ khóc, cha mẹ thông thái sẽ không nói ‘đừng khóc nữa’. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nhiều bà mẹ thừa nhận rằng họ cảm thấy vô cùng khó chịu khi con mình khóc. Mỗi lần trẻ bực bội và bật khóc, họ dễ mất bình tĩnh, thậm chí có thể lớn tiếng quát: “Đừng khóc nữa!” để cố gắng ngăn cảm xúc của con ngay lập tức.

Tôi cũng đã từng trải qua cảm giác này: Thông thường, khi chăm con, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, không có gì bất thường, thì không khí gia đình rất yên bình. Nhưng chỉ cần con khóc, điều đó ngay lập tức trở thành thử thách lớn với sự kiên nhẫn của tôi.

Có những lúc, con chưa gặp vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng tôi lại cảm thấy cảm xúc của mình như đang đến giới hạn. Nếu không tìm được cách giải tỏa, tôi sợ rằng mình sẽ bùng nổ và nổi giận với con.

Không ít lần, tôi tự hỏi: “Tại sao tôi không chịu nổi khi con khóc? Vì sao mỗi khi con khóc, người đầu tiên mất kiểm soát lại luôn là tôi?”

Tại sao khi con khóc, chúng ta lại mất kiểm soát?

Trong cuốn sách ‘Con đường ít người đi’, tác giả đã nhấn mạnh rằng điều khiến bạn dâng trào cảm xúc không phải là sự việc xảy ra, mà là cách bạn cảm nhận nó theo góc nhìn chủ quan của chính mình.

Ví dụ, nếu bạn vừa biết tin mình trúng 5 triệu, khi nghe tiếng con khóc, bạn có thể cảm thấy điều đó rất bình thường, thậm chí sẵn lòng kiên nhẫn dỗ dành con.

Ngược lại, nếu bạn vừa trải qua một ngày tồi tệ—bị sếp mắng, đồng nghiệp xa lánh—và trở về nhà gặp con đang khóc không ngừng, bạn có thể cảm thấy như “giọt nước tràn ly”. Trong khoảnh khắc đó, bạn dễ hành xử như một “chú gà trống xù lông”, chỉ muốn hét lên để trút hết bực bội lên con.

Hãy nhìn xem, cùng một sự kiện là con khóc, nhưng khi bạn ở trong những trạng thái cảm xúc khác nhau, phản ứng của bạn lại hoàn toàn khác biệt. Khi bạn đang lo lắng hoặc mang quá nhiều cảm xúc tiêu cực, tiếng khóc của con sẽ dễ dàng khuấy động cảm xúc trong bạn. Để xua đi cảm giác bất an này hoặc để trút giận, bạn có xu hướng quát mắng con.

Một bà mẹ trong nhóm chia sẻ: “Ngay cả khi tâm trạng bình thường, tôi cũng không chịu nổi tiếng khóc của con, đến mức thường mất kiểm soát ngay lúc đó”.

Điều này có thể liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như cách bạn nhìn nhận việc khóc. Hãy thử nhớ lại: Khi còn nhỏ, mỗi khi buồn bã và muốn khóc, cha mẹ bạn có cho phép bạn bộc lộ cảm xúc một cách thoải mái không?

Nếu câu trả lời là không, có khả năng bạn đã hình thành suy nghĩ rằng khóc là vô nghĩa, là biểu hiện của sự yếu đuối, không giải quyết được vấn đề, thậm chí còn gây phiền phức. Khi bạn khóc mà không nhận được sự thấu hiểu hay đồng cảm, bạn cũng dễ trở nên khó chịu và thiếu kiên nhẫn với tiếng khóc của con.

Những bậc cha mẹ từng không được phép khóc khi còn nhỏ thường gặp khó khăn trong việc đồng cảm với con mình khi chúng khóc. Thay vì an ủi, họ có xu hướng ngăn cản bằng những cách thô bạo, nghĩ rằng chỉ cần con ngừng khóc, vấn đề sẽ tự biến mất.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người không nhận ra là việc không cho phép trẻ thoải mái bộc lộ cảm xúc có thể để lại nhiều hệ lụy tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và cảm xúc của trẻ trong tương lai.

Những đứa trẻ không được phép khóc khi còn nhỏ, lớn lên sẽ thế nào?

Quan sát những người xung quanh, bạn sẽ nhận thấy rằng những ai dễ dàng khóc khi buồn và cười khi vui thường có cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, những người luôn che giấu cảm xúc và ít bộc lộ tâm trạng thường mang trong mình cảm giác nặng nề, mệt mỏi.

Đặc biệt, những đứa trẻ không được phép khóc khi còn nhỏ có thể đối mặt với các vấn đề sau khi trưởng thành:

1. Khó nhận biết chính xác cảm xúc của bản thân

Một người bạn từng tâm sự với tôi về việc vừa chia tay bạn trai. Sau khi kể xong, cô ấy hỏi: “Cậu nghĩ xem, mình có nên buồn mà khóc không?”

Thật kỳ lạ khi chính cô ấy là người trải qua nỗi đau, nhưng lại phải hỏi người khác xem mình có quyền được buồn hay không. Chẳng lẽ tôi cần nói “Anh ta đã làm tổn thương cậu, nên cậu có quyền được khóc” thì cô ấy mới cảm thấy mình có thể bộc lộ cảm xúc sao?

Đây là tình trạng thường gặp ở những đứa trẻ bị kìm nén cảm xúc từ nhỏ. Việc đè nén cảm xúc trong thời gian dài khiến trẻ dần mất khả năng nhận biết những thay đổi trong nội tâm. Trẻ không hiểu cảm xúc của mình như thế nào là phù hợp cho từng hoàn cảnh, cũng như không biết cách phản ứng trước các tình huống trong cuộc sống. Hậu quả là, trẻ dễ rơi vào trạng thái bối rối, không biết mình nên buồn, tức giận hay bày tỏ cảm xúc như thế nào cho đúng.

  1. Khó xây dựng mối quan hệ thân mật sâu sắc với người khác

Nghiên cứu cho thấy những người hiếm khi khóc trước mặt người khác thường gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ thân mật và sâu sắc.

Khi một người khóc trước mặt bạn, đó là lúc họ gỡ bỏ lớp phòng bị, bộc lộ sự chân thành và con người thật của mình. Điều này tạo ra sự kết nối tinh thần, giúp rút ngắn khoảng cách và làm mối quan hệ trở nên gắn bó hơn.

Ngược lại, những người không được phép khóc từ nhỏ thường hình thành thói quen che giấu sự yếu đuối của bản thân. Ngay cả với những người thân thiết, họ vẫn giữ khoảng cách nhất định, tạo cảm giác xa cách và khó để người khác chạm đến thế giới nội tâm của mình.

  1. Giải tỏa cảm xúc bằng những cách khác

Chúng ta thường nghe nói rằng khi một người gặp chuyện buồn, họ sẽ “uống rượu giải sầu”, hoặc có người khi lo lắng sẽ hút thuốc liên tục. Một số khác lại ăn uống không kiểm soát.

Khi không tìm được cách giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh, họ sẽ tìm đến những phương pháp thay thế để giảm bớt áp lực.

Những đứa trẻ không được phép khóc từ nhỏ, khi trưởng thành, cũng có thể tìm đến những cách như vậy để giải tỏa cảm xúc và xoa dịu nỗi lòng.

Cha mẹ thông minh không nói “Đừng khóc nữa”

Trong cuốn sách The Whole-Brain Child (Nuôi dạy con toàn diện), tác giả nhấn mạnh rằng não bộ của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện. Khi đối mặt với khó khăn, trẻ thường sử dụng “não cảm xúc” để xử lý, thay vì “não lý trí”.

Vì vậy, nếu trẻ khóc mà cha mẹ yêu cầu con ngừng ngay hoặc cố gắng giảng giải lý lẽ, trẻ thực sự không thể tiếp thu được. Thay vào đó, dưới đây là những cách tiếp cận thông minh hơn để giúp trẻ vượt qua cảm xúc của mình một cách hiệu quả.

  1. “Mẹ cần bình tĩnh lại trước đã”

Khi trẻ khóc, nếu bạn để bản thân mất kiểm soát, không những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể làm tình hình tệ hơn. Điều đầu tiên bạn cần làm là giữ bình tĩnh. Nếu cảm xúc của bạn đang dâng trào, hãy tạm ngừng mọi việc để lấy lại sự cân bằng.

Bạn có thể nói với trẻ: “Mẹ đang cảm thấy không ổn và cần một chút thời gian để bình tĩnh. Con ở đây suy nghĩ một chút nhé. Khi mẹ cảm thấy khá hơn, mẹ sẽ quay lại”.

Điều quan trọng là giọng điệu phải thật bình tĩnh, không mang cảm giác trách móc hay giận dữ. Sau đó, bạn có thể rời đi một lúc, vào phòng riêng hoặc tìm một không gian yên tĩnh để thư giãn, nghe nhạc, hoặc làm những điều giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nếu trẻ còn nhỏ, bạn có thể nhờ người khác trông trẻ giúp để có không gian riêng. Chỉ khi bạn bình tĩnh lại, bạn mới có thể xử lý tình huống một cách lý trí và hiệu quả.

  1. “Con muốn khóc thì cứ khóc đi”

Câu nói “Đừng khóc nữa” không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ làm tăng sự căng thẳng cho cả cha mẹ và trẻ. Thay vì vậy, bạn hãy thử tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ khóc và thể hiện sự đồng cảm, chấp nhận cảm xúc của con.

Ví dụ, khi tôi yêu cầu con trai đánh răng, bé liên tục trì hoãn vì không thích kem đánh răng. Sau nhiều lần nhắc nhở, tôi không kiềm chế được và lớn tiếng: “Con đánh răng ngay!”

Kết quả là bé hoảng sợ và òa khóc. Tôi cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình và nhẹ nhàng ôm con, hỏi: “Mẹ làm con sợ vì nói to đúng không?”

Bé gật đầu, nhưng vẫn khóc. Tôi tiếp tục nói: “Có phải con không thích dùng kem đánh răng vì nó làm lưỡi con khó chịu?”

Bé đáp: “Vâng!” và tiếp tục khóc.

Khi đó, tôi vỗ nhẹ vào lưng bé và nói: “Nếu kem đánh răng làm con khó chịu, con có thể nói cho mẹ biết. Con sẽ nói ‘Mẹ ơi, con không thích đánh răng vì thứ nhất là… thứ hai là…’ Như vậy, mẹ sẽ hiểu con đang gặp khó khăn ở đâu và sẽ cùng con tìm ra giải pháp tốt nhất. Bây giờ con muốn khóc thì hãy tiếp tục khóc cho đến khi con cảm thấy thoải mái”.

Khi nói điều này, bạn không chỉ thể hiện rằng mình là một người sẵn sàng lắng nghe con, mà còn dạy con cách biểu đạt vấn đề một cách rõ ràng và hợp lý. Việc khuyến khích trẻ diễn đạt cảm xúc của mình không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, mà còn tạo cơ hội để cha mẹ và con cái cùng nhau giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và hợp tác hơn.

Việc chấp nhận cảm xúc của trẻ không chỉ giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu mà còn giúp giảm căng thẳng cho chính bạn. Khi bạn không phản ứng tiêu cực với tiếng khóc của trẻ, bạn tạo ra một không gian an toàn để trẻ có thể bộc lộ cảm xúc mà không lo sợ bị phán xét.

  1. “Con muốn tự làm hay cần mẹ giúp?”

Sau khi trẻ khóc xong và cảm xúc đã dịu lại, hãy bắt đầu trò chuyện với con bằng lý trí. Tôi nói với con trai: “Con nhìn vào gương xem, răng con có thể bị sâu rồi đấy. Sâu răng sẽ làm con đau, vì vậy mình cần phải dùng kem đánh răng để làm sạch chúng”.

Sau đó, tôi đưa ra lựa chọn:“Con muốn tự đánh răng hay để mẹ giúp con?”

Trẻ sẽ hiểu rằng dù có khóc thì vẫn phải đánh răng, nhưng chúng cảm thấy mình có quyền tự quyết định, chọn tự làm hoặc để mẹ giúp. Cách tiếp cận này không chỉ giúp trẻ cảm thấy có quyền kiểm soát tình huống mà còn khuyến khích sự độc lập và trách nhiệm.

Đối mặt với nước mắt của trẻ là bài kiểm tra lớn dành cho người lớn. Cho nên, thay vì mất bình tĩnh hoặc ra lệnh ngừng khóc, hãy học cách kiên nhẫn và đồng cảm. Điều này không chỉ giúp trẻ giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh mà còn xây dựng mối quan hệ sâu sắc và tích cực giữa cha mẹ và con cái.