Không được để trẻ chạm vào hạt hút ẩm, có thể gây mù vĩnh viễn
- Bảo Ngọc
- •
Mới đây, Bệnh viện Nhi ở Thượng Hải tiếp nhận một trường hợp cháu bé bị tổn thương ở mắt. Mắt phải của bé do bị dính dung dịch kiềm nên nhãn cầu bị tổn thương gây mù vĩnh viễn, bất cứ cách chữa trị nào cũng không có tác dụng. Nguyên nhân gây ra bi kịch này chính là gói hút ẩm thường thấy trong gia đình. Cha mẹ cháu bé nghe xong cảm thấy hết sức đau lòng và hối hận.
Cháu bé 8 tuổi này khi ăn xong đồ ăn vặt, đã lấy gói hút ẩm ra chơi, sau đó thả vào lon nước ngọt, gây phát nổ. Lúc đó, cháu bé cảm thấy có gì đó bay vào mắt phải, rất đau rồi mắt không nhìn thấy gì nữa. Người mẹ đang làm cơm trong bếp nghe thấy tiếng nổ chạy ra thì thấy con trai đang che mắt, vừa gào khóc vừa lăn lộn trên sàn vì đau, còn lon nước ngọt bị biến dạng do nổ thì lăn lóc bên cạnh, nước đổ lênh láng ra nhà.
Lời chẩn đoán của bác sĩ như sét đánh ngang tai, thấy con đau đớn, người mẹ lặng người đi, và vô cùng hối hận vì sự vô ý của mình. Trước đây, cô chỉ biết là gói hút ẩm này không ăn được chứ không hề ngờ đến sự nguy hiểm của nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến vậy.
Những trường hợp trẻ em bị thương do gói hút ẩm
Năm 2011, ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc có một học sinh lớp 8 cho gói hút ẩm vào cốc giữ nhiệt. Không lâu sau đó cốc giữ nhiệt đột nhiên phát nổ lớn khiến em học sinh này bị mù mắt phải.
Tháng 12/2012, bé trai 2 tuổi rưỡi Trần Tuấn Dũng ở TP Bắc Giang đã bị bỏng giác mạc vì nghịch gói hạt hút ẩm trong túi bánh gạo. Bé được đưa đến điều trị khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) và được xác định là phải phẫu thuật điều trị.
Năm 2015, một em bé 5 tuổi ở Giang Tây, Trung Quốc khi mở gói hút ẩm ra, bất cẩn rơi vào mắt. Qua chẩn đoán, hai nhãn cầu và mí mắt của cháu bé bị phỏng khiến hai mắt bị viêm, có thể sẽ bị tổn thương thị thực vĩnh viễn.
Vì sao gói hút ẩm lại nguy hiểm đến thế?
Chất hút ẩm thường gặp trong đời sống có các loại canxi oxit, gel silic, montmorillonit và fiber.
Loại thường dùng trong thực phẩm là canxi oxit. Các chuyên gia thực phẩm cho biết, thành phần chính của chất hút ẩm canxi oxit là canxi oxit (CaO), khi gặp nước sẽ xảy ra phản ứng hóa học, sinh ra canxi hydroxit và giải phóng nhiệt lượng rất lớn.
Do lượng nước bên trong túi thức ăn rất thấp nên chất hút ẩm thường sẽ không thay đổi rõ rệt, nhưng nếu cho vào chai nước nhựa có hình dáng rộng và phần miệng chai nhỏ, khá kín, điều này sẽ dẫn đến không khí bên trong chai bị giãn mạnh, khi vượt quá sức chứa của chai sẽ phát nổ. Lúc này, canxi oxit gặp nước đã sản sinh ra canxi hydroxit. Đây là dung dịch kiềm có tính ăn mòn mạnh, khi dung dịch này bắn vào cơ thể người khi chai bị nổ sẽ gây tổn thương theo từng mức độ.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, dung dịch kiềm này sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể người mà đặc biệt là mắt, bởi vì nó sẽ phá hủy giác mạc rất nặng, vì vậy người trông trẻ nhất định phải chú ý, tuyệt đối không được để trẻ tiếp xúc với gói hút ẩm, đặc biệt là chất hút ẩm canxi oxit.
Tai nạn hay xảy ra nhất là các hạt hút ẩm bắn vào mắt khi trẻ đùa nghịch. Tùy từng loại hạt hút ẩm mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Nhưng dù là hạt hút ẩm dạng nào thì cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đôi mắt của trẻ. Đặc biệt, với loại hút ẩm từ vôi bột thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến giác mạc bị bỏng, sưng phù, thậm chí trẻ có thể mù vĩnh viễn.
Trong cuộc sống hàng ngày, vì chất hút ẩm canxi oxit có tác dụng hút ẩm rất tốt, hơn nữa giá thành lại rẻ nên được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm, thuốc, thời trang, vải vóc, trà, da, túi xách, giày dép, đồ dùng điện tử, máy móc… Vì thế, nếu trong nhà có trẻ nhỏ, ngoài những gói hút ẩm trong thực phẩm, chúng ta còn phải đề phòng những gói hút ẩm trong các đồ dùng khác.
Cách sơ cứu khi trẻ hít hoặc nuốt hạt hút ẩm
1. Sau khi da bị dính dung dịch kiềm, hãy rửa dưới vòi nước liên tục ít nhất khoảng 15 phút trở lên và đến bệnh viện sau khi đã sơ cứu đơn giản.
2. Nếu bị dính vào mắt, do bột vôi sẽ phản ứng ngay tức thì nên chúng ta cũng phải rửa liên tục dưới vòi nước 30 phút trở lên, khi rửa cần chú ý di chuyển cầu mắt. Tuyệt đối không đợi sau khi đến bệnh viện rồi mới xử lý, nếu không hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Khi mắt không còn quá xót nữa, hãy tập tức đến bệnh viện gần nhất để được chữa trị, đến khoa mắt và trình bày rõ tình trạng với bác sĩ để được xử lý ngay lập tức.
3. Nếu vô tình ăn phải chất hút ẩm sẽ gây tổn thương hệ tiêu hóa. Khi gặp tình trạng này, đừng hoảng hốt, hãy lập tức uống nước sạch để làm loãng dung dịch kiềm (theo tỉ lệ 10 ml/kg cân nặng, tổng lượng không quá 200 ml). Sau đó, có thể dùng sữa, trứng sống hòa cùng nước lọc, dầu olive hoặc các loại dầu thực vật khác để bảo vệ bề mặt vết thương, ngăn chặn vết ăn mòn sâu hơn.
Bảo Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa gói chống ẩm chăm sóc trẻ nhỏ