Viêm phổi Vũ Hán: Loại khẩu trang nào có thể phòng bệnh hiệu quả?
- An Nhiên
- •
Dịch viêm phổi do virus corona hay còn gọi là viêm phổi Vũ Hán vẫn tiếp tục gia tăng với nhiều trường hợp xác nhận mắc bệnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Macao, Hồng Kông, Đài Loan và Mỹ, thậm chí đã có tới 25 người tử vong.
Trước tình hình này, không ít người lo lắng xem phải làm sao mới có thể phòng chống bệnh hiệu quả và đổ xô đi mua khẩu trang. Tuy nhiên, ông Chu Hoa Thần, Phó Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Hồng Kông nhắc nhở rằng, nếu như đeo khẩu trang không đúng cách có thể còn khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Đeo khẩu trang N95 phòng ngừa ‘viêm phổi Vũ Hán’ là tốt nhất?
Lịch sử về đại dịch SARS năm 2003 đã khiến công chúng gia tăng cảm giác lo lắng và sợ hãi trước dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hiện nay. Do đó, nhu cầu về khẩu trang phòng bệnh cũng tăng vọt. Khẩu trang N95 đã nhanh chóng hết hàng trên các hệ thống siêu thị và hiệu thuốc, thậm chí còn khiến các nhân viên y tế ở tiền tuyến không đủ dùng.
Theo báo cáo thử nghiệm của Cơ quan quản lý sức khỏe và an toàn lao động quốc gia Hoa Kỳ, việc sử dụng khẩu trang N95 có thể làm giảm khả năng nhiễm các loại virus vi khuẩn xuống dưới 5%, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn khả năng nhiễm khuẩn. Ngoài ra còn có vấn đề giới hạn thời gian sử dụng và đeo khẩu trang đúng cách không.
Bác sĩ Hoàng Cảnh Thái tại Khoa truyền nhiễm Trường Canh, Lâm Khẩu, Đài Loan, nhắc nhở rằng, đeo khẩu trang chủ yếu là để che mũi và miệng. Khả năng bảo vệ của khẩu trang có thể lên tới 80%, và cần chú ý thay thế khẩu trang mới sau khi đến bất cứ nơi nào có nghi ngờ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, khẩu trang N95 rất chặt và khó thở, do đó nhiều người không chịu được đã phải tháo ra tháo vào nhiều lần, như vậy thì không hề có hiệu quả.
Ông Trang Nhân Tường, Phó giám đốc Cơ quan quản lý bệnh tật Đài Loan cho biết, nguyên tắc của khẩu trang N95 là ngăn chặn virus bên ngoài xâm nhập mũi, do đó thích hợp với nhân viên y tế. Bệnh nhân chỉ nên đeo khẩu trang y tế thông thường. Nếu bệnh nhân đeo khẩu trang N95, họ có khiến virus lây lan.
Hiện có rất nhiều loại khẩu trang không có nhiều tác dụng phòng dịch bệnh. Do đó, cần phải chú ý khi lựa chọn khẩu trang. Dưới đây là một số loại khẩu trang không có tác dụng ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus.
- Khẩu trang bằng giấy: Loại khẩu trang này không thấm nước và dễ ướt, hiệu quả lọc các hạt vi lạp cũng rất kém.
- Khẩu trang bằng bông: Bên trong khẩu trang bằng bông có một số khoảng trống khá lớn và chỉ có thể chặn các hạt bụi cỡ lớn và ô nhiễm. Trong trường hợp bạn bị ho và chưa có khẩu trang nào khác để thay thế, cũng có thể tạm thời dùng khẩu trang bằng bông này.
- Khẩu trang than hoạt tính: Vì chức năng của than hoạt tính là hấp phụ khí hữu cơ hoặc mùi, thay vì lọc các hạt vi lạp hoặc vi khuẩn, do đó loại khẩu trang này cũng không phù hợp cho việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm trong hệ thống hô hấp.
- Khẩu trang bọt biển: Loại khẩu trang này chủ yếu được sử dụng để lọc bụi, phấn hoa và khói mù, và khả năng chống dịch bệnh không hề hiệu quả.
Cần lưu ý gì khi đeo khẩu trang?
Một điểm đáng chú ý khác nữa, là cho dù bạn chọn được loại khẩu trang phù hợp, cũng cần phải đeo đúng cách mới có thể phát huy tác dụng phòng bệnh tốt nhất. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng khẩu trang.
- Rửa tay trước khi đeo khẩu trang.
- Sử dụng khẩu trang có kích thước phù hợp và đảm bảo đeo đúng mặt trước, mặt sau của khẩu trang.
- Thanh sắt phía trên sống mũi có thể khiến khẩu trang không khít với khuôn mặt và bị hở, do đó cần phải điều chỉnh lại sao cho phù hợp nhất.
- Cần đảm bảo khẩu trang che được phần mũi, miệng, cằm, và sát với khuôn mặt.
- Không sử dụng khẩu trang quá một ngày. Nếu khẩu trang có lưu lại nước miếng do bị hắt hơi, cần phải thay thế càng sớm càng tốt.
- Khi bỏ khẩu trang, dùng tay kéo hai bên dây thun trên tai, tháo khẩu trang và ném trực tiếp vào thùng rác, điều này sẽ làm giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn trên khẩu trang.
- Rửa tay sau khi tháo khẩu trang.
Tác dụng chính của khẩu trang là bảo vệ miệng và mũi của người dùng tránh tiếp xúc với các loại vi trùng, vi khuẩn. Để ngăn ngừa sự lây lan của virus, cần chú ý rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào mắt và mũi, đồng thời giữ vệ sinh sạch sẽ.
Các chuyên gia về y tế cũng nhắc nhở, trong khoảng thời gian từ mùa đông đến mùa xuân là thời kỳ virus gây bệnh viêm phổi phát triển mạnh. Thêm nữa, theo Tổ chức Y tế Thế giới, chủng virus corona gây ra dịch viêm phổi Vũ Hán mới đây mới còn có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người. Do đó, những người trở về từ thành phố Vũ Hán cũng như các khu vực khác của Trung Quốc đang có dịch; hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
An Nhiên
Xem thêm:
Từ khóa dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc viêm phổi Vũ Hán Dòng sự kiện virus corona