Ước tính rằng có khoảng 60% – 70% dân số toàn cầu nói ít nhất hai ngôn ngữ. Xin chúc mừng nếu bạn là một phần của cộng đồng đa ngôn ngữ toàn cầu đang phát triển. Còn nếu chưa phải thì bạn cũng không có gì phải lo lắng. Con đường học ngoại ngữ chưa bao giờ dễ dàng đến thế.

Học ngoại ngữ có lẽ là một trong những mục tiêu phổ biến nhất của đa số chúng ta. Dù lý do bạn muốn học là gì, để có thể giao tiếp với người nước ngoài hay chỉ đơn giản là hiểu được một bài hát mình yêu thích thì cũng đủ để bạn nỗ lực. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi chúng ta cảm thấy không đủ động lực để kiên trì. Và đây thực sự là thách thức lớn nhất mà một người học ngoại ngữ có thể đối mặt.

học ngôn ngữ
(Ảnh: BUNDITINAY/Shutterstock)

Xác định động lực học ngoại ngữ của bạn: ‘Sức mạnh tại sao’ so với sức mạnh ý chí

Darren Hardy, trong cuốn sách “The Compound Effect” của mình, đã giải thích tại sao các mục tiêu thường bị bỏ dở nếu chỉ dựa vào sức mạnh ý chí. Thay vào đó, “sức mạnh tại sao” – dựa trên sự tự chủ của bản thân – có khả năng giúp chúng ta bền bỉ hơn.

Ông viết: “Hãy quên đi sức mạnh ý chí. Đã đến lúc cho ‘sức mạnh tại sao’. Lựa chọn của bạn chỉ có ý nghĩa khi bạn kết nối chúng với mong muốn và ước mơ của mình… Bạn phải muốn một thứ gì đó, và biết lý do tại sao bạn muốn nó, nếu không bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc”. 

Bằng cách tìm ra “lý do tại sao” và động lực cốt lõi đằng sau mỗi mục tiêu, chúng ta có thể gắn kết trái tim và linh hồn của mình vào nhiệm vụ và do đó kiên định với mục tiêu trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc hành trình.  

Quá trình học ngoại ngữ cũng có thể được hưởng lợi từ quan điểm này. Bước đầu tiên của việc tạo thói quen học ngoại ngữ tốt là xác định “lý do tại sao” của chúng ta. Bạn thấy mình thế nào khi thành thạo ngôn ngữ mới? Bạn muốn nói chuyện với ai? Bạn thích đi du lịch ở đâu? Bạn muốn nghe bài hát nào?… Khi chúng ta tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này, thành công chắc chắn đã ở trong tầm với.

đọc sách, lợi ích đọc sách, cách đọc sách
(Ảnh: Shutterstock)

Nói song ngữ không phải lúc nào cũng tốt?

Mặc dù có thể khó tin nhưng việc nói song ngữ được coi là một “tật” trước năm 1960. Các nghiên cứu khoa học hồi đó chỉ ra rằng song ngữ làm chậm sự phát triển của trẻ do khiến chúng tiêu tốn quá nhiều năng lượng để phân biệt giữa các ngôn ngữ. Tuy nhiên, sau đó người ta thấy rằng những nghiên cứu này phần lớn thiếu sót và đã loại bỏ một số yếu tố. 

Theo Mia Nacamulli, một nhà giáo dục và nhà văn, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tuy thời gian phản ứng và sai sót tăng lên ở những người nói hai ngôn ngữ nhưng nỗ lực của họ trong việc chuyển đổi giữa các ngôn ngữ dẫn đến việc tăng cường vùng vỏ não trước trán. Khu vực não này đóng một vai trò quan trọng trong chức năng điều hành, giải quyết vấn đề, chuyển đổi giữa các nhiệm vụ và tập trung trong việc lọc các thông tin liên quan. Vì vậy, mặc dù việc học một ngôn ngữ mới không nhất thiết làm cho bạn thông minh hơn, nhưng nó giúp cho não bộ của chúng ta khỏe mạnh và tập trung hơn.

hoc ngon ngu
(Ảnh: silviarita from Pixabay)

Lợi ích văn hóa của việc học một ngôn ngữ mới

Tìm hiểu về một nền văn hóa thông qua ngôn ngữ của nó có thể là một trải nghiệm sâu sắc. Nguồn gốc và sự phát triển của một ngôn ngữ bao gồm các yếu tố lịch sử và thậm chí cả chính trị đã định hình một cách độc đáo cấu trúc, âm thanh, hình tượng và ý nghĩa của nó. Bản chất đích thực của mỗi ngôn ngữ được thể hiện bằng những từ ngữ hoặc cách diễn đạt khó có thể được dịch sang các ngôn ngữ khác và chứa đựng một bối cảnh xã hội và tình cảm phong phú.

Ví dụ từ “saudade” trong tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Galicia là một trường hợp đáng chú ý vì nó không có bản dịch trực tiếp sang tiếng Anh. Nhà văn người Bồ Đào Nha Francisco Manuel de Mello định nghĩa nó là “một niềm vui mà bạn phải chịu đựng, một nỗi buồn mà bạn muốn tận hưởng”. Cảm giác này có thể được mô tả như một nỗi nhớ sầu muộn hoặc khao khát một điều gì đó không thể có lại, nhưng lại kéo theo cảm giác vui vẻ bắt nguồn từ những ký ức êm đềm.

Người ta tin rằng “saudade” đã có được ý nghĩa phong phú của nó trong cuộc Khám phá vĩ đại của người Bồ Đào Nha, khi những người đàn ông khởi hành trên hành trình đến những vùng biển chưa được biết đến, còn phụ nữ và trẻ em phải chịu cảnh thiếu vắng người chồng, người cha và nuôi hy vọng được gặp lại họ. 

Ngoài ra việc kết giao với những người bạn mới và thăm thú những địa danh mới cũng giúp bạn hiểu biết thêm về văn hóa và mở rộng thế giới quan của mình.

Giúp bạn tự hào về bản thân

Học ngoại ngữ không có lối tắt. Quá trình này đòi hỏi tính kỷ luật và có trách nhiệm với bản thân của người học. Đồng thời với nó là những thành tựu nhỏ nhưng đáng kể sẽ khiến bạn hài lòng.

Những hy sinh nho nhỏ như ngủ ít hơn một chút để hoàn thành bài học hàng ngày hoặc bớt chút thoải mái để duy trì sự kiên định sẽ giúp bạn nhận được phần thưởng lớn. Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy tự hào khi nhìn lại quá trình học tập của mình.

Điều quan trọng khi thiết kế thói quen học tập là bạn phải nhớ “Năm điều cần phải làm” của việc học ngoại ngữ: Ghi nhớ, Đọc, Nghe, Nói Viết. Tốt nhất là bạn nên học vào buổi sáng sớm mỗi ngày. Để làm được việc này một cách thường xuyên, bạn phải duy trì kỷ luật bằng cách loại bỏ tâm phàn nàn và trau dồi sự kiên nhẫn. Sự kiên trì sẽ giúp bạn tìm ra cách học phù hợp với mình và sáng tạo ra những phương thức tiếp cận mới trong học tập.

đọc sách, lợi ích đọc sách, cách đọc sách
(Ảnh: Shutterstock)

Lợi ích về thể chất

Mỗi ngôn ngữ có tập hợp các nguyên âm và phụ âm riêng. Mỗi âm được tạo ra bằng cách thay đổi hình dạng của lưỡi và môi, đồng thời hướng luồng không khí qua miệng và mũi.

Đối với người bản ngữ thì sự khác biệt trong cách phát âm rất rõ ràng, nhưng những người mới học phải cố gắng luyện tai của mình. Việc phát âm nhầm lẫn hai từ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau có thể dẫn đến tình huống dở khóc dở cười ngoài ý muốn. 

Việc luyện phát âm cũng quan trọng không kém. Ban đầu, việc làm quen với những âm thanh mới có thể khó khăn nhưng bạn có thể đạt được điều đó bằng cách chú ý chi tiết và siêng năng bắt chước người bản ngữ cho đến khi nắm được điều gì khiến mỗi âm thanh khác biệt với những âm thanh khác. Đừng xấu hổ khi nhìn hoặc nghe có vẻ buồn cười. Ai học ngoại ngữ cũng đều phải trải qua giai đoạn này. 

Những thay đổi của não bộ cũng đáng được đề cập. Song ngữ đã được chứng minh là làm tăng mật độ chất xám chứa hầu hết các tế bào thần kinh và khớp thần kinh của chúng ta. Ngoài ra, sự tập luyện liên tục của não khi chuyển đổi giữa các ngôn ngữ cũng đã được chứng minh là có thể trì hoãn sự khởi phát của các bệnh về não như Alzheimersa sút trí tuệ. Chỉ riêng những lý do này đã tạo động lực cho nhiều người chọn bắt đầu học ngoại ngữ dù tuổi đã xế chiều. 

doc sach ben cua so
(Ảnh: Pexels / Pixabay)

Một câu chuyện nhỏ về tính kỷ luật

Câu chuyện về tính kiên trì của Hoàng đế Khang Hy thời nhà Thanh, vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc được ghi lại, có thể giúp chúng ta siêng năng hơn trong hành trình chinh phục ngôn ngữ mới. 

Khang Hy đã thiết lập truyền thống thiết triều buổi sớm mỗi ngày phổ biến trong các triều nhà Thanh. Khi mưa lớn, bão tuyết hoặc nhiệt độ khắc nghiệt; nhiều quan lại sẽ vắng mặt nhưng Hoàng đế Khang Hy đảm bảo rằng ông có mặt mỗi ngày. Ngay cả khi trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Bắc Kinh, vị hoàng đế mẫu mực này vẫn thiết triều buổi sáng như thường lệ. Ông nói: “Ta đã làm việc này hơn 30 năm và nó đã trở thành một thói quen. Ta sẽ cảm thấy bất an nếu bỏ lỡ mất một buổi. Thêm vào đó, nếu chúng ta chỉ gặp nhau ba hoặc bốn ngày một lần thì ta có thể trở nên biếng nhác.”

Khang Hy là một minh họa chính xác về hiệu quả của việc xác định “tại sao” của chúng ta. Đối với ông, việc tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện bản thân là động lực cốt lõi để làm việc siêng năng và nỗ lực hết mình mỗi ngày, không có ngoại lệ. Bằng cách noi gương tính nhất quán và tính trách nhiệm của ông, chúng ta có thể tìm thấy nguồn cảm hứng để làm việc chăm chỉ nhằm đạt được mục tiêu của mình.