Mặt tối của sự kiên trì
- Hoàng Thu
- •
Có bao giờ bạn tự hỏi những thứ bạn sống chết đòi theo đuổi đến cùng liệu có phải là những điều bạn thật sự cần nhất? Đời người nên chăng là sống sao được vui vẻ thoải mái, làm những gì trong khả năng mình có thể chứ đâu cứ nhất nhất phải cố chấp vào điều gì đó. Một vấn đề lúc nào cũng đồng thời tồn tại hai mặt và sự kiên trì cũng thế, nó cũng có mặt tối của mình…
Chúng ta đều biết kiên trì là một phẩm chất tốt. Người nào mà không học lấy một ít tính kiên trì thì quả thật không thể làm được gì cả, cứ đi giữa đường là lại đứt gánh. Kiên trì không chỉ là đặt ra một mục tiêu nào đó rồi cứ phăng phăng đi về phía trước, không đơn giản như vậy. Trên con đường ấy sẽ có bao thống khổ nhọc nhằn, nếu bạn không nuôi dưỡng một khả năng nhẫn chịu vô hạn từ đầu thì không cách nào chạm được đến đích. Mục tiêu càng lớn thì đường đi càng dài, chịu đựng càng nhiều.
Một sinh viên y khoa nuôi giấc mộng cứu người, nếu không kiên trì dùi mài đèn sách đâu đó khoảng chục năm, không chịu đựng nổi cảm giác nhìn bạn bè đồng trang lứa vội vã kiếm tiền, vội vã thành công thì không cách nào học thành bác sĩ. Vợ chồng mà không kiên trì thấu hiểu nhau, không nhẫn chịu nổi tính xấu của đối phương thì làm sao đi với nhau hết mấy chục năm cuộc đời. Thomas Edison trong 10.000 lần thí nghiệm thất bại, chỉ cần 1 lần nhụt chí thì có lẽ nhân loại chúng ta ngày nay vẫn đang chìm trong cảnh tù mù.
Kiên trì có thật nhiều lợi ích, vậy sao người ta vẫn đề cập đến mặt tối của nó? Nếu bạn có tài năng thiên bẩm về âm nhạc nhưng vì địa vị nghề nghiệp xã hội, bạn phải gồng mình trong các trường y và bệnh viện suốt cả chục năm, liệu bạn có thấy vui không? Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, trên thế giới chỉ có duy nhất 1 Thomas Edison, nhưng bạn cũng nhất quyết muốn dành cả đời để phát minh ra bóng đèn điện thì phải chăng là hoang tưởng? Sẽ chỉ là khổ tâm, hoài phí khi bạn cứ khăng khăng đeo đuổi những thứ vốn không thuộc về mình.
Dân gian có bài thơ rất hay:
“Đừng nhặt con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những điều gì dễ dãi
Có bao giờ bền lâu
Đừng nhặt con ốc nâu
Nằm tận sâu dưới đáy
Những cái gì khó lấy
Chẳng phải của mình đâu.”
Nhiều người rất tâm đắc với khổ đầu tiên nhưng lại không đồng tình với khổ thứ hai. Nhiều người luôn cho rằng hễ cái gì mình đã muốn thì sẽ lấy cho bằng được, họ không chịu từ bỏ. Người xưa có câu: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao”. Nghĩa là nếu bạn biết đủ, biết hài lòng với những gì mình đang có, sống tùy kỳ tự nhiên thì tâm sẽ được vui vẻ, tự tại. Không chấp nhất, không cưỡng cầu, chỉ cố gắng làm thật tốt trong vận mệnh đã được an bài, ấy thế mà lại cao quý ung dung, những gì đáng có đều sẽ được đắc.
Nhưng xã hội ngày nay, nhất là các bạn trẻ lại không tin điều ấy nữa. Họ ôm những mục tiêu lớn lao và phấn đấu hết mình. Có bạn nhất định phải đậu vào một trường đại học danh giá để khẳng định bản thân; có bạn đặt mục tiêu sau vài năm làm việc cần phải lên được chức cao nào đó cho bằng bạn bằng bè; có bạn muốn khởi nghiệp thành công; có bạn lại khao khát sự nổi tiếng… Thế là họ học ngày học đêm, họ làm thêm giờ, họ không còn thời gian để cảm thụ hương vị cuộc sống nữa, họ trầy trật mãi. Mặc dù họ cũng tự cảm thấy mình rất kiên trì bền bỉ, cũng đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng không hiểu sao cái tâm ấy lại thấy thật khổ, thật mệt.
Bạn biết đấy, muốn kiên trì làm việc gì cho đến thành công thì chắc chắn phải kinh qua nhiều gian khó, vì thế bạn cần phải biết tự lượng sức mình. Và quan trọng hơn, hãy tự hỏi bản thân rằng điều ấy có làm bạn hạnh phúc hơn không? Nếu câu trả lời là có thì bạn cứ vững tâm bền chí đi trên con đường mình đã chọn, còn nếu không thì bạn có thể cân nhắc lại. “Con ốc nâu” nằm tận sâu dưới đáy không cách nào với tới, nhưng rất nhiều người vẫn không chịu tin nó “chẳng phải của mình đâu.”
Một mặt tối khác của sự kiên trì chính là khi nó không đi kèm với lý trí. Nếu bạn không phân biệt được đúng sai, tốt xấu mà vẫn “cắm đầu cắm cổ” đi đến cuối cùng thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc ấy, người ta gọi đó là “sự mù quáng”. Trong một công ty, nếu người điều hành đưa ra những quyết định sai lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các bên nhưng bạn vẫn cứ một mực nhẫn chịu, một mực thực thi công tác ấy thì có phải bạn đang làm việc tốt không? Có người khi yêu ai đó thì mặc kệ những lỗi lầm hạn chế của đối phương, không quan tâm tình cảm đó có đúng hay sai, bất chấp những lời cảnh báo của người thân bạn bè mà theo đuổi tình yêu ấy đến cùng. Sau này lỡ dở một đời lại thường hối tiếc. Tất nhiên, không ai khuyên bạn nên bỏ công việc hay người mình yêu, nhưng nếu bạn ngừng kiên trì đến mù quáng thì bạn sẽ nhìn nhận sự việc trên nhiều phương diện khác. Biết đâu bạn có thể cho họ những lời khuyên, giúp họ thay đổi, cải biến hoàn cảnh trở nên tốt hơn.
Một số nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 75% nhân viên coi người quản lý là phần tồi tệ nhất trong công việc của họ, 65% sẵn sàng chịu giảm tiền lương nếu họ có thể thay thế ông chủ của mình bằng người khác. Tuy nhiên, trên thực tế không có dấu hiệu nào cho thấy mọi người thực sự hành động theo thái độ này. Vì những lý do nào đó, họ nhẫn chịu hết, kiên trì hợp tác với vị sếp mình không ưa hết năm này qua năm khác, và mỗi ngày đi làm là một ngày chán chường. Nếu có ai đó chịu dừng lại, chịu nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với người chủ của mình thì có lẽ những con số thống kê đã không ảm đạm đến vậy.
Và cuối cùng, nếu có thể bạn hãy hỏi bản thân mình thêm một câu hỏi nữa. Bạn kiên trì vì ai? Bạn chỉ nhất nhất muốn đạt được ý nguyện của bản thân hay đã biết viên dung hoàn cảnh và những người xung quanh? Một người chồng cứ mải mê theo đuổi sự nghiệp, không ngó ngàng đến gia đình vợ con thì cái hạnh phúc do thành công mang lại ấy liệu có trọn vẹn không? Bố mẹ đang hãy còn vất vả thiếu thốn mà con cái cứ suốt ngày chạy theo đam mê phù phiếm bên ngoài thì đã phù hợp chưa? Sống vì niềm vui chân chính của bản thân là điều rất tốt, nhưng bạn cần phải biết quan tâm đến người khác. Kiên trì là một đức tính đáng quý, nhưng “xả bỏ” đôi khi lại là một phong vị khác của hạnh phúc…
Hoàng Thu
Xem thêm:
Từ khóa kiên trì Bài học cuộc sống Suy ngẫm