Nên rửa mặt bằng nước nóng hay nước lạnh? Bạn đã thực hiện đúng cách?
- Trúc Nhi
- •
Rửa mặt là bước quan trọng trong việc chăm sóc da, nhưng bạn có chắc mình đã chọn đúng nhiệt độ nước để bảo vệ làn da? Nước nóng có thể khiến da khô và dễ kích ứng, trong khi nước lạnh lại chưa chắc làm sạch hoàn toàn. Vậy đâu là cách rửa mặt hiệu quả nhất để duy trì làn da khỏe mạnh và mịn màng? Cùng khám phá lời khuyên từ các chuyên gia da liễu!
Rửa mặt giúp duy trì làn da sạch sẽ và để lại ấn tượng tốt, vì vậy bước chăm sóc này vô cùng quan trọng. Có người quen dùng nước nóng, người khác lại thích nước lạnh, và cũng có nhiều người chọn nước ấm. Vậy đâu là nhiệt độ nước thích hợp để rửa mặt, giúp bảo vệ và chăm sóc làn da hiệu quả?
Theo báo The Huffington Post, nhiều người thường rửa mặt bằng nước nóng trước để làm sạch và mở lỗ chân lông, rồi sau đó dùng nước lạnh để “đóng” lỗ chân lông lại. Tuy nhiên, liệu việc để da mặt tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh có thực sự đúng?
Trái với suy nghĩ thông thường, lỗ chân lông không giống như cửa sổ, có thể mở ra hoặc đóng lại khi tiếp xúc với nước nóng hay lạnh. Bác sĩ da liễu Hannah Kopelman, đang hành nghề tại New York (Mỹ), đã giải thích điều này.
Cô Kopelman giải thích: “Thực tế là lỗ chân lông không có cơ, vì vậy chúng không thể mở hay đóng dựa vào nhiệt độ. Nước nóng có thể tạm thời hòa tan dầu và cặn bẩn trên da, làm lỗ chân lông trông sạch hơn, nhưng thực sự không thay đổi kích thước của chúng. Mặt khác, nước lạnh có thể khiến mạch máu co lại trong thời gian ngắn, làm da có vẻ săn chắc hơn, nhưng cũng không làm lỗ chân lông nhỏ đi”.
Mặc dù kích thước lỗ chân lông chủ yếu được quyết định bởi yếu tố di truyền, một số yếu tố khác cũng khiến lỗ chân lông to hơn. Bác sĩ da liễu Sara Hogan, làm việc tại Washington D.C., cho biết: “Tuyến bã nhờn ở một số người khá lớn và có thể trở nên to hơn khi tuổi tác tăng dần”.
Cô Hogan bổ sung: “Hormone cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến bã nhờn. Da bị tổn thương bởi hóa chất hoặc lão hóa sẽ mất đi độ đàn hồi, ảnh hưởng đến cấu trúc da. Trong những trường hợp này, lỗ chân lông sẽ to hơn”.
Nên rửa mặt bằng nước ở nhiệt độ nào?
Dùng nước nóng để làm sạch da mặt có thể mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng nó sẽ loại bỏ lượng dầu tự nhiên trên da. Những loại dầu này giúp da duy trì độ ẩm, nên việc để da tiếp xúc với nước nóng sẽ giảm khả năng giữ ẩm, khiến da trở nên nhạy cảm hơn, dễ khô, mẩn đỏ và kích ứng.
Bác sĩ da liễu Nicole Lee, làm việc tại New York, cho biết: “Nước nóng có thể làm nặng thêm các bệnh viêm da cơ địa hoặc trứng cá đỏ theo thời gian, đồng thời gây lão hóa da sớm do phá vỡ collagen và elastin”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là rửa mặt bằng nước lạnh sẽ tốt hơn. Việc để da tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng đều không tốt cho da.
Cô Nicole Lee giải thích, rửa mặt bằng nước rất lạnh có thể mang lại cảm giác sảng khoái và tạm thời giảm hiện tượng sưng mặt. Tuy nhiên, nó có thể không làm sạch hiệu quả hoặc không cho phép sản phẩm chăm sóc da thẩm thấu tốt. Lâu dần, điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và làm giảm hiệu quả của các sản phẩm dưỡng da.
Để đạt được sức khỏe tốt nhất cho làn da và tận dụng tối đa công dụng của sữa rửa mặt, các bác sĩ da liễu đồng tình rằng nước ấm ở nhiệt độ vừa phải là lựa chọn tốt nhất.
Cô Nicole Lee chia sẻ: “Nước ấm là lựa chọn tốt nhất vì nó vừa loại bỏ hiệu quả bụi bẩn, dầu thừa và lớp trang điểm, vừa bảo vệ lượng dầu tự nhiên của da, giúp sản phẩm dưỡng da thẩm thấu tốt hơn”.
Có loại da nào phù hợp khi rửa mặt bằng nước nóng không?
Câu trả lời là “không.” Một số loại da hoặc những người mắc một số bệnh (như trứng cá đỏ hoặc chàm) có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ nước, và nước nóng có thể khiến các bệnh này trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Hannah Kopelman cho biết: “Nước nóng làm giãn mạch máu, từ đó khiến làn da bị trứng cá đỏ trở nên đỏ ửng nghiêm trọng hơn”.
Cô khẳng định, ngay cả khi da bạn không nhạy cảm, rửa mặt bằng nước nóng cũng không mang lại lợi ích gì. Bác sĩ cảnh báo mọi người không nên rửa mặt bằng nước nóng, bất kể là loại da nào.
Cô cũng nhấn mạnh, mặc dù nước ấm (thay vì nước nóng) có thể giúp làm tan dầu thừa trên da dầu, nhưng cần tránh nhiệt độ quá cao vì nó sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.
“Đối với da dầu, nước ấm có thể mang lại một chút lợi ích, nhưng điều quan trọng là duy trì nhiệt độ nước trong giới hạn hợp lý,” Kopelman cho biết.
Có nên rửa mặt bằng nước lạnh không?
Bác sĩ Kopelman cho biết, nước lạnh có thể giúp làm dịu làn da bị viêm hoặc kích ứng. Vì vậy, nó là một lựa chọn tốt trong việc điều trị trứng cá đỏ hoặc sau một số thủ thuật da liễu. Nước lạnh còn giúp thu nhỏ mạch máu, làm giảm sưng mặt vào buổi sáng, mang lại vẻ tươi mới cho làn da.
Tuy nhiên, do nước lạnh không hiệu quả trong việc loại bỏ dầu thừa và làm sạch sâu, bác sĩ Kopelman khuyên bạn nên rửa mặt bằng nước ấm trước, sau đó nếu cần hãy rửa lại mặt bằng nước lạnh để làm dịu làn da.
Bác sĩ cũng nhắc nhở mọi người nên duy trì thói quen chăm sóc da tốt. “Dưỡng ẩm là chìa khóa”, cô nhấn mạnh. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp sẽ giúp bảo vệ hàng rào tự nhiên của da và ngăn chặn sự tiết dầu quá mức.
Từ khóa Rửa mặt nước nóng hay nước lạnh