Nếu bạn quan tâm đến ai đó, hãy đặt điện thoại xuống
- Trúc Nhi
- •
Trong thế giới ngày nay, nơi mà công nghệ luôn hiện diện và chiếm ưu thế, chúng ta dễ dàng đánh mất sự kết nối thực sự với những người xung quanh. Vì vậy nếu bạn quan tâm đến ai đó, hãy đặt điện thoại xuống, hãy sống chậm lại và sống thật tốt với những người thân yêu.
Trang web của tờ The Guardian gần đây đã đăng một bài viết có tiêu đề “Nếu bạn quan tâm đến ai đó, hãy thể hiện điều đó với họ và đặt điện thoại xuống”, tác giả là Moya Sarlene. Dưới đây là phần trích dẫn từ bài viết:
Vào một ngày nhiều năm trước, tôi ngồi trong một quán cà phê, một người đàn ông trông có vẻ rất mệt mỏi cùng cậu con trai còn đang chập chững biết đi bước vào. Sau khi gọi một ly cappuccino và một ly babyccino (một loại đồ uống không chứa caffeine dành cho trẻ em), anh ấy ngồi xuống bàn cạnh tôi. Khi ấy cậu con trai khóc và anh đã rất cố gắng để làm cho cậu vui lên. Dần dần, sự chú ý của người cha bắt đầu phân tán, tay anh thò vào túi quần, từ từ rút điện thoại ra, đôi mắt mệt mỏi lướt trên màn hình…
Sau đó, tôi “thấy” cậu bé hét lên. Tôi thấy trước, rồi mới nghe thấy, vì trước tiếng hét rất to đó, là một tiếng gào thét im lặng đáng sợ (con tôi cũng từng phát ra những tiếng gào thét im lặng, nên giờ tôi mới nhận ra điều này). Người cha lúc đó nhận ra mình đã sai, anh vội vàng nhét điện thoại vào túi, một tay ôm con, tay kia đẩy chiếc xe đẩy trẻ em trống không, cúi đầu thất vọng bước ra khỏi quán cà phê.
Đúng vậy, chúng ta cần dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn cho những người mà chúng ta yêu thương, thực sự trò chuyện và lắng nghe lẫn nhau, thay vì vừa nói chuyện vừa nhìn vào màn hình. Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn, sự chú ý hơn cho những gì mình thích làm, dù đó là đi dạo, đọc sách, sáng tạo, chơi game, hay chơi nhạc cụ. Vấn đề là, chúng ta biết những điều này, nhưng lại rất khó để thực hiện, dường như chúng ta không thể dành đủ thời gian và sự chú ý cho chính mình — đặc biệt là cho tâm hồn của mình.
Chúng ta không thể chỉ như lò vi sóng hâm nóng thức ăn nhanh. Có những người suốt đời phải chịu đựng đau khổ, có những người mang trong tâm trí và cơ thể những ký ức bị lạm dụng từ thời thơ ấu, có những người đã dành hàng chục năm trốn tránh lo âu hay trầm cảm tuổi thanh xuân, có những người khi trưởng thành vẫn lặp lại những mối quan hệ không lành mạnh, có những người rơi vào bế tắc, có những người cảm thấy bị đè nén trước khi ngủ và muốn khóc ngay khi vừa thức dậy vào buổi sáng, có những người đang vật lộn trong cuộc sống, mỗi người trong số họ, mỗi chúng ta, đều xứng đáng nhận được thời gian và sự chú ý để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều người trong chúng ta không tiếc công sức để phân tâm vào những thứ thực sự không quan trọng, chi tiền và thời gian vào thiết bị điện tử, đọc những thông báo từ các nền tảng mạng xã hội gây xao nhãng, mà thực tế những thông báo đó chẳng có giá trị gì. Chúng ta tấn công và làm yếu khả năng tập trung của chính mình, lãng phí thời gian của mình. Đôi khi tôi dùng một ứng dụng gọi là “Quản lý bản thân” để ngừng truy cập vào các nền tảng xã hội, để tôi có thể tập trung vào việc viết lách.
Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này một thời gian rồi. Gần đây, là một người mẹ, mắt tôi thỉnh thoảng lại nhìn vào chiếc điện thoại của mình nhiều hơn, đây là điều tôi không mong muốn. Tôi nghĩ tôi đã hiểu tại sao chúng ta đôi khi lại như người cha ở phần đầu bài viết này, không thể duy trì sự chú ý đối với những người mình yêu thương và chính bản thân mình. Bởi vì điều đó thực sự rất khó khăn.
Việc thực sự chạm đến những phần dễ tổn thương, khao khát được chú ý và cần sự giúp đỡ ở con cái chúng ta là điều khó khăn và vất vả, còn việc thực sự đối mặt với những phần đó trong chính bản thân mình lại càng khó khăn hơn. Việc cố gắng hiểu trải nghiệm này, hòa hợp với nó, cho phép những cảm xúc ấy xuất hiện trong tâm trí, thậm chí có lúc cảm thấy bị chúng áp đảo, và cố gắng diễn đạt chúng bằng lời nói, điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Mặc dù tôi đã gặp người cha và đứa con trai này hơn mười năm trước, mặc dù tôi chưa bao giờ nói chuyện với họ, nhưng hình ảnh của họ luôn ở trong đầu tôi: một người cha mệt mỏi, lơ đãng, cố gắng hết sức để vật lộn với việc kiềm chế bản thân để không rời mắt khỏi đứa trẻ đang khóc nức nở; còn đứa trẻ, khi thấy thời gian và sự chú ý của cha dành cho mình không nhiều thì cảm thấy vô cùng tức giận.
Bây giờ, tôi thấy bóng dáng người đàn ông và cậu bé đó trong chính mình. Có lẽ, sâu thẳm trong mỗi người chúng ta đều có người cha và cậu bé trong câu chuyện, một bên mong muốn được quan tâm và chú ý, bên còn lại thì chỉ có thể chịu đựng, và muốn được rời đi.
Là một bệnh nhân đang theo trị liệu phân tâm học, bây giờ tôi có thể nhận ra những phần đó trong chính mình, nằm trên chiếc ghế của người phân tích, nhận được sự chú ý và thời gian mà bà dành cho tôi, từ đó tìm thấy sự hỗ trợ và sức mạnh, cố gắng nhìn nhận và đáp ứng những nhu cầu của bản thân.
Tôi vẫn chưa hoàn toàn làm được. Tôi vẫn thấy mình dùng điện thoại nhiều vào ban đêm, trốn tránh sự yếu đuối của bản thân, nhưng ít nhất bây giờ tôi biết mình đang làm gì.
Thời gian và sự chú ý có thể nuôi dưỡng tất cả những điều khác, giúp cuộc sống và sức khỏe tâm lý trở nên tốt đẹp hơn…
Từ khóa điện thoại quan tâm