Người hầu tiện tay làm một việc thiện, không ngờ lại cứu sống chính mình
- Thanh Lạc
- •
Ông bà ta dạy: “Đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm”, ý nghĩa bề mặt là khuyên người ta làm nhiều việc thiện hơn nữa, dù là việc nhỏ vô tình làm, cũng đừng nhắm mắt làm ngơ hoặc thậm chí cự tuyệt. Theo thiên lý, thiện ác hữu báo, làm việc thiện nhất định sẽ được phúc báo, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Dưới đây là một câu chuyện kể về một người hầu nhờ tình cờ làm một việc tốt đã cứu mạng anh ta.
Vào thời nhà Minh, có một gia đình giàu có họ Trương, trước trang viên của ông ấy có một cái hố nhỏ, rộng hơn 2 thước, khiến người đi đường qua lại rất bất tiện. Một người hầu của gia đình ông ấy đã tìm thấy một tấm ván cũ không ai sử dụng trong nhà kho và đặt nó trên cái hố để mọi người đi lại thuận tiện hơn. Người hầu cũng không để chuyện này trong lòng, bởi vì cũng là việc tiện tay làm thôi.
Một hôm, anh được lệnh của chủ nhân mang một hộp quà đến Hằng Sơn để tặng lễ. Khi đến một cây cầu tên là cầu Thiên Tân, một người tú tài họ Lục đã chặn anh lại. Lục tú tài nói với anh ta: “Đêm qua trời nóng, ta đi dạo trên cầu để hóng mát. Ta nghe thấy hai giọng nói nói chuyện dưới cầu. Một trong hai nói:
“Ngày mai nhà họ Trương sẽ cử một người hầu đến Hằng Sơn để tặng lễ. Người hầu này sẽ tắm rửa ở đây cho đỡ nóng, cũng vì vậy mà chết đuối. Lúc đó, sẽ có người thay thế tôi rồi, tôi có thể chuyển sinh, chuyển thế đầu thai được rồi.”
Đây có thể là quỷ nước đã chết trước khi hết thọ mệnh đang chờ người thay thế. Lục tú tài đã khuyên người đầy tớ này đừng bao giờ tắm sông ở đây. Người hầu hứa với anh ta, rồi sau đó rời đi.
Đêm hôm đó, Lục tú tài lại lên cầu để thám thính động tĩnh và nghe thấy một giọng nói từ dưới cầu vang lên: “Tôi đã đợi 3 năm và cuối cùng cũng tìm được người thay thế. Nhưng Lục tú tài đã cứu anh ta. Thật là đáng tiếc!” Sau đó, một giọng nói khác nói: “Người hầu của nhà họ Trương này vốn dĩ không đáng chết. Anh ta đã từng xây một cây cầu Thất Tinh ở đâu đó. Công đức của anh ta đủ để triệt tiêu tai họa này.” Lời nói vừa dứt, ở dưới cầu liền yên tĩnh trở lại.
Ngày hôm sau, người hầu trở về nhà, Lục tú tài lại gặp anh ta để hỏi: “Có phải anh đã xây cầu Thất Tinh ở đâu đó không?” Người hầu nói: “Không có chuyện này đâu!”
Lục tú tài không tin và hỏi người hầu nhiều lần, bảo anh ta suy nghĩ lại. Người hầu suy nghĩ hồi lâu mới nhớ ra một chuyện: “Chắc là trước trang viên của chủ nhân có một cái hố nhỏ, rộng hơn hai thước, người đi đường qua lại rất bất tiện. Cho nên tôi mới tìm một tấm ván gỗ không dùng tới trong nhà kho để đặt trên cái hố. Chẳng hiểu sao lại gọi là Cầu Thất Tinh.” Sau đó, người hầu quay lại kiểm tra tấm ván gỗ và phát hiện có bảy lỗ bị sâu ăn. Vì vậy, anh ta chắc chắn rằng cầu Thất Tinh là ám chỉ cái tấm ván gỗ cũ này.
Người hầu làm chút việc thiện tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ bé, không đáng kể gì, nhưng chính việc này lại cứu mạng anh.
Người làm việc thiện không vì danh lợi, hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng, từ bản tính thiện lương, không khoe khoang với người khác, cũng không để người khác biết đến mình. Đây gọi là “tích âm đức”, làm việc thiện dù lớn hay nhỏ đều sẽ đắc được phúc báo sâu dày. Cũng như vậy, con người khi làm việc xấu, dù việc xấu nhỏ đến đâu, có biết hay không, cũng không thể thoát khỏi con mắt của Ông Trời. Nếu nghiệp lực tích tụ đến một mức độ nhất định, quả báo xấu nhất định sẽ đến, lúc đó có hối hận cũng vô ích.
Từ khóa thiện ác hữu báo làm việc thiện luật nhân quả