Làm việc thiện không cầu báo đáp, không cầu mà tự được
- An Hòa
- •
Trên thế gian này, chỉ những người trí tuệ mới hiểu được đạo lý “không cầu mà tự được”. Nếu một người nào đó có thể làm việc thiện mà không cầu báo đáp thì người ấy đã vượt xa cảnh giới tư tưởng của một người bình thường.
Trong cuộc sống đời thường, nếu một người có thể giữ vững được nguyên tắc “làm ơn mà không cần đáp trả, nhận được ơn huệ mà không bao giờ quên” thì người ấy nhất định sẽ tích được đại đức cho tương lai. Đây là một đạo lý của Trời đất, không phụ thuộc vào nguyện ý của con người.
Có một số người, mặc dù cũng biết rằng làm việc thiện là tốt, nhưng một khi không nhận được báo đáp thì nhanh chóng trở nên nản chí, ngã lòng. Điều này là vì lòng nhân từ của họ không đủ thuần chính.
Thuở thiếu niên, vị tướng nổi tiếng thời nhà Hán là Hàn Tín sống một cuộc sống vô cùng nghèo khổ cơ cực. Một ngày nọ, Hàn Tín không còn gì để ăn, đành ngồi ở bờ sông ngoại thành Hoài Dương và câu cá. Lúc ấy, có nhiều phụ nữ đang giặt giũ bên bờ sông. Một người phụ nữ để ý thấy rằng Hàn Tín có vẻ đói và xanh xao, liền chủ động mang thức ăn của mình tặng cho Hàn Tín. Hàn Tín đã được người phụ nữ kia tặng cho thức ăn trong suốt hơn 10 ngày liền.
Lòng tốt của người phụ nữ ấy đã khiến Hàn Tín vô cùng cảm kích. Hàn Tín vốn là kỳ tài, rất tự tin rằng tương lai mình sẽ thành danh, bèn nói với người phụ nữ tặng cơm cho mình rằng: “Tương lai tôi nhất định sẽ báo đáp ân huệ của bà!”.
Không ngờ người phụ nữ kia trả lời rất bình dị: “Một người đàn ông phải tự chăm lo được cho cuộc sống của bản thân. Tôi là vì thấy cậu đáng thương nên đã cho cậu thức ăn. Nếu tôi gặp người khác đang chịu khổ vì đói khát, tôi cũng sẽ làm như thế. Tôi không cần cậu phải báo đáp gì cho tôi cả”.
Nhiều năm trôi qua, người phụ nữ kia đã không còn nhớ gì về việc mình đã tặng thức ăn cho Hàn Tín. Nhưng Hàn Tín thì không lúc nào quên ân huệ của bà. Sau khi đã công thành danh toại, Hàn Tín trở lại quê hương. Việc đầu tiên mà ông làm là đi tìm người phụ nữ mà ông đã gặp thời trai trẻ và báo ơn bà bằng một lượng tiền vàng rất lớn. Đây chính là điển cố “một bát cơm ngàn vàng” nổi tiếng trong lịch sử.
Ở nơi quê nhà có những người có ân với Hàn Tín, còn cho Hàn Tín nhiều hơn 10 bữa cơm đạm bạc kia, nhưng không ai được báo ân nhiều như vậy. Có thể thấy rằng người làm việc thiện, thi ân không cầu báo đáp mới là người đáng quý nhất.
Trong cuốn sách về những lời dạy của Chu Tử có dạy rằng: “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong” làm việc thiện không cần suy tính, mang ơn người đừng bao giờ quên). Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cho rằng người lương thiện nhất thì giống như là nước vậy. Nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho vạn vật, không tranh giành ai, và cũng không cần sự báo đáp. Đây chính là sự khiêm nhường lớn nhất và đức hạnh cao cả nhất.
Trong “Lục tổ đàn kinh” có điển cố nổi tiếng về việc Hoàng đế khai quốc của triều Lương, Lương Vũ Đế vô cùng kính tín Phật Pháp. Một lần, ông hỏi vị Đạt Ma sơ tổ rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
Không ngờ vị Đạt Ma đáp rằng: “Không có công đức. Bởi vì tất cả những việc người làm đều là vì muốn có được công đức. Làm việc thiện, trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian mà cầu được.”
Nếu một người làm việc thiện bởi vì cầu được báo đáp, vậy thì trước khi hành thiện, người ấy sẽ do dự, tính toán và lựa chọn. Sau khi hành thiện mà không được báo đáp, người ấy sẽ dễ dàng sinh ra tâm oán hận, tức giận.
Làm việc thiện quý giá nhất ở chỗ vô tư, vô ngã, không cầu lợi. Người mang thiện tâm có thể khẳng khái giúp khi thấy người gặp nạn, không quan tâm rằng liệu người được giúp có thể hoàn trả lại cho họ hay không, trong lòng hoàn toàn bảo trì được tâm thái thanh thản, không oán giận, không hối tiếc. Nếu có thể làm được như vậy, thì người ấy đã tích được đại đức và trong tương lai người ấy chắc chắn sẽ nhận được phúc báo vô cùng to lớn.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Âm đức nghĩa là gì? Vì sao lại gọi là “âm”?
- Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa
Mời xem video:
Từ khóa Đối nhân xử thế của người xưa Hành thiện Làm từ thiện lòng biết ơn