Nguyên mẫu do Lưu Đức Hoa thủ vai tìm thấy con trai sau 24 năm mất tích
- Quỳnh Chi
- •
Lưu Đức Hoa (Andy Lau) đóng vai chính trong bộ phim “Đứa trẻ mồ côi bị mất tích” (Lost and Love) năm 2015, dựa trên một câu chuyện và nhân vật có thật. Bộ phim kể về câu chuyện của một nông dân Trung Quốc đã phải chịu đựng muôn vàn gian khổ suốt 15 năm, để tìm kiếm đứa con trai mất tích của mình.
Ngày 12/7, một tin tốt lành đến từ ông Quách Cương Đường, nguyên mẫu của nhân vật thật trong phim. Cuối cùng ông đã tìm thấy con trai mình là Quách Chấn, người đã mất tích suốt 24 năm.
Ngày 21/9/1997, Quách Chấn, cậu con trai 2 tuổi của ông Quách Cương Đường 27 tuổi, đã bị bắt cóc. Hơn 10 năm sau đó, ông Quách Cương Đường đã chạy xe máy tìm kiếm khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc, ngoại trừ Tân Cương và Tây Tạng. Ông đã đi hơn 500.000 km, làm hỏng mất 10 chiếc xe máy và không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm con trai mình.
Ngày 20/3/2015, bộ phim “Đứa trẻ mồ côi bị mất tích” do Lưu Đức Hoa thủ vai chính đã được công chiếu. Phim kể rằng vào năm 1997, cậu bé Lôi Đạt 2 tuổi bị mất tích. Ông Lôi Trạch Khoan đã bắt đầu hành trình 15 năm tìm kiếm con trai.
Nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim là ông Quách Cương Đường, một cư dân tại thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông. Mặc dù bộ phim đã nhận được sự chú ý rộng rãi sau khi công chiếu, nhưng ông Quách Cương Đường vẫn chưa nhận được bất cứ tin tức gì về con trai mình.
Khi sự việc một lần nữa bị lãng quên, thì vào tháng 2 năm nay, ông Quách Cương Đường đã đăng tải một video ngắn tìm kiếm con trai mình thông qua TikTok. Đồng thời chia sẻ thông tin về các vụ bắt cóc và buôn bán trẻ em của bọn tội phạm, và đăng thông báo tìm người mất tích giúp các nạn nhân khác.
Kết quả trời xanh chẳng phụ lòng người, theo báo cáo của tờ “The Cover”, kênh truyền thông tại Đại lục, ngày 12/7, ông Quách Cương Đường đã tìm thấy con trai mình và chứng thực được mối quan hệ cha con nhờ xét nghiệm ADN.
Theo báo cáo của tờ “Hk01”, cô Bành Tam Nguyên, đạo diễn của bộ phim “Đứa trẻ mồ côi bị mất tích”, xác nhận: “Ông Quách Cương Đường cuối cùng đã tìm thấy con trai của mình là Quách Chấn, người mà ông đã tìm kiếm suốt 24 năm. Cuối cùng, ông đã kết thúc hành trình dài tìm kiếm con trai mình. Điều này dường như là tất cả trong nửa đầu của cuộc đời ông. Hiện giờ cậu con trai đã 26 tuổi. Đáng buồn thay, con trai ông vẫn luôn sống ở Hà Nam, nơi cách ông không quá xa.”
Video nhận lại con của ông Quách:
Cô Bành Tam Nguyên đã báo tin mừng này với tài tử Lưu Đức Hoa. Lưu Đức Hoa đã rất xúc động khi biết tin. “Anh ấy đáp lại bằng một biểu cảm rất vui vẻ và có hai cử chỉ như đang cầu nguyện.”
Ông Điền Khải Văn (Tin Kai-man), chủ tịch Liên đoàn Công tác Điện ảnh Hồng Kông, nói với truyền thông Đại Lục rằng Lưu Đức Hoa rất vui khi biết tin ông Quách Cương Đường đã tìm thấy cậu con trai thất lạc lâu năm của mình là Quách Chân. Anh cũng bày tỏ sự chúc phúc của mình tới ông Quách Cương Đường.
Cô Điền Đông Lâm, một diễn viên Đại Lục xuất hiện trong bộ phim, nói với “The Cover” rằng năm đó, để thể hiện tốt vai diễn này, Lưu Đức Hoa không chỉ cố ý khiến mặt mày trở nên nhem nhuốc, mà anh còn quan sát kỹ cách ăn uống và đi lại của những người lao động. Cuối cùng anh đã thể hiện hình ảnh một người cha mất con tuyệt vọng, với khuôn mặt tang thương, râu ria xồm xoàm trên màn ảnh. Diễn xuất của anh đầy cảm xúc và chân thật khiến khán giả nhớ mãi câu chuyện có thật này.
Thực trạng bắt cóc trẻ đáng báo động tại Trung Quốc
Buôn bán người ở Trung Quốc đã đến mức độ như thế nào? Lời khai của một kẻ bắt cóc trẻ em ở Trung Quốc sau khi bị bắt sẽ cho thấy tình hình khủng khiếp thế nào, giúp bạn hiểu được sự suy đồi đạo đức đã đến mức “không còn giới hạn”.
Hỏi: Tại sao anh phải buôn bán trẻ em?
Đáp: Kiếm tiền vừa nhanh vừa dễ dàng.
Hỏi: Anh có biết thế là phạm tội?
Đáp: Chẳng phải đó là một đứa trẻ sao? Họ lại có thể sinh tiếp!
Hỏi: Anh đã bao nhiêu lần tham gia phạm tội? Lần nhiều nhất bắt cóc mấy bé?
Đáp: Tôi không thể nhớ, mỗi tháng đều bán vài lần. Lần nhiều nhất dường như khoảng 3-4 đứa, tôi không nhớ rõ.
Hỏi: Anh có biết những đứa trẻ bị bắt cóc bán về đâu không?
Đáp: Trên khắp nơi trên đất nước đều có, có người chuyên bán, tôi phụ trách việc bắt cóc. Người ở trên không cho phép tôi biết nơi đứa trẻ đến, họ nói rằng sợ cảnh sát sẽ tìm thấy chúng.
Hỏi: Cách anh gây án thế nào?
Đáp: Ngoan ngoãn nghe thì lừa, quá lanh lợi thì bắt ép, không nghe lời thì đánh hôn mê mang đi, khi người lớn không chú ý sẽ ra tay hành động.
Hỏi: Anh có lựa chọn đứa trẻ để gây án?
Đáp: Phải chú ý vào sức khỏe, ăn mặc sáng sủa, chất lượng tốt mới có thể bán được giá tốt.
Hỏi: Trong quá trình lừa gạt, anh đã bao giờ giết chết đứa trẻ nào chưa?
Đáp: (im lặng một lúc, gật đầu) Do đứa bé khóc quá lớn, gần như có thể lôi kéo người ta chú ý kéo đến, đồng bọn của tôi sợ có chuyện không hay nên ném đứa bé xuống sông. Đây là người kia làm, không phải tôi!
Những câu trả lời khiến người nghe không khỏi cảm thấy ớn lạnh nổi da gà, trong mắt những kẻ buôn người này thì sinh mạng những đứa trẻ như cỏ dại bên lề đường, nhổ đi sẽ mọc lại…
Đối với kẻ buôn người, đứa trẻ chỉ là một món hàng đem lại lợi nhuận, nhưng đối với một gia đình đã mất con thì đó có thể là vết thương ám ảnh suốt đời. Vết thương chỉ nguôi ngoai khi nào đứa trẻ trở lại, dù cha mẹ có sinh thêm bao nhiêu đứa nữa thì cũng không thể bù đắp được nỗi đau mất con. Đó không đơn giản chỉ là đứa trẻ, mà còn là nửa đời còn lại của cha mẹ, làm sao có thể không đau đớn! Tội phạm bắt cóc không quan tâm chuyện sống hay chết của đứa trẻ cũng như nỗi đau khổ của cha mẹ mất đứa trẻ, trong mắt họ chỉ là tiền.
Một số cơ quan truyền thông Đại Lục cho biết, ở Trung Quốc mỗi năm có đến 200 nghìn trường hợp trẻ bị mất tích, còn tỷ lệ tìm được chỉ là 0,1%. Điều này nghĩa là 99,9% các gia đình còn lại đang sống trong nỗi đau đớn. Khi đứa trẻ bị bắt cóc, vấn đề không chỉ là cuộc sống của đứa trẻ, mà còn là cuộc sống của cha mẹ trẻ.
Có câu chuyện đau lòng được truyền thông Đại Lục chia sẻ kể một đứa trẻ bị bắt cóc cuối cùng đã tìm thấy cha mẹ, nhưng thời gian đã qua 30 năm, trong thời gian đó người cha quá đau khổ đã qua đời, còn người mẹ thì hóa điên. Khoảnh khắc người ta đưa người con đến gặp mẹ đã giúp người mẹ hồi tỉnh lại, khỏi hẳn chứng điên dại kéo dài suốt 30 năm, người mẹ kéo tay con dẫn ra ngọn đồi phía sau, bà quỳ trước mộ chồng thốt lên “Con gái đã trở về.”
Gia đình tan vỡ và rơi vào địa ngục trong 30 năm, khó có thể thấu hiểu họ phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ. Có thể nói, phía sau mỗi đứa trẻ bị bắt cóc là cuộc sống đảo lộn bất hạnh của một gia đình, không có ngoại lệ. Kiếp nạn đó không chỉ là đối với đứa trẻ, mà còn là đối với một gia đình, hoặc thậm chí là một gia tộc.
Trên mạng Internet có rất nhiều video về bắt cóc trẻ em trắng trợn ngay giữa ban ngày:
Thủ phạm bắt cóc ngang nhiên cướp giật lấy đứa trẻ giữa ban ngày.
Ảnh 1: Một người mẹ bế con đi trên đường, bất ngờ một người đàn ông từ sau lao lên cướp lấy đứa trẻ. Lúc này đồng bọn chạy xe đến phối hợp khiến người mẹ không thể chống đỡ, đứa trẻ được cho lên xe đưa đi…
Ảnh 2: Một cô bé chơi trong siêu thị, một kẻ lạ đến bế cô bé đi.
Ảnh 3: Người mẹ đưa bé gái đi dạo ngoài trời, một đôi nam nữ lao đến cướp cô bé…
Quỳnh Chi (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc bắt cóc trẻ em Lưu Đức Hoa Lost and love Trẻ em mất tích