Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia đình bất hoà
- Ngọc Trân
- •
Tỷ lệ ly hôn trong xã hội hiện đại rất cao, gia đình đơn thân cũng có rất nhiều. Người ta thường cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn thường là ngoại tình hoặc hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế, ‘bạo lực ngôn ngữ’ mới thực sự là nguyên nhân tạo thành những tổn thương khiến người ta thật khó tưởng tượng, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia đình bất hòa.
Sự đáng sợ của bạo lực ngôn ngữ
Trong ‘Tuân tử vinh nhục’ viết: “Dư nhân thiện ngôn, noãn ô bố bạch; thương nhân dĩ ngôn, thâm ô mâu kích”, ý nghĩa là lời nói thân thiện với người khác, cũng giống như sự ấm áp, mềm mại của tơ lụa; lời nói sắc nhọn, châm chọc cũng giống như mũi giáo khiến người khác tổn thương.
Nhà sản xuất đồ nội thất nổi tiếng IKEA đã từng làm một thí nghiệm đặc biệt tại một trường học ở Trung Đông. Thí nghiệm diễn ra như sau: Đầu tiên, họ chọn hai chậu hoa giống nhau, đều được bón phân và để ở nơi có lượng phơi sáng như nhau. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là một chậu hoa được nhận những lời lẽ yêu thương từ học sinh, chậu còn lại thì chịu những lời trách mắng, khó nghe.
Ví dụ những lời nói yêu thương như: “Tôi thích hình dáng của bạn”, “vừa nhìn thấy bạn tôi liền rất vui”, “bạn thật là đẹp”… và còn những lời nói ác ý như: “Mày đúng là đồ bỏ đi, đâu cũng thấy mày”, “mày không phải một loại thực vật đặc biệt”, “mày vẫn còn sống sao”…
Kết quả thực nghiệm khiến các học sinh ở đây đều kinh ngạc, bởi vì chậu hoa gặp phải những lời lăng mạ dần dần khô héo, còn chậu hoa nhận được những lời khen ngợi thì phát triển rất tươi tốt. Cùng một môi trường phát triển, nhưng một tháng sau đã có sự tương phản lớn như vậy. Từ đó có thể thấy, ngay cả thực vật cũng không thể chịu đựng được những ngôn ngữ bạo lực, huống là con người.
Đôi khi, muốn đánh bại một người chỉ cần một câu nói. Nếu những lời ác ý được nói ra từ miệng của người thân thì tổn thương sẽ tăng lên gấp bội. Ngôn ngữ nếu làm mất đi sự ấm áp, thì nó chính là con dao giết người vô hình, đây cũng là điểm đáng sợ nhất của bạo lực ngôn ngữ.
Rất nhiều những sự kiện xã hội gây ra bất an cho mọi người đều đến từ những thương tích mà tội phạm phải chịu đựng khi còn nhỏ.
Gia đình cũng như vậy, biết bao nhiêu gia đình bất hoà, cha mẹ con cái từ mặt nhau cũng đều vì bạo lực ngôn ngữ. Sinh sống lâu dài dưới một hoàn cảnh như vậy, cảm giác thuộc về gia đình đó hoặc trách nhiệm đối với gia đình đó cũng dần dần nhạt đi. Từ đó dẫn đến phát sinh các vấn đề trong gia đình, ngoại tình, ly hôn….cũng tăng lên.
Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, chúng ta cố gắng không nên nói những lời lẽ ác ý, làm tổn thương đối phương.
Nếu các loại áp lực sau một thời gian tích lũy lâu dài, thì rất dễ phát sinh những bi kịch trong gia đình, nhẹ thì dẫn đến ly hôn, nặng thì dẫn đến những vụ tự sát thương tâm.
Chúng ta luôn dành những lời yêu thương cho người khác nhưng lại luôn trút giận lên những người thân yêu bên cạnh mình. Không có người hoàn mỹ trên thế giới này, mà ai ai cũng đều có khuyết điểm, muốn sửa đổi cũng cần có thời gian. Nếu chúng ta có thể tiếp nạp những chỗ chưa hoàn mỹ của mình, vậy thì tại sao không thể thiện đãi những chỗ chưa tốt của người khác?
Có người nói, gia đình không phải là nơi để giảng đạo lý, mà là nơi để nói những lời yêu thương. Vì vậy, một gia đình hoà thuận cũng cần sự đóng góp xây dựng nhiệt huyết của mỗi thành viên trong gia đình, mà không phải chỉ riêng một cá nhân nào.
Ngọc Trân
Xem thêm:
Từ khóa Ly hôn Vợ chồng hạnh phúc gia đình Gia đình bất hòa Bạo lực ngôn ngữ thí nghiệm của IKEA