Bạn thường bị cuốn vào những lo lắng, sợ hãi thất bại hay thiếu tự tin để bắt đầu? Nguyên tắc 4C sẽ là chìa khóa giúp bạn lấy lại động lực để bắt đầu, xây dựng sự tự tin và dũng khí để vượt qua rào cản của sự trì hoãn. 

nguyen tac tu tin
Nguyên tắc 4C giúp bạn tìm thấy động lực, chấm dứt sự trì hoãn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nhiều bậc phụ huynh thường than phiền: “Con tôi làm việc gì cũng đều sơ sài và thiếu trách nhiệm. Mỗi lần nhắc đến việc cần thực hiện, cháu chỉ đáp lại một cách hời hợt chiếu lệ: ‘Vâng, con sẽ làm.’ Nhưng tôi mãi chẳng thấy cháu thực sự bắt tay vào làm. Trong lòng tôi không khỏi lo lắng, liệu con mình có thật sự đang nghiêm túc nghĩ về điều đó, hay chỉ dừng lại ở lời nói suông?”

Nhưng nếu áp dụng một số tình huống đó vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình cũng như vậy. Có rất nhiều việc muốn làm, nhưng vì sợ làm không tốt, lo lắng không thể kiên trì, sợ bị người khác phán xét, sợ kết quả không như mong đợi hoặc thậm chí tệ hơn, mà dẫn đến việc lần lữa mãi không dám bắt đầu hết lần này đến lần khác.

Tôi suy nghĩ về những điều bản thân cần phải làm đó là: tìm ra được động lực từ bên trong và làm cho nó lớn lên, tăng dần sự tự tin và cuối cùng là lòng can đảm để bắt đầu thực hiện.

Điều này khiến tôi nhớ đến nguyên tắc 4C của Adler, bao gồm sự kết nối, năng lực, sự tự tin, can đảm.

Nguyên tắc 4C: Chìa khóa khơi dậy động cơ tự thân

Betty Lou Bettner và Amy Lew đã phát triển nguyên tắc 4C dựa trên lý thuyết tâm lý học của Adler. Các khái niệm này có thể hiểu như sau:

– Kết nối (Connection): Mức độ cảm nhận về sự kết nối với người khác.

– Năng lực (Competence): Sự tự tin và khả năng kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ của bản thân.

– Sự tự tin (Confidence): Tin rằng bạn và những gì bạn làm đều có ý nghĩa và giá trị đối với bản thân hoặc người khác.

– Can đảm (Courage): Dũng khí để đối mặt với thử thách và những điều chưa biết, cũng như khả năng chấp nhận thất bại và sự không hoàn hảo.

Bốn khía cạnh này có mối liên hệ mật thiết và thúc đẩy lẫn nhau. Bất kể bắt đầu từ khía cạnh nào, bạn đều có thể kích hoạt các khía cạnh còn lại. Khi cả bốn khía cạnh đạt đến một mức độ nhất định, chúng sẽ giúp chúng ta có đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn.

Hãy giúp trẻ tìm thấy “hiện tại” của chính mình!

Bạn có thể giúp trẻ tìm được “hiện tại” của riêng mình thông qua những cách sau:

– Lắng nghe tiếng lòng của trẻ

Tạo ra một không gian an toàn và đáng tin cậy, khuyến khích trẻ chia sẻ ra những suy nghĩ và lo lắng của mình. Sử dụng nguyên tắc 4C để cùng trẻ khám phá cảm nhận của chúng trong từng khía cạnh. Hãy cố gắng tiếp cận trẻ với sự tò mò và thái độ tôn trọng, tìm hiểu những nguyên nhân có thể khiến trẻ do dự, đồng thời thảo luận và hỗ trợ trẻ một cách phù hợp.

– Xây dựng sự tự tin cho trẻ

Thông qua việc quan sát những nỗ lực và thành tựu trước đây của trẻ, giúp trẻ tin rằng bản thân có năng lực. Khuyến khích trẻ bắt đầu từ những việc nhỏ, chia nhỏ các nhiệm vụ lớn thành từng bước nhỏ để dần dần xây dựng sự tự tin. Đưa ra những thử thách phù hợp, giúp trẻ mở rộng khả năng và vùng an toàn của mình.

– Giúp trẻ cảm nhận giá trị của bản thân

Hãy giúp trẻ nhận ra những năng lực vốn có của mình và hiểu rằng mình có thể đóng góp cho bản thân và người khác. Trong các tương tác hàng ngày, sử dụng lời khích lệ và các tín hiệu phi ngôn ngữ để cho trẻ biết rằng chúng quan trọng và có giá trị. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động có ý nghĩa để trẻ cảm nhận được tầm quan trọng và giá trị của mình.

– Nhìn nhận “chưa làm tốt” theo cách khác

Đồng hành cùng trẻ trong việc thấu hiểu và đối mặt với các thử thách, đồng thời dành cho trẻ sự động viên và hỗ trợ. Hãy khuyến khích trẻ hiểu rằng thất bại là điều bình thường. Cùng trẻ khám phá những bài học, giá trị và điểm mạnh mà chúng thể hiện ngay cả khi thất bại.

Cơ hội để bắt đầu lại

Khi tích lũy đủ sức mạnh từ những khía cạnh này (năng lượng tự thân), thời điểm bản thân muốn bắt tay ngay vào công việc tự nhiên sẽ đến. Khi trẻ rơi vào trạng thái trì trệ, có lẽ chúng cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Trong lòng chúng có thể đang tự hỏi liệu mình có đủ năng lực, có thể kiên trì hay không, hoặc thậm chí nghi ngờ việc làm đó có ý nghĩa gì không.

Khi phụ huynh có thể đồng hành cùng con với ánh mắt đầy tin tưởng, áp dụng nguyên tắc 4C để giúp trẻ tích lũy những trải nghiệm tích cực trước thời điểm đó, thì cùng với sự gia tăng những cảm nhận tích cực, trẻ cuối cùng sẽ tìm thấy “thời điểm chín muồi” để trẻ có thể sẵn sàng và dũng cảm bước những bước đi đầu tiên.

Trong quá trình đồng hành, chúng ta cần luôn mang đến cho trẻ thêm niềm tin, giúp trẻ hiểu rằng khoảnh khắc tiến lên sẽ đến vào thời điểm thích hợp, và tất cả đều đã có một quá trình chuẩn bị từ ngay bên trong thế giới nội tâm. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần luôn ở bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ trẻ đối mặt với những thử thách.