Bạn đọc thân mến, sống trên đời giống như đang chèo thuyền ngược dòng, chỉ có cố gắng bạn mới tới được bến bờ. Đôi lúc, sẽ có những giai đoạn bạn phải đối mặt với khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc, buông xuôi ý định thực hiện mục tiêu. Hoặc bạn đắm chìm vào công việc một cách vội vã và gấp gáp. Nhưng không ít người trong chúng ta cảm thấy rằng, điều chờ đợi sau một ngày dài làm việc vất vả lại là cảm giác trống rỗng và mệt nhoài.

long kien tri
(Ảnh: inspiring.team/ Shutterstock)

Con người ngày nay dường như quên mất cách “chờ đợi”. Chúng ta nghiện tốc độ đến mức phải nhìn thấy kết quả trước mắt mới an tâm, thỏa lòng. Sự vội vàng, nóng nảy trong các mối quan hệ như thế nảy sinh là bởi ta không tin tưởng vào đối phương. Nếu bố mẹ đủ tin tưởng con cái sẽ kiên nhẫn chờ đợi sự phát triển đúng với thực lực của con. Vì không tin tưởng nên suốt quá trình chờ đợi, ta vẽ ra đủ mọi khả năng có thể tưởng tượng đến và sốt ruột không thôi.

Thế hệ chúng tôi từ nhỏ, đã luôn được dạy “không nhanh sẽ trở thành kẻ tụt hậu”- câu nói trở thành nỗi ám ảnh. Lớn lên chút thì nghe câu “cuộc đời ngắn lắm, thích điều gì thì phải nhanh chóng đạt được điều đó”. Nếu bạn chậm, sẽ cảm thấy bất an, hoặc ngờ vực vào khả năng của bản thân, dần dần đánh mất tự chủ và kiên nhẫn.

Người trẻ ngày nay có xu hướng chỉ thích những thứ có thể tạo ra kết quả hữu hình (các trò chơi giải trí, những cuốn sách, khóa học dạy làm giàu nhanh chóng sinh ra giúp đáp ứng tâm lý này). Tuy nhiên, việc gì cũng vậy, nếu chỉ nóng vội mong tìm được kết quả tức thì, có lẽ sẽ không bao giờ làm tốt được. Thậm chí bạn cảm thấy hụt hơi dưới áp lực thời gian và có thể gây lỗ hổng trong công việc. Hơn nữa, sẽ có người không thể hoàn thành trọn vẹn công việc và cuối cùng bỏ dở giữa chừng.

Theo nghiên cứu khoa học của trường đại học Harvard, lý do khiến con người dễ gặp sai lầm hơn khi làm việc một cách gấp rút là do cách hoạt động của não bộ. Nhiều người tưởng rằng xử lý nhiều công việc cùng một lúc sẽ khiến cho tốc độ làm việc tăng lên và có thể đi nhanh hơn người khác. Tuy nhiên, não bộ của chúng ta hoạt động hiệu quả nhất khi ở trạng thái “chuyên nhất” một công việc trong một khoảng thời gian. Trong não bộ có một “cách ngăn kích thích” để chỉ tiếp nhận những tác động cần thiết và loại bỏ đi phần còn lại. Do vậy, con người cố gắng làm hai việc cùng một lúc thì ngược lại sẽ khiến năng lực xử lý giảm sút và lãng phí thời gian.

Tiến sĩ Stefan Klein chỉ ra trong cuốn sách “Khám phá kỳ diệu về thời gian” của mình rằng: sự thiếu kiên nhẫn khi cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc chỉ tạo ra những điều vô nghĩa. Nhiều người thường sắp xếp lịch làm việc dày đặc nhưng cuối ngày nhận ra cả ngày vẫn chẳng làm được điều gì trọn vẹn. Khi đó, con người sẽ cảm thấy mệt nhoài và trống rỗng.

Bạn biết đấy, gạo có tốt đến đâu cũng cần thời gian nấu chín mới trở thành cơm ngon. Học tập hay làm quen với điều gì đó cũng vậy, khi ghi chép lại khối lượng bài học, thời gian học, thời gian phản ứng hay mức độ chính xác dưới dạng biểu đồ, ta sẽ thấy đường cong ấy liên tục đi lên rồi đi xuống. Trong quá trình học tập, sẽ có những giai đoạn trì trệ hoặc thụt lùi, và chỉ khi vượt qua được giai đoạn ấy, ta mới có thể tiếp tục tiến lên. Tuy nhiên, những người thiếu tính kiên trì sẽ không chịu đựng được quãng thời gian này và bỏ dở giữa chừng.

tipping point
(Ảnh: Josie Elias/ Shutterstock)

Nếu đã làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ tạo ra được một bước tiến nhảy vọt. Có một thuật ngữ được gọi là Tipping point (điểm đến hạn) – đề cập đến một thời điểm nơi tất cả mọi thứ thay đổi cùng một lúc. Ví dụ nước sôi ở 99 độ C chỉ khác nước 100 độ C đúng 1 độ C, nhưng đã hoàn toàn thay đổi về chất. Vậy muốn đạt đến khoảnh khắc đó, ta cần trải qua quá trình chuẩn bị và đủ kiên nhẫn như thể đợi nước đạt đến điểm sôi vậy.

Bạn biết không, cây tre mất 4 năm chỉ tăng thêm 3 cm. Nhưng từ năm thứ năm trở đi, nó sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30cm mỗi ngày và chỉ mất sáu tuần để phát triển lên 15 mét.

Đừng nghĩ 4 năm đầu tiên là vô ích, bởi thời gian đó rễ tre kéo dài hàng trăm mét vuông trong đất.

Câu chuyện về loài tre như gửi đến chúng ta thông điệp về lòng kiên trì, niềm tin và kiên định rằng đừng lo lắng những nỗ lực của bạn tại thời điểm này không được đền đáp, bởi vì những thứ bạn bỏ ra đang là nền tảng vững chắc cho bạn sau này, như rễ tre vậy.

cay tre
(Ảnh: Nata.dobrovolskaya/ Shutterstock)

Hay như chúng ta vẫn thường nghe câu chuyện về các vĩ nhân tạo ra các phát minh vĩ đại, bạn sẽ nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của tính kiên trì. Thông thường, câu chuyện của họ sẽ được kể như thế này: “dù có cố gắng đến đâu cũng không thể nghĩ ra được ý tưởng nào, đến lúc gần như sắp bỏ cuộc rồi thì đột nhiên một ngày nọ ý tưởng chợt lóe lên”.

Nhiều người sẽ chỉ tập trung vào câu “đột nhiên một ngày nọ” và gật gù “Đúng là thiên tài có khác”, nhưng thực ra điều dẫn họ đến với thành công chính là những phút giây vất vả suốt cuộc hành trình “dù có cố gắng đến đâu cũng không thể nghĩ ra được ý tưởng nào”.

Lòng kiên trì nói thì dễ, làm được thực khó, nhưng may mắn thay, nó không phải tài năng thiên bẩm mà là đức tính có thể luyện tập được. Vậy nên, đừng vội vã cho mình “không làm được”, mà hãy dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi trước khi từng bước quay trở lại với công việc.

Đừng vội vã, bạn hãy dành hết tất cả khả năng, tâm huyết của mình cho công việc hiện tại. Bằng lòng kiên trì và nỗ lực bền bỉ, đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra mình đã đạt được đến Tipping point.

Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Dương Nam

Đăng tải theo sự cho phép của tác giả