Các nhà khảo cổ học tại Georgia gần đây đã phát hiện một tấm đá bí ẩn, có thể chứa đựng một ngôn ngữ cổ xưa đã bị lãng quên. Tấm đá này khắc 60 ký tự không giống bất kỳ hệ thống chữ viết nào từng được biết đến. Phát hiện này không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về lịch sử của khu vực Kavkaz mà còn có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sự phát triển ngôn ngữ trong lịch sử nhân loại.

tang da mang ngon ngu bi an
Georgia phát hiện tấm đá bí ẩn mang ngôn ngữ chưa từng biết đến. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Vào năm 2021, tại thành phố Demanisi thuộc Georgia, nằm ở giao thoa giữa Châu Á và Châu Âu, ngư dân địa phương trong quá trình đánh bắt cá tại hồ Bashplemi đã tình cờ phát hiện một tấm đá bí ẩn khắc một ngôn ngữ chưa được biết đến. Sau đó, họ đã giao tấm đá này cho các nhà khảo cổ học để tiến hành giám định.

Các nhà khảo cổ học phát hiện tấm đá này được làm từ đá bazan, có chiều dài 24,1 cm, chiều rộng 20,1 cm và độ dày từ 0,8 đến 1,8 cm. Trên bề mặt tấm đá có khắc 60 ký tự, được sắp xếp thành 7 hàng, trong đó có 39 ký tự là duy nhất, hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ loại chữ viết nào từng được biết đến trước đây, có thể nói đây là một ngôn ngữ hoàn toàn mới và chưa được biết đến. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trong tạp chí ‘Lịch sử và Khảo cổ học Cổ đại’ số 3, tập 11, năm 2024.

Các chuyên gia khảo cổ từ nhiều trường đại học địa phương như Đại học Y Tbilisi (Tbilisi State Medical University), Đại học Kỹ thuật Georgia (Georgian Technical University) đã cùng nhau kiểm tra mẫu tấm đá và phát hiện rằng nó có cấu trúc tương tự với các mẫu đá bazan xung quanh hồ Bashplemi, từ đó xác định rằng tấm đá này có nguồn gốc từ khu vực đó.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện rằng các ký tự trên tấm đá dường như được tạo ra bằng trình độ kỹ năng và sự tinh tế vượt trội so với thời đại đó với độ sâu của các ký tự dao động từ 1 đến 3 mm. Họ suy đoán rằng tấm đá này chủ yếu được viết bằng đầu mũi khoan hình nón, đầu tiên khắc ra các đường nét của từng ký tự, sau đó sử dụng công cụ tròn để vẽ các họa tiết mịn màng.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh các ký tự trên tấm đá với các chữ viết cổ khác trên thế giới và phát hiện rằng chúng gần giống với chữ viết của ngữ hệ Nam Caucasus nguyên thủy (Proto-Kartvelian) vào khoảng năm 4.000 trước Công Nguyên và các ký tự của nền văn minh Georgia sử dụng vào thời kỳ đồ sắt.

Họ cho biết, mặc dù các ký hiệu trên tấm đá Bashplemi phần lớn giống với các ký tự trong chữ viết của các quốc gia xa xôi như Trung Đông, Ấn Độ, Ai Cập và Tây Iberia, nhưng các hình dạng cong, đường nét và điểm trên tấm đá hoàn toàn khác biệt với bất kỳ chữ viết nào đã được biết đến, và hiện tại không có ngôn ngữ cổ nào có thể khớp hoàn hảo với chúng, khiến nguồn gốc của nó trở thành một bí ẩn.

Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều giải thích và suy đoán khác nhau về ý nghĩa và mục đích của tấm đá. Một số người cho rằng, những “ký hiệu” lặp lại trên tấm đá có thể là ghi chép về chiến lợi phẩm quân sự, các dự án xây dựng quan trọng hoặc vật phẩm dùng trong các nghi lễ tôn thờ thần linh. Một số khác lại cho rằng, những ký hiệu đơn giản này có thể được các quan chức như nhân viên thuế sử dụng để đánh dấu số lượng rượu vang và các mặt hàng khác, nhưng rất khó để xác định chính xác đó là gì.

Hiện tại, các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể thực hiện việc xác định niên đại cho tấm đá này, nhưng dựa trên khu vực phát hiện, các khắc chạm trên tấm đá có thể thuộc về cuối thời kỳ đồ đồng (khoảng 14.000 năm trước), hoặc đầu thời kỳ đồ sắt (khoảng từ 3.000 đến 2.000 năm trước Công Nguyên).

Vì trước đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện rằng khu vực Dmanisi đã có người sinh sống từ đầu thời kỳ đồ Đồng, và Kitô giáo đã phổ biến rộng rãi ở đây trong khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 8. Vào thế kỷ 9, khu vực này bị người Ả Rập chiếm đóng, và đến năm 1123, nó hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Seljuk Thổ Nhĩ Kỳ, biến nơi đây thành một trung tâm thương mại. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào thế kỷ 15, khu vực này bắt đầu suy tàn và hoàn toàn bị bỏ hoang vào thế kỷ 18.

Các nhà khảo cổ học cũng đã tiến hành khai quật thực địa ở khu vực xung quanh Hồ Bashplemi và sử dụng máy bay không người lái để khảo sát toàn bộ khu vực. Lý do là vì trước đó Hồ Bashplemi gần như chưa được nghiên cứu khảo cổ.

Trong quá trình khai quật, họ đã phát hiện các công cụ đá có thể được sử dụng để chế biến da thú, các mảnh đá obsidian có cạnh răng cưa, cối đá và mảnh gốm, những đồ vật này rất gần với thời kỳ đồ đồng, cho thấy khu vực này có thể từng là trung tâm hoạt động của con người, nơi đã có nhiều người định cư.

Họ đã sử dụng máy bay không người lái để quan sát khoảng 4 km² đất, phát hiện ra một số vòng tròn đều đặn và các dấu vết hình chữ nhật lớn, hình bán nguyệt và các hình dạng hình học. Họ suy đoán rằng các vòng tròn rất có thể là khu mộ, còn các hình dạng hình học có thể là di tích của nhà ở, công trình phòng thủ và địa điểm thờ cúng.

Điều thú vị là, các nhà nghiên cứu trong bài báo của họ đã đề cập rằng viên đá được phát hiện có thể liên quan đến “Văn tự vàng” (Golden Script) được nhắc đến trong tài liệu của Hy Lạp cổ đại, một hệ chữ viết do người Colchis (người Georgia cổ đại) sáng tạo. Các học giả Byzantine hơn 900 năm trước đã cho rằng nhiều người đã mạo hiểm vượt biển để học viết chữ vàng này.

Tuy nhiên, dấu vết của ngôn ngữ cổ xưa này (hiện được gọi là chữ viết Colchis) đã biến mất theo thời gian. Các nhà khảo cổ học suy đoán điều này có thể liên quan đến việc người Colchis sử dụng các vật liệu hữu cơ dễ bị phân hủy như xương hoặc gỗ để viết, nhưng họ vẫn tin rằng viên đá này có thể liên quan đến chữ viết Colchis.

Mặc dù chưa thể biết nội dung cụ thể trên viên đá, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, nếu có thể giải mã các ký tự trên viên đá này, nó có thể trở thành một sự kiện rất thú vị và có ý nghĩa lớn, đồng thời cung cấp một hướng nghiên cứu quan trọng về nguồn gốc và sự phát triển của hệ chữ viết tại khu vực Kavkaz (nơi giao thoa giữa Tây Á và Đông Âu).