Phỏng vấn: ‘Nếu sếp và bạn cùng lớp muốn mượn xe của bạn, bạn sẽ cho ai mượn?’
- Trúc Nhi
- •
Trong một buổi phỏng vấn đầy thử thách, người phỏng vấn bất ngờ đưa ra câu hỏi: “Nếu sếp và bạn cùng lớp muốn mượn xe của bạn, bạn sẽ cho ai mượn?” Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này thực chất ẩn chứa những bài học sâu sắc về nhân cách, sự quyết đoán và cách xử lý các tình huống khó xử trong công việc. Câu trả lời không chỉ phản ánh cách nhìn nhận mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp, mà còn cho thấy khả năng suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh căng thẳng.
Cuộc phỏng vấn đặc biệt: đáp án thể hiện tư duy độc lập và nhân cách
Cách đây không lâu, trên mạng xuất hiện một câu hỏi phỏng vấn “hóc búa”. Thoạt nhìn có vẻ vô lý, nhưng thực chất ẩn chứa ý nghĩa sâu xa. Tại một buổi phỏng vấn ở một công ty lớn, có 6 ứng viên tham gia. Người phỏng vấn đưa ra một câu hỏi: “Giả sử sếp của bạn và một người bạn cùng lớp đến mượn xe trong cùng một ngày, bạn sẽ cho ai mượn?”
Ứng viên đầu tiên không cần suy nghĩ mà trả lời: “Tôi sẽ chọn cho bạn học mượn, dù sao cũng đã có nhiều năm tình bạn với nhau.”
Ứng viên thứ hai lại chọn cho sếp mượn, với lý do: “Suy cho cùng, sau khi vào làm, người có thể giúp mình nhiều nhất là sếp chứ không phải bạn học.”
Ứng viên thứ ba suy nghĩ một chút rồi cẩn thận nói: “Tôi sẽ không cho ai mượn cả. Bây giờ, xe cộ không thể tùy tiện cho mượn được. Nếu không xảy ra chuyện thì không sao, nhưng nếu xảy ra sự cố, người bị liên lụy là chủ xe.”
Ứng viên thứ tư cũng chọn không cho ai mượn và đưa ra lý do khác: “Nếu cho bạn học mượn, sẽ làm phật lòng sếp, không tốt cho công việc sau này; còn nếu cho sếp mượn, sẽ làm tổn thương tình cảm với bạn học. Tốt nhất là không cho ai mượn cả”.
Ứng viên thứ năm thẳng thắn trả lời: “Điều này còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa tôi và họ như thế nào. Tôi sẽ cho người nào thân thiết với tôi hơn”.
Ứng viên thứ sáu suy nghĩ một lúc, sau đó bình tĩnh trả lời: “Nếu là tôi, đầu tiên tôi sẽ xem ai là người đề nghị trước. Nếu tôi đã hứa cho bạn học mượn, dù sau đó sếp gọi điện mượn xe, tôi cũng sẽ giải thích rõ tình huống và hỏi xem sếp có phương án nào khác để hỗ trợ giải quyết vấn đề hay không. Ngược lại cũng vậy, vì lời hứa của mình rất quan trọng. Tất nhiên, nếu phát hiện sếp vì chuyện này mà có khúc mắc trong lòng, điều đó chứng tỏ vị sếp này không thích hợp để làm việc lâu dài, tôi sẽ cân nhắc chọn công việc khác. Tương tự, nếu bạn học vì chuyện này mà xa cách tôi, điều đó cũng cho thấy người bạn này không phù hợp để giữ quan hệ lâu dài, tôi sẽ chọn cách tránh xa”.
Sau khi nghe câu trả lời của anh, người phỏng vấn lập tức tuyên bố nhận anh vào làm việc.
Phỏng vấn giống như một lần “kết duyên nhanh” trong môi trường công việc. Một nhà lãnh đạo thông minh sẽ không chỉ dựa vào bằng cấp để chọn nhân tài.
Lãnh đạo thích nhân tài hay kẻ phục tùng?
Thường xuyên có người hỏi: “Lãnh đạo thích nhân tài hay thích kẻ phục tùng?”
Câu trả lời không ngoài ba loại: “Thích nhân tài, thích kẻ phục tùng, hoặc thích nhân tài biết nghe lời”.
Trong cuộc sống, những người có thể cùng lãnh đạo uống rượu xã giao thì nhiều, nhưng những người có thể giúp lãnh đạo giải quyết vấn đề thì rất ít. Và những người có thể giúp lãnh đạo giải quyết vấn đề thường được lãnh đạo trọng dụng hơn.
Tương lai của bạn không bao giờ nằm trong một ly rượu, mà nằm ở việc bạn có thể đảm đương công việc độc lập và biết cách suy nghĩ hay không.
Doanh nhân Phùng Luân từng kể một câu chuyện: Họ cần làm một giấy phép ở Hải Nam. Khi đó, việc xin giấy phép vô cùng khó khăn. Hơn nữa, dịp Tết đã cận kề, ai cũng nghĩ rằng không thể có được giấy phép trước Tết, điều này sẽ làm chậm trễ công việc.
Lúc đó, một cấp dưới nói với ông: “Anh Phùng, chuyện này anh không cần lo, để em xử lý”.
Thực ra, người này chẳng quen biết ai. Cuối cùng, anh ta nghĩ ra một cách: Chạy đi mua đồ ăn cho nhân viên đánh máy, ngồi trò chuyện với họ. Sau đó, nhân viên đánh máy đã giúp đỡ anh, thậm chí còn tìm thêm người khác hỗ trợ. Cuối cùng, anh thực sự nhận được giấy phép trước Tết.
“Ngàn người giống nhau không bằng một người biết nhìn xa”. Khả năng giải quyết vấn đề chính là năng lực cốt lõi của một người, cũng chính là chỗ dựa lớn nhất của họ.
Ngược lại, những người chỉ biết răm rắp nghe lời trong công việc, tuy có vẻ thật thà nhưng suy nghĩ lại quá cứng nhắc, không biết thích ứng, nên thường thiếu động lực phát triển lâu dài.
Khi một người chọn một con đường nhất định, hành vi của họ sẽ dần hình thành thói quen, và nếu không có sự thay đổi đột phá, họ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào con đường đó mãi mãi. Trong công việc cũng vậy, khi một người biến việc gọi là “thật thà nghe lời” thành một thói quen để kiên trì, họ cũng sẽ hình thành sự phụ thuộc vào con đường này. Nhưng sự phụ thuộc đó thường vô tình trở thành rào cản cho sự phát triển của họ. Dù bản thân họ cảm thấy tốt, kết quả thực tế lại rất tệ.
Người ta hay nói: “Ba kẻ ngốc bằng một Gia Cát Lượng”,nhưng nếu trong ba người đó, có hai người chỉ là những kẻ răm rắp nghe lời mà không có khả năng suy nghĩ độc lập, thì làm sao có thể sánh với Gia Cát Lượng được?
Một người chỉ hài lòng với việc được sắp xếp sẵn, làm qua loa cho xong chuyện mà không chủ động suy nghĩ hay lập kế hoạch, trong công việc chắc chắn chỉ như một chiếc phao nổi, rất dễ bị sa thải.
Làm được ‘khiến người khác yên tâm’ là lợi thế lớn nhất
Trong công sở, muốn phát triển thuận lợi, điều quan trọng nhất là không bị ràng buộc bởi tình cảm cá nhân, biết cách từ chối, bảo vệ bản thân; không nịnh bợ vì địa vị, giữ được sự khiêm tốn mà không hạ thấp bản thân, kiên định lập trường.
Một người có đáng giá hay không, phụ thuộc vào giá trị của nguyên tắc của họ. Nếu hành động không có giới hạn, thì nhân cách của bạn sẽ rất thấp kém.
Trong tiểu thuyết ‘Thế giới bình dị’ của Lộ Diêu, câu chuyện vươn lên của chàng trai xuất thân là một công nhân lao động chân tay nghèo khó Tôn Thiểu Bình, đã để lại ấn tượng rất sâu sắc.
Khi mới lên thành phố, không tiền bạc, không mối quan hệ, anh chỉ có thể lang thang tìm việc làm. Trong lúc bế tắc, anh tìm đến gia đình họ hàng xa để xin giúp đỡ. Dù không quá nhiệt tình, người cậu họ vẫn giới thiệu anh đến công trường nhà ông Cao ở cùng làng để vác đá, giúp anh giải quyết khó khăn trước mắt. Thiểu Bình rất biết ơn vì điều đó.
Sau này, khi nhà ông Cao xây xong phần mái, người cậu họ cũng đến giúp vận chuyển đá cùng Thiểu Bình nhưng không may làm trầy tay, máu dính lên viên đá. Theo phong tục địa phương, việc thấy máu khi hoàn thiện mái nhà là điều rất kiêng kỵ. Người cậu mong Thiểu Bình giữ kín chuyện vì tình thân. Tuy nhiên, Thiểu Bình không chỉ từ chối giữ lời hứa mà còn chỉ ra lỗi ngay tại chỗ. Với anh, tình thân là quan trọng, nhưng nguyên tắc làm việc còn quan trọng hơn. Trước những chuyện đúng sai, không thể vì tình cảm mà làm trái lương tâm.
Cuối cùng, khi công việc xong xuôi, lúc thanh toán, nữ chủ nhà trả anh 2 đồng một ngày, trong khi thỏa thuận ban đầu chỉ là 1,5 đồng. Thiểu Bình kiên quyết trả lại phần dư, vì anh cho rằng con người không thể thất tín. Sự kiên trì với nguyên tắc đã giúp anh được gia đình ông Cao kính trọng. Không chỉ giúp anh chuyển hộ khẩu lên thành phố, ông Cao còn giới thiệu anh làm công nhân tại mỏ than Đồng Thành – công việc ổn định giúp anh có thể vươn lên trong xã hội.
Cổ nhân có câu: “Giữ quy tắc thì được tín nhiệm; có nguyên tắc thì đáng để dựa dẫm”. Dù trong công việc hay cuộc sống, làm được “khiến người khác yên tâm” chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất.
Không có nhân phẩm thì mọi thứ đều vô nghĩa
Có câu nói rất hay: “Sự thông minh và tài năng quyết định những gì bạn có thể đạt được, nhưng nhân phẩm mới quyết định bạn có thể đi xa đến đâu.”
Mỗi người cuối cùng đều phải cạnh tranh bằng nhân phẩm, và điều này cũng đúng trong môi trường công sở. Nếu nhân phẩm không đạt, dù bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ là vô ích.
Từng có một câu chuyện như sau: Một cô gái đi du học ở nước ngoài, trình độ học vấn xuất sắc, năng lực vượt trội, lại tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng. Với khả năng của cô thì việc tìm được một công việc lương cao và vị trí tốt có lẽ là dễ như trở bàn tay. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cô đã tham gia phỏng vấn tại nhiều công ty, ban đầu các công ty đều rất nhiệt tình, nhưng cuối cùng tất cả đều từ chối cô.
Sau nhiều lần thất bại, cô vô cùng tức giận, thậm chí đến gặp trực tiếp nhà tuyển dụng để tranh luận: “Tôi đáp ứng tất cả các yêu cầu công việc, tại sao các anh không nhận tôi? Có phải các anh phân biệt giới tính? Nếu không, hãy cho tôi một lý do vì sao không tuyển dụng tôi”.
Kết quả là lời của người tuyển nhân sự khiến cô lặng ngườii: “Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt giới tính. Ngược lại, chúng tôi rất coi trọng cô. Khi cô ứng tuyển, chúng tôi đã rất ấn tượng với nền tảng học vấn và trình độ của cô. Thành thật mà nói, về mặt năng lực công việc, cô chính là người chúng tôi tìm kiếm. Nhưng khi kiểm tra hồ sơ tín dụng của cô, chúng tôi phát hiện cô đã ba lần bị phạt vì trốn vé xe buýt”.
Hóa ra, trong thời gian du học ở nước ngoài, hệ thống xe buýt tại địa phương là tự phục vụ, không có cổng soát vé, tất cả đều dựa vào ý thức của hành khách. Để tiết kiệm tiền, cô đã lợi dụng kẽ hở trong quy định và chọn cách trốn vé.
Lúc đó, cô quả thực đã tiết kiệm được một khoản tiền. Nhưng giờ đây, cô phải trả giá đắt cho những gì mình đã làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.
Nhân phẩm là tấm vé thông hành quý giá nhất trong công việc
Trong tiêu chuẩn tuyển dụng của lãnh đạo, nhân phẩm là yếu tố quyết định. Không ai muốn tin tưởng hay trọng dụng một nhân viên có nhân phẩm kém. Sở hữu nhân phẩm tốt đã trở thành chuẩn mực chuyên nghiệp và là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp thành công của người hiện đại.
Trong bộ phim Trường Giang Số 7 (CJ7), nhân vật lao động nghèo do Châu Tinh Trì thủ vai thường nói với con: “Chúng ta tuy nghèo, nhưng không nói bậy, không trộm cắp, không cướp giật. Thứ không thuộc về mình, chúng ta sẽ không lấy. Con phải cố gắng học hành, sau này trở thành người có ích”.
Một người nếu chưa đủ học vấn, có thể trau dồi; chưa đủ năng lực, có thể rèn luyện; nhưng nếu nhân phẩm không đạt, thì không gì có thể cứu vãn.
Nhà văn Emerson từng nói: “Phẩm phẩm là một loại sức mạnh nội tại, nó phát huy tác dụng trực tiếp mà không cần đến bất kỳ công cụ nào.”
Trạng thái làm việc tốt nhất của một người là:
– Khả năng tư duy xuất sắc, không bao giờ trốn tránh vấn đề và có thể giải quyết vấn đề một cách độc lập.
– Trí tuệ cảm xúc phù hợp, tuân thủ các nguyên tắc và không bị mắc kẹt trong nhân tình thế sự.
– Nhân phẩm cao, lương tâm trong sáng, thì mới có thể tiến xa và vững vàng.
Cuộc sống giống như một tài khoản tiết kiệm. Hãy là một người độc lập, giữ lời hứa, đáng tin cậy. Nhờ đó, cuộc đời bạn sẽ ngày càng giàu có, và sự nghiệp cũng sẽ ngày càng thuận lợi.
Từ khóa phỏng vấn Bạn thân sếp