Quẳng gánh lo đi mà vui sống
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh cho thấy rằng lo lắng thường là nguyên nhân chính gián tiếp dẫn đến vô số những chứng bệnh từ cảm cúm thông thường cho đến tăng huyết áp và ung thư hiểm nghèo. Đó là chưa kể đến sự già nua trước tuổi, giảm trí nhớ, căng thẳng thần kinh, bực nhọc, khó tính, trầm cảm và trạng thái mệt mỏi chán đời, làm việc mất năng xuất do lo lắng quá độ.
Như vậy thì tại sao người ta phải lo lắng?
Hãy nhìn những con sóc vào mùa thu hối hả chôn dấu những hạt dẻ, hạt thông để dành cho mùa đông thì sẽ thấy rằng nếu chúng không lo sợ bị đói vào mùa đông lạnh, khi tất cả các cành cây đều trơ trụi trái lá, chúng đã không làm như vậy. Hãy nhìn vào những đàn chim bay về nam, vượt hàng vạn dặm đường khi mùa đông kéo đến để thấy rằng chúng cũng đã lo lắng là mặt đất vào mùa tuyết phủ sẽ không còn có thức ăn cho chúng sống.
Và chúng ta cứ nhìn vào thế giới của con người từ thuở ban sơ để thấy rằng tổ tiên của chúng ta cũng vì lo lắng mà trồng trọt và chăn nuôi. Họ lo sợ không phải ngày nào cũng săn thú được, lo không còn có con vật nào để săn mà người ta bắt heo, bắt bò, bắt gà về để chăn nuôi. Họ cũng đã sợ không còn đủ rau cải, bột mì, lúa gạo, khoai sắn để ăn mà họ phải mang giống về để trồng trọt. Cứ vậy, sự lo lắng cứ ăn sâu vào huyết mạch của mỗi con người, và chúng ta là hậu duệ của những con người lo lắng đó.
Có làm một ông vua thì cũng lo lắng sợ bị mất ngôi báu. Kiếm được một cái ghế nào để ngồi trong chính quyền rồi thì cũng lo sợ bị mất chiếc ghế của mình, bị mất thế lực, mất miếng ăn. Nhà nông lo lắng mưa nắng không thuận hòa rồi sẽ bị thất mùa, bị đói. Nhiều người thi vị hóa nghề nông, cứ cho rằng làm nông thì vô lo, nhưng người đó có lẽ chưa làm nông bao giờ nên không biết về những nạn sâu bọ, nạn châu chấu, nạn kiến ăn rễ, nạn hạn hán, nạn lụt lội, nạn nước mặn nhập điền… và trăm ngàn vấn nạn khác về giá cả lúc vụ mùa đến, về sản phẩm làm ra mà không có người tiêu thụ phải mất trắng.
Người công nhân đi làm sợ bị chủ cho nghỉ việc, không có tiền để sinh sống. Rất đông trong chúng ta ở đây là công nhân ở một hình thức này hay hình thức khác nên người viết thiết nghĩ không cần luận giải thêm những nỗi lo của người công nhân ở đây.
Người thương gia, bất luận là buôn bán lớn hay nhỏ thì đều phải ngày đêm lo lắng cho mối lợi nhuận của mình. Cứ ngày nào thấy vắng khách là ngày đó lại lo. Thấy thị trường có sự giao động thì lại ăn ngủ không yên. Có người gọi đây là nghề tự do, như may mặc, cắt tóc, làm móng tay, làm bánh trái, giặt ủi, khai thuế và cách dịch vụ du lịch… Nhưng những người này có thật sự “tự do” không, hay nỗi lo lắng vẫn bủa vây lấy họ mỗi ngày, mỗi tháng? Hãy nhìn vào khuôn mặt của những người lái taxi khi ngồi chờ đợi đón khách, một anh lái xe ôm bên vệ đường, một phụ nữ buôn gánh bán bưng trong cơn mưa tầm tã…
Nhưng chúng ta lo lắng để làm gì?
Từ sự lo lắng, chúng ta mới chịu vận động đầu óc và tập trung năng lực để tìm phương cách giải quyết vấn đề. Nếu không, chúng ta thường tự mãn với những cái mà chúng ta có rồi cứ lại như những con cóc nằm trong nồi nước đang được nấu sôi. Những con cóc biết lo lắng sẽ nhảy ra khỏi nồi nước, những con cóc thấy nước ấm lên rồi nằm yên duỗi chân, duỗi cẳng để hưởng hơi ấm là những con cóc sẽ bị chết ở trong nồi
Người làm trong chính quyền lo bị mất chức thì mới cố gắng làm vừa lòng dân nếu người đó là người tích cực, hoặc kẻ tiêu cực thì mưu mô kéo bè kéo đảng, bảo vệ vây cánh, tiêu diệt những đối thủ tranh giành quyền lực với mình.
Người nông dân lo hạn hán thì mới lo việc dẫn thủy nhập điền, lo lụt lội thì mới đắp đập ngăn đê, lo sâu bọ thì mới xịt thuốc, rải vôi.
Người công nhân lo bị mất việc thì mới lo làm việc chăm chỉ, đều đặn, cố gắng tăng năng xuất, hòa nhã với cấp trên và tránh gần gũi với những nhóm bất mãn.
Người thương gia sợ mất khách thì mới lo tăng cấp chất lượng hàng hóa và sự phục vụ, mở mang thương hiệu, làm vui lòng khách đến, làm vừa lòng khách đi. Những người làm nghề tự do biết lo thì phải biết nâng cao tay nghề, cung cách phục vụ, và vui vẻ với thân chủ của mình.
Nhưng nếu lo lắng để giải quyết được vấn đề thì chúng ta nên lo, còn nếu lo lắng chỉ để mang lại căng thẳng đầu óc, mệt mỏi tinh thần, suy nhược cơ thể và làm mất đi nhựa sống thì chúng ta không nên lo mà phải biết dứt khoát quẳng gánh lo đi mà vui sống.
“Không ai thương ta bằng ta thương ta”. Câu nói mới nghe qua thì có vẻ tiêu cực, vị kỷ, hẹp hòi. Nhưng đó là sự thật. Cho dù sự thật đó có vẻ hơi phũ phàng cho một số người.
Biết thương thân mình thì mình phải biết dẹp bỏ lo lắng để đầu óc mình được minh mẫn, tuổi trẻ được kéo dài, thân thể được mạnh khỏe, sắc diện được tươi tắn, yêu đời để yêu người. Mình có vui vẻ thì mới có thể đem lại niềm vui cho những người xung quanh mình, cho những người mà mình yêu thương.
Làm cách nào để không còn lo lắng?
Chấm dứt sự lo lắng. Làm được nhưng rất khó và cũng rất nguy hiểm nếu chúng ta không biết phân biệt giữa sống tỉnh thức và sống giải đãi, như câu chuyện những con cóc nằm trong nồi nước đang bị đun sôi.
Bớt đi sự lo lắng. Điều này rất dễ làm. Ai làm cũng được nếu có quyết tâm. Người viết đã thực tập điều này và đã thành công sau những năm dài sống trong lo lắng và suy tư đầy phiền muộn.
Dưới đây là phương cách giảm thiểu sự lo lắng:
1) Viết xuống tất cả những điều mà mình đang lo lắng
2) Suy nghĩ cách giải quyết điều lo lắng
3) Viết xuống cách giải quyết điều mà mình đang lo lắng
4) Tập trung giải quyết điều làm mình lo lắng
5) Gạch bỏ tất cả những điều lo lắng nằm ngoài tầm tay của mình
6) Quyết tâm không nghĩ đến những điều lo lắng không giải quyết được.
Ví dụ: Một người đang đi làm, nghe đồn là cuối năm nay hãng sẽ cho nghỉ hơn phân nửa số lượng nhân viên trong hãng. (Xin lưu ý cho rằng tất cả những tin đồn cho nghỉ việc là những TIN THẬT và được “đồn” ra với sự tính toán trước của chủ hãng, nhằm thôi thúc nhân viên bắt đầu tìm kiếm công việc khác để làm, giảm bớt gánh nặng trả tiền thất nghiệp bởi bảo hiểm của chủ hãng).
Khi nghe tin công việc mình đang làm sắp bị mất, hoặc có khả năng bị mất, ai lại không lo? Mất việc rồi thì lấy gì để trả tiền nhà, tiền xe, tiền ga điện nước, tiền bảo hiểm, tiền xăng, tiền ăn uống và vô số những số tiền chi tiêu khác?
1) Viết xuống điều mình lo lắng: Có thể bị nghỉ việc vào cuối năm.
2) Suy nghĩ cách giải quyết: Mỗi người có một cách suy nghĩ riêng, người viết chỉ đưa ra một số thí dụ dưới đây theo sự suy nghĩ riêng của mình.
3) Viết xuống cách giải quyết: Giảm bớt chi tiêu, tăng phần tiết kiệm, làm lại resume, liên lạc bạn bè, thân nhân để giúp tìm công việc mới, làm tốt hơn để được nằm trong số nhân viên lưu lại của hãng.
4) Tập trung làm các công việc vừa được viết xuống như viết resume, liên lạc bạn bè thân nhân, tươi cười vui vẻ với thượng cấp.
5) Gạch bỏ những chuyện lo khác như “không có việc thì làm sao trả tiền nhà, tiền xe…” vì khi mất việc rồi thì những chuyện đó vẫn nằm sờ sờ ở đó, có lo bây giờ thì vẫn vậy, không thay đổi được gì.
6) Hạ quyết tâm sống vui với gia đình, bạn bè, không để sự lo lắng làm chủ lấy mình.
Ngày đầu năm, chúng ta đều bắt đầu với một niềm hy vọng vào một năm mới sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn, ít lo lắng hơn. Để rồi một năm trôi qua, những muộn phiền và lo lắng dồn dập trong năm làm vai ta như nặng hơn, lưng ta như còng hơn, và hơi thở của ta như nặng nề, mệt mỏi hơn.
Cuối năm, chúng ta lại cố giũ bỏ đi tất cả những mệt mỏi và phiền muộn trong năm cũ để đón chào một năm mới với niềm tin yêu, hy vọng mới.
Nếu sau mỗi một ngày, chúng ta đều biết giũ bỏ đi hết tất cả mọi ưu tư và phiền muộn trong ngày, rồi sáng thức dậy, chúng ta lại bắt đầu với một niềm tin yêu, hy vọng mới thì cuộc sống sẽ đẹp biết là bao.
(Sưu tầm)
Xem thêm:
Từ khóa Bài học cuộc sống Suy ngẫm giá trị cuộc sống Lo lắng