Âm nhạc không chỉ là những âm thanh lọt vào tai chúng ta mà nó còn là một liều thuốc có khả năng chữa lành và mang đến hạnh phúc cho con người.

Du an moi 1
Âm nhạc không chỉ là những âm thanh lọt vào tai chúng ta mà nó còn là một liều thuốc có khả năng chữa lành và mang đến hạnh phúc cho con người. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Khả năng chữa bệnh của âm nhạc đã được công nhận từ thời Hy Lạp cổ đại và Trung Quốc cổ đại. Ngày nay, chúng ta càng có thể khẳng định điều này với sự góp sức từ các nghiên cứu lâm sàng và các đánh giá có hệ thống.

Theo khoa học, âm nhạc có thể gây ảnh hưởng lên cơ thể theo ít nhất hai cách: kết nối tâm trí với cơ thể và tác động vật lý qua sóng âm. Khi bạn đứng dậy và chuyển động cơ thể theo điệu nhạc, bạn có biết rằng bạn đang thực hiện một trong những bài tập “tâm trí – cơ thể” hiệu quả nhất mà khoa học từng biết đến không?

Chúng ta không thể tách rời tâm trí và cơ thể. Đó là lý do tại sao tập thể dục là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh nhân mắc chứng trầm cảm và căng thẳng mãn tính.

Trong thập kỷ qua, chúng ta đã ghi nhận rất nhiều nghiên cứu về các liệu pháp âm nhạc liên quan đến chứng mất trí. Nhiều nghiên cứu trong số đó đã được nhóm lại với nhau và đánh giá thêm một lần nữa để xác định các mô hình hoặc mâu thuẫn trong khoa học hiện có.

Một bài đánh giá trên NCBI đã cho thấy liệu pháp âm nhạc có thể giúp cải thiện khả năng nói trôi chảy và giúp làm giảm đáng kể chứng trầm cảm và lo âu. Một bài đánh giá khác cho thấy hành vi tổng thể được cải thiện ở bệnh nhân mất trí nhớ và một bài đánh giá khác cho thấy liệu pháp âm nhạc có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức (mặc dù bằng chứng vẫn chưa thống nhất).

Oliver Sacks, một nhà thần kinh học nổi tiếng và là giáo sư tại Đại học Columbia, tác giả cuốn sách “Musicophilia”, nói thêm rằng âm nhạc thậm chí còn có thể giúp phục hồi tình trạng mất ngôn ngữ biểu đạt ở những bệnh nhân mắc chứng mất ngôn ngữ sau chấn thương não do đột quỵ.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, âm nhạc có thể làm dịu nhịp tim và mức độ căng thẳng của trẻ sinh non, từ đó giúp giảm căng thẳng và điều trị cơn đau. Lưu ý này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh mãn tính.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp âm thanh có thể giúp giảm viêm và giảm tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư, từ đó khiến bệnh nhân ung thư cảm thấy bình tĩnh hơn.

Đôi khi, các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm với các tần số âm thanh cụ thể thay vì âm nhạc.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sử dụng kích thích âm thanh tần số thấp có thể giúp 26% bệnh nhân mắc bệnh xơ cơ ngừng dùng thuốc sau khi điều trị.

Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng các biện pháp can thiệp dựa trên âm thanh có thể giúp những người mắc bệnh Parkinson hạn chế tình trạng mất chức năng vận động và cải thiện khả năng đi lại.

Hàng trăm nghiên cứu trên mọi loại bệnh (từ COVID-19 đến chứng bại não) đã đưa liệu pháp rung âm trở thành một phương thức điều trị riêng biệt.

Khi bạn kết hợp âm nhạc với chuyển động và kết nối xã hội, nó có thể trở thành một loại thuốc cực kỳ mạnh mẽ.

Một đánh giá có hệ thống được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) cho thấy khiêu vũ là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả hơn so với thuốc chống trầm cảm thông thường, liệu pháp hành vi nhận thức và các hình thức tập thể dục khác.

Rất nhiều người đã sử dụng âm nhạc (thường là nhạc nhẹ nhàng và nhạc cổ điển) để duy trì sự tập trung trong khi làm việc. Nhạc cổ điển mang lại nhiều lợi ích cho não bộ đến mức người ta còn tạo ra thuật ngữ “Hiệu ứng Mozart”.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người sử dụng âm nhạc cho mục đích tiêu cực. Ví dụ như khi tâm trạng không vui, người ta sẽ bật những bản nhạc giận dữ và để bản thân được nổi cơn thịnh nộ. Các bản nhạc buồn đau, nóng giận, thổi phồng cảm xúc ích kỷ hoặc ham muốn luôn được bật khá nhiều.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các loại nhạc khác nhau có thể mang đến các tác dụng khác nhau. Một nghiên cứu nhỏ được công bố trên Tạp chí Tâm lý sinh lý ứng dụng và Phản hồi sinh học năm 2007 cho thấy nhạc cổ điển có thể làm dịu sự lo lắng, tức giận và căng thẳng, còn nhạc heavy metal thì không có khả năng đó. Âm nhạc cũng giống như thức ăn, một số có lợi cho sức khỏe, một số lại khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối hơn.

Tìm được loại âm nhạc phù hợp với bản thân sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái và được chữa lành hơn rất nhiều.