Tài xế Trung Quốc và Mỹ xử lý thế nào khi bị hành khách tấn công?
- Ngọc Trúc
- •
Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28/10, một chiếc xe buýt ở quận Vạn Châu thuộc thành phố Trùng Khánh đột nhiên rẽ sang trái vào làn đường đối diện sau đó rơi xuống dòng sông sâu 70 mét khi đang tiến vào cầu Trường Giang, gây nên bi kịch 13 người thiệt mạng và 2 người mất tích.
Chiếc xe buýt đang lái lên cầu vì sao đột nhiên lại rẽ gấp? Đoạn clip ngắn quay lại được trên xe khiến công chúng choáng váng, chỉ vì một lý do rất “xuẩn ngốc” mà xảy ra vụ việc vô cùng đáng tiếc.
Xô xát giữa hành khách và tài xế phải trả giá bằng 15 mạng người
Theo hình ảnh từ máy quay giám sát, khi chiếc xe lái lên trên cầu, một nữ hành khách đã xảy ra tranh chấp với tài xế đang lái xe. Bà này đột nhiên đánh vào đầu tài xế, ông tài xế nọ cũng không chịu yếu thế, trong lúc đang lái xe mà còn đánh trả. Khi nữ hành khách đánh lần nữa, có vẻ như người tài xế đã ý thức được chiếc xe bị mất kiểm soát, ông này vội xoay vô lăng, nhưng đã quá muộn, chiếc xe lao qua hàng rào bảo vệ và rơi xuống sông trong tiếng la hét của hành khách, lúc này đoạn clip dừng lại. Mạng sống của 15 người cũng đột ngột dừng lại ngay vào khoảnh khắc đó.
Được biết, khi đó nữ hành khách này vì lỡ trạm, yêu cầu dừng xe nhưng bị từ chối nên đã xảy ra tranh chấp với tài xế, bà ta đập điện thoại vào đầu của tài xế đang lái xe.
Thế nhưng có một điều gây khó hiểu đó là theo đoạn clip ghi lại, tuy nữ hành khách ra tay đánh tài xế, nhưng bà ta không giật vô lăng, mà đột nhiên người tài xế này đập mạnh vào vô lăng. Có những cư dân mạng đoán rằng người tài xế làm như vậy là do tức giận khi bị nữ hành khách đánh, vốn dĩ muốn làm một hành động nguy hiểm để dọa bà ta, nhưng không ngờ lại không kiểm soát được vô tình gây ra bi kịch.
Chỉ vì hành khách và tài xế xung đột với nhau mà mười mấy mạng sống vô tội trên xe buýt đã trở thành vật hi sinh trong cuộc cãi vã của họ.
Nếu sự việc tương tự xảy ra ở Mỹ thì sẽ ra sao?
Vào tháng 6 vừa rồi, tại Mỹ cũng có xảy ra một vụ việc “hành khách tấn công tài xế xe buýt” như trên. Tại thành phố Dayton thuộc tiểu bang Ohio có một người đàn ông bước lên xe buýt ở đoạn đường rẽ, sau khi lên xe, người này không chịu ngồi yên mà bắt đầu làm phiền hai nữ hành khách trên xe gây ảnh hưởng đến trật tự.
Để đảm bảo trật tự trên xe, tài xế đã nói với người này:”Vui lòng dừng ngay hành vi vô lý của anh, nếu không anh buộc phải xuống xe ở đây”. Nam hành khách này vẫn không chịu ngồi yên mà đứng dậy, bước đến bên cạnh và tranh cãi với tài xế. Sau đó người này đi về phía cửa, rồi đột nhiên xoay người lại đánh mạnh vào đầu của tài xế.
Sau khi bình tĩnh lại, người tài xế lái xe đến đoạn đường tiếp theo rồi dừng xe lại bên đường và mở cửa xe. Tiếp đó hai người họ đánh nhau, kéo nhau xuống xe rồi ngã vào bãi cỏ ven đường. Cuối cùng tài xế đã kiểm soát được người đàn ông kia và lớn tiếng nhờ người qua đường nhanh chóng báo cảnh sát.
Sau khi biết được vụ việc, người quản lý công ty vận tải mà tuyến xe buýt này trực thuộc đã bày tỏ rằng: “Chúng tôi rất hài lòng với cách xử lý của người tài xế, anh ấy đã đảm bảo sự an toàn của hành khách.”
Ở Mỹ, không chỉ riêng hành vi đánh tài xế hoặc chạm tay vào vô lăng mới là vi phạm, chỉ cần làm phiền tài xế lái xe, khiến tài xế phân tâm cũng sẽ bị mời xuống xe.
Theo báo chí đưa tin, trên chiếc xe buýt đi từ New York đến Baltimore thuộc tiểu bang Maryland có một nữ hành khách ngồi ở hàng đầu tiên ngay phía sau tài xế, trên đường đi cô này không ngừng nói chuyện điện thoại lớn tiếng khiến cả chuyến xe đều nghe thấy.
Người tài xế cảm thấy mình bị làm phiền khi lái xe, vì lo lắng cho sự an toàn của tất cả các hành khách nên đã nhẹ nhàng nói với người này: “Vì sự an toàn, hy vọng bà đừng nói chuyện điện thoại khi tài xế đang lái xe.”
Nhưng nữ hành khách này nghe xong thì tức giận nên càng quá đáng và còn hét lên với tài xế: “Tôi bỏ tiền đi xe, tôi muốn làm gì thì làm.”
Cô này thấy lớn chuyện rồi nên bắt đầu nhẹ giọng, nhưng vẫn không chịu xuống xe. Người tài xế cũng giải thích rõ với cảnh sát rằng cô này ở trên xe sẽ khiến ông ấy không thể nào yên tâm lái xe được, ông ấy làm vậy là vì trách nhiệm và nghĩ cho sự an toàn của tất cả hành khách trên xe.
Cuối cùng, với sự kiên quyết của người tài xế và sự hỗ trợ từ phía cảnh sát, người phụ nữ này đã xuống xe, hành khách trên xe cũng liên tục khen ngợi cách xử lý của người tài xế này.
Ở Mỹ, nếu “động chạm vào tài xế hoặc phạm tội nặng” sẽ bị phạt lên tới 1.000 đô la
Ở Mỹ, việc làm phiền đến tài xế xe buýt là chuyện vô cùng nghiêm trọng, người Mỹ cũng hết sức xem trọng vấn đề này, vì vậy thường thì trên xe buýt đều có bảng thông báo – “Không được chạm vào tài xế” (Don’t touch the driver), nhằm nhắc nhở rằng bất cứ hành vi bạo lực nào đối với tài xế xe buýt đều là phạm pháp và có thể cấu thành tội nặng.
Những hành khách này sẽ bị đi tù và đối diện với mức phạt cao nhất là 1.000 đô la Mỹ. Con số này gần bằng 1/3 lương tháng của người Mỹ. (Thu nhập bình quân của người Mỹ là 3.000 đô la/tháng).
Những bảng thông báo công cộng này được dán ở nhiều nơi trên xe buýt nhằm liên tục cảnh cáo hành khách rằng việc tấn công tài xế là phạm tội nghiêm trọng, cần suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Trên trang chủ của công ty xe buýt ở Mỹ, người ta nhắc nhở nhân viên (tài xế) của mình rằng dù gặp phải bất cứ hành vi bạo lực nào thì “An toàn vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của các bạn”.
Có rất nhiều tài xế xe buýt ở Mỹ cho biết: “Khi đột nhiên bị hành khách tấn công, chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định sinh tử trong vòng vài giây.”
Hệ thống giao thông công cộng ở Mỹ làm thế nào đến ngăn chặn việc tấn công tài xế trên xe buýt?
Ngoài không ngừng nhắc nhở hành khách rằng “gây rối tài xế là có tội”, nhấn mạnh với tài xế “an toàn hàng đầu” ra, hệ thống giao thông công cộng của Mỹ cũng đã thực hiện không ít các biện pháp bảo vệ tài xế.
1. Lắp đặt kính bằng nhựa trong suốt bảo vệ tài xế.
2. Lắp đặt nhiều máy quay an ninh và đèn chiếu sáng bên trong xe.
3. Nâng cấp hệ thống thông tin giao thông để tài xế và trung tâm kiểm soát giao thông liên lạc dễ dàng hơn.
4. Lắp đặt hệ thống GPS, thiết bị theo dõi và nút bấm khẩn cấp trên xe cũng như kết hợp với cảnh sát để thực hiện việc giám sát tại các chốt giao thông.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc tại nạn giao thông người Mỹ Tài xế