8 câu hỏi kiểm tra chất lượng của cuộc đời bạn
- Robert Taibbi
- •
Bây giờ có phải là lúc bạn nên thoát khỏi nhịp sống thường nhật để có cái nhìn tổng quan hơn về cuộc đời mình không? Bạn thường khám sức khỏe định kỳ, đến nha sĩ kiểm tra để sớm phát hiện và chữa trị các vấn đề về nha. Nhưng còn việc kiểm tra chất lượng cuộc sống thì sao? Làm thế nào để bạn có thể kiểm tra được điều đó? Tám câu hỏi tâm lý dưới đây sẽ giúp bạn:
1. Nhìn chung tâm trạng của bạn thế nào? Có hạnh phúc không?
Đúng thế, cuộc sống có lúc vui lúc buồn. Một ngày làm việc không mấy dễ dàng nơi công sở, cộng thêm những việc như con bị bệnh, tranh cãi với vợ/chồng sẽ càng khiến cho ngày hôm đó trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nhìn chung, cuộc sống mỗi ngày của bạn như thế nào? Với thang điểm từ 1 đến 10, bạn tự đánh giá được bao nhiêu điểm?
Nếu dưới điểm 5 hoặc 6, thì điều gì là trọng yếu để khiến mỗi ngày của bạn trở nên vui vẻ hơn không? Điều gì có thể đẩy nó lên điểm 8, điểm 9?
2. Bạn nghĩ thế nào về sự hồi sinh đời đời?
Đây thực chất là câu hỏi mang nghĩa tương tự được thể hiện dưới một dạng khác. Trong cuốn sách “Khoa học về niềm vui”, tác giả – nhà triết học Nietzsche đã bàn luận đến hồi sinh đời đời và đặt ra câu hỏi trọng tâm đó là: Nếu bạn phải sống ngày hôm nay nhiều lần nữa mà không có các biến cố như bể bánh xe, cãi vã hay con bệnh), bạn có lựa chọn hành động như bạn đã và đang làm không?
Ở đây có hai quan điểm: Một là bạn muốn sống từng ngày với ít tiếc nuối hơn và sống tốt nhất có thể nên bạn sẽ sẵn lòng trải qua ngày đó lần nữa; hai là vì ý chí và sức mạnh cá nhân rất lớn nên bạn cho rằng mình có thể và nên làm thế. Bạn chính là người sáng tạo ra cuộc đời bạn. Hãy chủ động, đừng bị động, hãy định hình điểm đến của mình thay vì chờ đợi đón nhận những gì xảy ra cho mình hoặc để từng ngày trôi đi như đang ở chế độ lái tự động. Vậy, hãy chọn một ngày thật bình thường rồi tự hỏi: Bạn có sẵn lòng sống lại ngày đó một lần nữa không? Nếu không thì tại sao? Bạn đã bỏ lỡ điều gì? Bạn cần làm gì để trở nên chủ động hơn?
3. Bạn có đang phải gánh chịu tổn thương nào đó khiến bạn không thể thoát ra được?
Đa phần đó là các rắc rối mãn tính về sinh lý hoặc tâm lý, các vấn đề chưa được giải quyết, chúng có thể lấn át và kéo bạn đi như một con sóng vậy. Điều đó sẽ dễ dàng khiến bạn cảm thấy bị mắc kẹt, cảm thấy cho dù bạn có làm gì đi nữa thì cũng chẳng ích gì, đây là một trong các yếu tố gây nên bệnh trầm cảm và lo âu. Liều thuốc cho căn bệnh này là hành động, hành động để có bước tiến ở bất kỳ phương diện nào, hoặc vào lúc nào đó cũng được, để cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Có điều gì bạn cần nhưng chưa làm để dẹp yên các rắc rối đó không?
4. Bạn có mối quan hệ thân thiết với người nào không?
Không chỉ kể đến các mối quan hệ tình cảm nam nữ, hay có liên quan đến tình dục. Mà quan trọng là mối quan hệ với người đó (vợ/chồng, hay bạn bè) có mang lại cảm giác an toàn, họ hiểu bạn và bạn có thể trải lòng mình ra chia sẻ với họ những điều trong sâu thẳm. Trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự cô lập và đơn độc là những tên sát nhân ghê gớm. Tất cả chúng ta đều cần được kết nối. Bạn cần làm gì để trở nên thân thiết hơn và tạo được nhiều mối quan hệ gần gũi hơn?
5. Mối quan hệ thân thiết của bạn có sự cân bằng?
Trong một mối quan hệ gần gũi, sự an toàn quan trọng như thế nào thì sự cân bằng cũng đóng vai trò to lớn như thế. Những mối quan hệ không có sự cân bằng thì rốt cuộc sẽ đổ vỡ và tan biến. Nếu bạn cảm thấy mình hay là người phải chịu đựng, không được đối phương nhìn nhận đúng mức, sự tức giận ngày càng chất chồng, hay nó khiến bạn kiệt sức. Hoặc mặt khác, bạn cảm thấy đối phương đang chi phối cuộc đời bạn, bạn không có tiếng nói, không có quyền kiểm soát, lúc nào cũng có cảm giác bấp bênh và mắc kẹt, bạn trở nên xa lạ với cuộc đời và chán nản. Các mối quan hệ thân thiết của bạn có sự cân bằng? Nếu không thì nguyên nhân nằm ở đâu? Bạn cần làm gì để cân bằng mối quan hệ đó?
6. Bạn có thấy thỏa mãn trong công việc?
Công việc với mỗi người lại mang ý nghĩa khác nhau. Đối với một số người, công việc chỉ đơn thuần là công việc, là công cụ để họ kiếm tiền và có thể làm những việc quan trọng khác. Với một số khác, công việc là sự nghiệp, là một phần con người họ, là con đường dẫn đến các mục tiêu. Một số khác thì coi công việc là tiếng gọi, là mục tiêu sống. Những gì bạn đang làm cho công việc của mình có hiệu quả không? Bạn có cảm thấy đủ hài lòng về công việc của mình? Nếu không thì bạn cần làm gì để điều chỉnh hoặc thay đổi “đời sống” công việc hàng ngày của bạn để nó trở nên tốt hơn?
7. Bạn có mục tiêu cho tương lai, điều đem lại đam mê, mong đợi và động lực cho bạn?
Khi bạn nhìn về tương lai sau 3, 5, 10, 20 năm nữa, bạn thấy gì? Đối với nhiều người trong số chúng ta, đó là câu hỏi khó, vì ngày nào chúng ta cũng sống trong chế độ không người lái. Bạn làm gì cũng là vì bạn đang làm nó, bước đi như những con robot. Điều quan trọng là bạn cần để nhịp sống của mình chậm lại, hít một hơi thật sâu, để nghĩ về tương lai của mình. Để có thể nhìn về phía trước, đặt ra các mục tiêu dù là lớn hay nhỏ, để thấy được bạn muốn mình là người như thế nào, làm gì thì bạn cần tạo cho mình mục đích, có đam mê và sống trách nhiệm hơn, đó là những phương thuốc hóa giải cảm giác mắc kẹt, chán chường và mất kiểm soát. Bạn cần tin và nuôi dưỡng những giấc mơ nào cho tương lai của mình?
8. Bạn có những mục tiêu gì?
Câu hỏi này sẽ đưa các mục tiêu tương lai của bạn tiến xa hơn: Đâu sẽ là điều hối tiếc mà bạn không muốn có nhất? Đâu là điều bạn cần làm, cần trải nghiệm nhất để có thể nói rằng cuộc sống này, cuộc đời tôi thật tươi đẹp và thật đáng giá? Câu hỏi này cũng như tất cả các câu hỏi tôi đề cập ở trên và có thể còn nhiều câu khác nữa xuất hiện trong tâm trí bạn đều hướng về hành động sau: hãy tạm thoát khỏi nhịp sống thường nhật, nhìn lại đời mình dưới cái nhìn bao quát hơn. Tự hỏi mình và lắng nghe câu trả lời. Đừng làm chỉ vì bạn đang làm nó.
Robert Taibbi L.C.S.W. – Tác giả của 11 quyển sách và hàng trăm bài viết trên các báo và tạp chí, là một trong số 100 nhà trị liệu hàng đầu của Mỹ
Thúy Anh biên dịch theo psychologytoday
Xem thêm:
Từ khóa hạnh phúc Tâm lý học mức độ thỏa mãn công việc bạn bè Mục tiêu cuộc đời chất lượng cuộc sống