Tết Trung thu, Tết đoàn viên của người Châu Á
- Minh Nguyệt
- •
Tết Trung thu gợi lại trong lòng chúng ta biết bao kỷ niệm về tuổi thơ. Trung thu trong ký ức, chính những chiếc đèn lồng làm bằng giấy màu dán cơm nếp, là hạt bưởi phơi khô xâu thành chuỗi đốt lửa kêu lép bép, là mâm cỗ “trông trăng” giản dị với quả bưởi, nải chuối, với những chiếc bánh nướng nhân thập cẩm, những chiếc bánh dẻo thơm lừng hương hoa bưởi. Trung thu còn là thời điểm gợi nhắc đến những kỷ niệm với người thân, gia đình. Dù có đi đâu, làm gì thì với mỗi người Trung thu luôn là mảng màu ký ức đẹp đẽ, trong sáng và đầy ý nghĩa.
Đối với các nước châu Á thì Tết Trung thu vẫn luôn được xem là dịp đoàn viên của gia đình, tuy nhiên mỗi một quốc gia lại có cách trang trí mâm cỗ và thưởng trăng khác nhau, có phong tục tập quán đặc biệt của riêng mình. Hãy cùng dạo quanh một vòng châu Á để tìm hiểu văn hóa đón trăng của họ nhé.
Việt Nam
Trung thu ở Việt Nam lại được xem là Tết Thiếu nhi với các hoạt động như rước đèn, phá cỗ, múa lân, múa rồng. Hình ảnh chị Hằng chú Cuội cũng được coi là người bạn thân thiết của các em nhỏ trong ngày Tết đặc biệt này. Thông thường, người lớn sẽ không tham gia rước đèn nhộn nhịp mà thay vào đó, họ coi sóc việc cúng kiếng. Món ăn truyền thống luôn được yêu thích trong đêm hội trăng rằm là bánh nướng, bánh dẻo và các loại trái cây mùa thu như bưởi, cam, quít. Rước đèn và múa lân là những hoạt động phổ biến trong tết Trung thu ở Việt Nam.
Thái Lan
Khác xa so với nhiều quốc gia trong khu vực, người dân xứ Chùa Vàng quan niệm Trung thu là “Tết cầu trăng”. Họ thường tụ họp lại trong bộ trang phục truyền thống và cùng nhau thả những chiếc đèn “Khổng Minh” bay lên trời cao mang theo những điều ước tốt đẹp. Bên cạnh đó, trong mâm cúng của người Thái trong đêm Trung thu không thể thiếu quả bưởi – loại trái cây tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn viên. Người Thái Lan gửi lời ước nguyện trong những chiếc đèn lồng.
Campuchia
Không giống nhiều quốc gia châu Á khác, người Campuchia không ăn mừng lễ Trung thu vào tháng 8 âm lịch mà thực hiện vào giữa tháng 12 theo Phật Lịch của đất nước này. Lễ hội này có tên là “Bái nguyệt tiết”, tức “Lễ hội bái lạy mặt trăng” để cầu nguyện phước lành đến với mọi người. Khi ánh trăng vừa nhô lên khỏi những tán cây, người dân nước này sẽ bái nguyệt với tất cả lòng thành của mình.
Lễ vật cúng trăng gồm có hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt và nước mía. Sau khi bái nguyệt xong, mọi người sẽ lấy gạo dẹt cho trẻ con ăn. Người Campuchia quan niệm rằng việc làm đó sẽ cầu cho trẻ nhỏ được ăn uống khỏe mạnh, cuộc sống sung túc, viên mãn sau này.
Singapore
Cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện sự tài phú và văn hóa đa dạng của mình tại khu Chinatown với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Trung thu là dịp để kết nối tình cảm, thể hiện lòng biết ơn. Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm. Tuy nhiên, họ không đoàn tụ với gia đình trong ngày này mà chọn cách du lịch để thư giãn.
Malaysia
Ở Malaysia ngoài Lễ hội Bánh Trung thu (19-21/9) còn có Lễ hội Đèn lồng vào ngày 16/9. Dịp này, phố phường đều được trang trí bởi hàng trăm, hàng nghìn chiếc đèn lồng sặc sỡ. Đây là dịp để người dân Malaysia và du khách ra đường hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ.
Người Hoa ở Malaysia thường ngắm trăng, treo đèn lồng và thưởng thức bánh nướng như một tập quán truyền đời vào dịp Trung thu. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa ở Kuala Lumpur còn tổ chức những hoạt động vô cùng náo nhiệt như: múa lân, rước đèn lồng cùng các biểu tượng Hằng Nga, chú Cuội,…
Hàn Quốc
Tết Trung thu thường được gọi là Tết Chuseok (Lễ tạ ơn) – một trong những ngày lễ lớn nhất của người Hàn Quốc. Trong ngày lễ này, dù bận rộn công việc đến đâu, những người trong cùng một gia đình luôn cố gắng sắp xếp thời gian để về đoàn tụ bên ông bà, bố mẹ. Họ sẽ mặc trang phục Hanbok truyền thống và cùng nhau ăn bánh Songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và uống rượu sindoju. Vào ngày này, người Hàn thường sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên. Trong trường hợp bố mẹ đã qua đời, người Hàn sẽ chuẩn bị những mâm cúng thịnh soạn để tưởng nhớ về các bậc tiền nhân.
Nhật Bản
Khác với Hàn Quốc, người Nhật Bản thường không sum họp ở nhà mà hay đi đến đền, chùa để tham dự lễ hội Trung thu vì đây được coi như là ngày Tết ngắm trăng ở xứ sở hoa anh đào. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất. Bên cạnh đó, họ sẽ ăn bánh Mochi giã tay – món bánh truyền thống của Nhật Bản trong ngày rằm tháng Tám thay vì ăn bánh Trung thu như ở nhiều nước.
Vào lễ hội này, người Nhật thường tổ chức ngắm trăng tại những nơi có thể nhìn thấy trăng tròn, sáng rõ nhất và ăn những món ăn cổ truyền. Theo phong tục, người dân bày bánh thành một mâm lớn, để trước thềm để vừa có thể ngắm trăng vừa thưởng thức.
Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Tết Trung thu còn được gọi với nhiều cái tên như Thu tiết, Bát Nguyệt tiết, Bát Nguyệt Hội, Nguyệt tiết… Người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp, đoàn viên của gia đình trong dịp Tết Trung thu, chính vì thế, những người xa nhà thường cố gắng trở về đoàn tụ để ăn bữa cơm gia đình. Sau bữa ăn, các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp dưới ánh đèn lồng – biểu tượng không thể thiếu của Tết Trung thu ở Trung Quốc và cùng nhau thưởng thức chiếc bánh thơm lừng dưới ánh trăng tròn. Bánh nướng và bánh dẻo là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu của người Trung Quốc. Bánh thường mang hình tròn tượng trưng cho sự đoàn viên, viên mãn.
Rước đèn Trung thu.
Tết Trung thu của Trung Quốc rất chú trọng vào việc trang trí hoa đăng và lồng đèn đặc sắc. Họ thường tổ chức múa rồng lửa để cầu mong sự may mắn, thịnh vượng.
Minh Nguyệt (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa bánh Trung thu Trung thu châu Á phong tục