Thái cực quyền: Môn võ lấy nhu thắng cương của Đạo gia
- Ngọc Chi
- •
Vào thế kỷ 12 – thời Nam Tống (1127–1279), có một đạo nhân tên là Trương Tam Phong (張三豐) thông thạo công phu Thiếu Lâm và có tuyệt kỹ võ thuật vô song. Ông ngao du khắp thiên hạ, hành tung thần bí, thoắt ẩn thoắt hiện và dành cả cuộc đời để tu Đạo.
Minh sử miêu tả Trương Tam Phong là một người đàn ông cao lớn (hơn 2m) với bộ râu hình ngọn giáo, vóc dáng hiên ngang như cây thông, tiên phong đạo cốt. Ông từ bỏ cuộc sống thế tục để đi ngao du khắp nơi. Ông mặc một chiếc đạo bào quanh năm và chọn cuộc sống ẩn dật để dứt bỏ mọi dục vọng.
Mặc dù không ai biết ông “biến mất” từ khi nào, nhưng Trương Tam Phong được cho là đã sống trên 130 tuổi trước khi đạt được sự bất tử như một vị Thần. Ông dành những năm cuối ẩn cư ở núi Võ Đang để tu tập và sáng lập ra môn phái võ thuật Thái cực quyền, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Thái cực quyền – môn võ thuật với các động tác uyển chuyển chậm rãi
Không giống như các môn võ luyện ngoại công chỉ tập trung vào sức mạnh cơ bắp, Trương Tam Phong thành thạo nội gia (內家) và đặt việc tu luyện tinh thần làm cốt lõi.
Truyền thuyết kể rằng một đêm nọ, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã đến gặp Trương Tam Phong trong một giấc mơ và dạy ông những bí mật quý giá của Đạo. Trải nghiệm thần thánh này đã truyền cảm hứng cho Trương Tam Phong sáng tạo ra một phong cách võ thuật chưa từng có, trong đó ý thức và tinh thần là cội nguồn của sức mạnh.
Đây là cách Thái cực quyền (太極拳) đã ra đời. Môn võ này lấy tĩnh chế động, lấy nhu thắng cương, tập trung vào nội lực hơn sức mạnh cơ bắp và chú trọng phòng thủ hơn tấn công.
Sức mạnh uyển chuyển của Thái cực quyền đã được tái hiện trong một tập phim khi Trương Tam Phong bất ngờ bị một nhóm cướp tấn công. Bằng các chuyển động nhẹ nhàng nhưng mau lẹ, ông đã tránh được tất cả các đòn tấn công như vũ bão của đối thủ mà không hề hấn gì. Ông kiên nhẫn đợi đến khi tất cả bọn cướp đều kiệt sức rồi hạ gục tất cả chúng cùng một lúc.
Cốt lõi của Thái cực quyền
Ngày nay, Thái cực quyền được biết đến chủ yếu vì lợi ích sức khỏe. Trên thực tế, Trương Tam Phong sáng lập môn võ này như một phương pháp tu luyện của đạo gia để nâng cao cảnh giới sinh mệnh. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, văn hóa tu luyện là một bộ phận quan trọng và cao quý nhất.
Bản thân từ “Thái cực” đã đề cập đến học thuyết âm dương của Đạo gia – là hai yếu tố cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ.
Trải qua bao năm tháng, mặc dù nhiều nguyên lý của Thái cực quyền đã bị thay đổi và thương mại hóa theo những cách mà người sáng lập nó có thể không chấp nhận, nhưng vẫn có nhiều người nhớ tới những lời dạy uyên thâm của Trương Chân nhân – nhấn mạnh rằng chìa khóa để đạt đến cảnh giới cao hơn của sinh mệnh là “thanh tâm quả dục”.
Trong “Đại đạo luận’ Trương Tam Phong viết: “Nội dược dưỡng tính, ngoại dược lập mệnh; tính mệnh song tu, phương hợp thần tiên chi đạo”.
Giải nghĩa: Tu luyện chính là tu thành thần tiên, cũng chính là công pháp “tính mệnh song tu” vừa tu dưỡng tâm tính cũng vừa tu mệnh; “Tu tính” chính là tu thân, tu luyện tâm tính lại phải coi trọng đức đó chính là “thanh tâm quả dục” cũng chính là nội dược (nội đan); “Tu mệnh” là đạo trường sinh chính là cần luyện khí công, đó là ngoại dược (ngoại đan).
Để đạt được một nội tâm thanh tịnh thì phải vứt bỏ hết thảy dục vọng và phiền não. Chỉ như vậy tâm mới có thể tĩnh, khai trí khai huệ. Giống như những hạt giống trên cánh đồng bị cỏ dại xâm chiếm, dục vọng và tạp niệm chính là cỏ dại của tâm trí.
Núi Võ Đang – cái nôi của Đạo giáo
Những đỉnh núi hùng vĩ của dãy núi Võ Đang (武當山) nhấp nhô ẩn hiện trong những làn mây mù sương tạo nên một vẻ đẹp huyền bí, trầm mặc của thánh địa Đạo giáo. Nằm ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dãy núi này là nơi Trương Tam Phong đã chọn dừng chân sau nhiều năm vân du bốn bể và sau này trở thành điểm đến chính của những người tầm đạo.
Quang cảnh núi Võ Đang gợi lên sự linh thiêng, trong đó những đỉnh núi cao sừng sững mà tĩnh lặng thể hiện triết lý của Đạo gia về sự hài hòa của các mặt đối lập.
Đỉnh cao nhất của dãy núi là 1.613m — gần gấp đôi chiều cao của tháp Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới cho đến nay — xứng đáng với danh xưng: “Thiên Trụ Phong” (天柱峰)
Trên những vách núi cheo leo, những ngôi chùa Đạo giáo cổ kính được dựng lên một cách khó tin, tô điểm cho bức tranh toàn cảnh nhấp nhô. Được xây dựng trong suốt gần một thiên niên kỷ, những công trình này là kỷ vật quý giá gợi nhớ về triều đại nhà Minh.
Những công trình này được xây dựng xuất phát từ lòng kính ngưỡng và cảm ân của Hoàng đế Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ) đối với Trương Chân nhân. Chuyện kể rằng hoàng đế đã từng nhiều lần cho người tìm kiếm Trương Tam Phong nhưng không gặp. Với lòng mong mỏi được diện kiến vị Chân nhân, Minh Thành Tổ đã viết một bức thư cho ông để bày tỏ tấm lòng, thư viết: “Trẫm ngưỡng mộ Chân tiên đã lâu, mong cầu được thân đón bậc nghi phàm, từng sai sứ bầy hương án viết thư đi tìm hết danh sơn để mời đón. Đạo đức chân tiên cao cả, cao hơn vạn hữu, thể hợp với tự nhiên, thần diệu không lường. Tài chất của Trẫm kém cỏi, đức hạnh mỏng manh, mà chỉ có lòng chí thành mong gặp, suốt đêm ngày không quên. Lại kính cẩn sai sứ dâng thư cẩn trọng mời, mong chờ xe mây giá lâm để thỏa lòng kính mộ mong mỏi của Trẫm.”
Cảm động trước thành ý của Minh Thành Tổ và biết rằng điều duy nhất mà Hoàng đế theo đuổi là đạo trường sinh, Trương Tam Phong đã gửi thư hồi đáp cho Hoàng đế:
“Địa thiên giao thái hóa công thành,
Triều dã hàm an trị đạo hanh.
Hoàng cực điện trung long hổ tĩnh,
Vũ đương vân ngoại cổ chung thanh.
Thần cư thảo mãng nguyên vô dụng,
Đế vấn sô nghiêu nhược hữu tình.
Cảm bả vi ngôn lao thánh thính,
Trừng tâm quả dục thị trường sinh.”
Diễn nghĩa: Hoàng đế phụng mệnh của trời đất cai quản thiên hạ, quốc thái dân an, ta sống ở đồng cỏ, là một bách tính phổ thông vô dụng, nếu có điều muốn nói, thì xin thánh thượng lắng nghe, bí quyết trường thọ chính là nằm ở chỗ “trừng tâm quả dục” (thanh tâm quả dục), đề cao đạo đức, kiềm chế dục vọng, thanh tịnh thân tâm, xem nhẹ danh lợi. Thần tiên không có phương pháp đặc biệt nào cả, chỉ là “trừng tâm quả dục”.
Bức thư đã khiến hoàng đế cảm động sâu sắc và lệnh xây dựng 9 cung, 72 đền và 36 am… ở núi Võ Đang như một cách để tôn vinh Đạo giáo và bảo tồn trí tuệ của các bậc chân nhân cho hậu thế.
Vượt qua bạo lực bằng sự ôn hòa kiên định
Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, khi Hồng vệ binh ập vào một ngôi chùa trên núi Võ Đang, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy một nữ tu Đạo 100 tuổi, bà Lý Thành Ngọc (李诚玉), đang tĩnh lặng thiền định trước bậc thềm với băng keo dán kín miệng như một hình thức phản kháng phi bạo lực.
Đó là lúc đỉnh điểm của cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) do Mao Trạch Đông phát động. Hồng vệ binh được lệnh phá hủy các đền chùa, đạo miếu và đàn áp tín ngưỡng truyền thống – mà theo hệ tư tưởng vô thần của Đảng cộng sản thì bị coi là mê tín và là mối đe dọa đối với sự củng cố của Đảng. Các ni cô và nữ tu trên khắp đất nước bị ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức, thậm chí bị giết hại.
Tuy nhiên, sự kiên định và bình thản của bà Lý Thành Ngọc đã gây ấn tượng sâu sắc với Hồng vệ binh đến nỗi họ đã không động đến bà và các ngôi chùa trong khu vực đã được cứu.
Ngày nay, những kiến trúc này vẫn còn ở núi Võ Đang hùng vĩ như một lời nhắc nhở về một sự thật cao cả mà các thế hệ ngày nay đã gần như quên mất rằng: Dù cái ác có hung hăng và tàn độc đến đâu thì cũng không thể chiến thắng được sức mạnh của một trái tim thiện lương và kiên định.
Vision Times,
Từ khóa Đạo gia Trương Tam Phong Thái Cực quyền lấy nhu thắng cương