Thành công của trẻ em bắt đầu với 4 điều cơ bản này
- Annie Holmquist
- •
Bạn biết mình đã bắt đầu già đi khi bắt đầu chuyển những ước mơ từng dành cho bản thân — như việc trở thành cầu thủ bóng rổ của NBA — sang cho con cái, một người bạn của tôi gần đây đã nhận xét như vậy.
Và quả thật, nhận xét này sẽ khiến không ít bậc cha mẹ phải gật đầu đồng cảm. Từ khi một đứa trẻ còn chưa chào đời, gần như mọi bậc cha mẹ đều đã bắt đầu ấp ủ những ước mơ tốt đẹp nhất dành cho con. Những năm tháng sau đó là hành trình nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa giấc mơ ấy — bằng việc cho con chế độ dinh dưỡng tốt, một nền giáo dục chất lượng trong khả năng tài chính, rồi các lớp học đàn piano, múa, đá bóng, lập trình máy tính, và vô số hoạt động khác mà cha mẹ tin rằng sẽ mang lại niềm vui và thành công trong tương lai cho con.
Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi liệu tất cả những nỗ lực đó có phần nào quá đà không? Liệu những yếu tố làm nên thành công của con chúng ta có thể đến từ những điều đơn giản hơn nhiều?
Câu hỏi ấy chợt đến với tôi khi đang đọc cuốn tự truyện The Sword of Imagination (Thanh gươm của trí tưởng tượng) của Russell Kirk. Dù không phải là cái tên quen thuộc với số đông, Kirk lại là một trong những nhà tư tưởng bảo thủ hàng đầu thế kỷ 20, có ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ thông qua việc sáng lập và viết cho những tạp chí uy tín như National Review và Modern Age.
Người ta dễ tưởng rằng một nhân vật thành công và có ảnh hưởng như vậy hẳn phải được nuôi dạy trong điều kiện tốt nhất — và quả thật là vậy, nhưng không theo cách mà nhiều người nghĩ. Tuổi thơ của ông gắn liền với sự giản dị, được hình thành từ bốn yếu tố chính:
1. Một gia đình hạnh phúc
“Cậu bé Russell sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, cha mẹ yêu thương con cái, gia đình gắn bó và ý thức được sự tiếp nối của các thế hệ”, Kirk viết.
Cha mẹ ông không giàu có hay học vấn cao; cha ông chỉ học đến lớp 6 và trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi gắn bó lâu dài với ngành đường sắt. Tuy vậy, Kirk cho rằng chính sự gắn bó và tương tác với gia đình đã giúp ông chuẩn bị tinh thần để bước vào thế giới đầy thử thách ngoài kia.
Hình ảnh người cha đóng vai trò lớn trong sự chuẩn bị ấy: “Ông điềm đạm, tận tụy, luôn nhẹ nhàng và lịch thiệp trong lời nói, và có lẽ những giờ phút hạnh phúc nhất của ông là khi nằm dưới bóng cây sồi bên hồ cùng con trai nhỏ”, Kirk viết. Thật khác xa với những lời khuyên ngày nay rằng phải lao mình vào danh vọng, tiền tài và sự thỏa mãn cá nhân! Cha của Kirk cho thấy rằng, đôi khi, niềm hạnh phúc lớn nhất lại đến từ việc trung thành làm một công việc bình thường để nuôi con, một công việc không lấy đi quá nhiều sức lực đến mức khiến ta không còn thời gian và năng lượng để ở bên và chăm sóc con cái.
2. Gắn bó với đại gia đình
Ngoài thời gian bên cha, Kirk còn thường xuyên ở cạnh ông ngoại — cụ Frank Pierce.
“Ông Pierce không có bạn bè cùng thế hệ”, Kirk kể. “Ông trò chuyện và đi dạo với cháu trai.” Hai ông cháu cùng nhau đi bộ khắp đồi núi, bàn luận về tiến bộ xã hội, vua Richard II, khát vọng bất tử, ý nghĩa của giấc mơ, hay vì sao biển lại có sóng và liệu con lợn có mọc cánh không. Nhưng quan trọng hơn, chính qua tấm gương sống chứ không phải những bài giảng, ông đã dạy Kirk về lòng nhân ái và sự kiên cường.
Ngày nay, trẻ em hiếm khi có cơ hội gần gũi với ông bà hoặc thế hệ lớn tuổi. Nhịp sống bận rộn và sự thiếu gắn kết trong cộng đồng là nguyên nhân chính, chưa kể đến xu hướng rạn nứt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trưởng thành.
Kirk đã nhận được sự khôn ngoan và chiều sâu từ ông ngoại — câu hỏi đặt ra là: chúng ta có đang tạo điều kiện cho con cái được gần gũi với ông bà để học hỏi điều tương tự không? Và ngược lại, các ông bà có đang dùng thời gian và ảnh hưởng của mình để chăm lo, nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ?
3. Tiếp xúc thường xuyên với sách vở
Sách là một phần thường nhật trong cuộc sống của Kirk, từ những cuốn ông ngoại gợi ý đến những quyển đầy ắp trên giá sách nhà ông. Hài hước thay, ông không tự mình đọc cho đến năm 7 tuổi — bởi mẹ ông đã dành quá nhiều thời gian đọc to cho ông nghe, điều mà Kirk cho rằng đã giúp ông có vốn từ vựng phong phú. Nhưng chỉ mất hai tuần để ông tự học đọc, nhờ nền tảng mà mẹ đã kiên nhẫn xây dựng từ trước.
“Đọc to là một trong số ít hoạt động đáp ứng cả nhu cầu xã hội, cảm xúc lẫn tinh thần”, một bài viết trên NPR dẫn lời chuyên gia tư vấn về ngôn ngữ Keisha Siriboe, cho biết đọc to giúp người nghe quản lý căng thẳng, nuôi hy vọng và xây dựng sức chịu đựng.
Mẹ của Kirk có thể không nhận ra những lợi ích này, nhưng liệu chúng ta có đang thực hiện việc đọc to cùng con? Nếu không, chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội gắn kết tuyệt vời và giúp ích lớn lao cho việc học của trẻ sau này.
4. Tự do khám phá
Ngày nay, trẻ em thường bị “bọc trong bong bóng” và theo dõi sát sao để đảm bảo không gây nguy hiểm cho bản thân hay người khác.
Nhưng điều đó không xảy ra với Kirk. Ông được tự do khám phá, học bằng hành động:
“Ông chơi đùa và vật lộn với những cậu bé mạnh mẽ ở Lower Town, đặt tên chúng là các hiệp sĩ Bàn Tròn và chế tạo cho chúng kiếm gỗ, áo giáp bìa cứng. Tại ngân hàng của ông ngoại, ông đóng dấu mặt sau của séc, thậm chí được vào trong kho két sắt để xếp hộp an toàn như thể đang chơi xếp hình”.
Chúng ta có đang cho con mình tự do chơi đùa, tưởng tượng, hay được tiếp xúc với công việc hằng ngày của cha mẹ để học một cách tự nhiên? Việc này không chỉ giúp trẻ phát triển tính độc lập và trí tò mò, mà còn chuẩn bị cho những rủi ro và thách thức trong tương lai mà nhiều đứa trẻ dán mắt vào màn hình ngày nay không thể tưởng tượng nổi.
Tóm lại, dù chúng ta luôn muốn dốc sức để dành cho con những điều tốt đẹp nhất nhằm đảm bảo thành công cho tương lai, thì những điều giản dị, tưởng như nhỏ nhặt lại chính là yếu tố nền tảng giúp con có khởi đầu tốt nhất trong đời.
Câu hỏi còn lại là: Chúng ta có sẵn sàng hy sinh thời gian để vun đắp những điều giản dị ấy không? Nếu không, có lẽ con cái chúng ta sẽ phải rất vất vả mới có thể bù đắp được những gì đã đánh mất.
Lý Ngọc theo The Epoch Times
Từ khóa thành công của trẻ
