Thầy cô, cha mẹ cần dạy trẻ về tính trung thực
- Minh Minh
- •
Thầy cô, cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục trẻ những đức tính để hình thành nên nhân cách tốt đẹp, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Một trong số đó là đức tính trung thực.
Trung thực có vẻ như là một khái niệm đơn giản, nhưng giá trị của sự trung thực vượt xa việc chỉ đơn giản là “không nói dối”. Những lời nói trung thực sẽ giúp con người ngày càng nhân ái, chan hòa và các mối quan hệ cũng từ đó mà trở nên tốt đẹp. Trung thực làm nên nhân cách con người chân chính. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân.
Những người thiếu trung thực, nhất thời có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và đánh mất lòng tin của người khác.
Muốn trở thành con người có phẩm chất trung thực không phải là chuyện đơn giản. Cha mẹ và thầy cô cần dạy dỗ để giúp con trẻ hình thành nhân cách tốt đẹp này. Dưới đây là một số lời khuyên để thầy cô và gia đình cân nhắc dạy cho con mình.
1. Cha mẹ, thầy cô hãy sống trung thực
Con trẻ có thể hiểu hoặc không hiểu những gì cha mẹ, thầy cô nói, nhưng chắc chắn chúng sẽ bắt chước những gì cha mẹ và thầy cô làm. Để dạy các con sự trung thực, trước tiên bạn nên là tấm gương tốt cho chúng nhìn vào. Các thầy cô và cha mẹ hãy thừa nhận những sai lầm của mình như: cố tình vượt đèn đỏ, chen lấn khi thanh toán ở siêu thị, tiện tay vứt rác bừa bãi, hay nổi nóng vô cớ với trẻ v.v… Từng hành động nhỏ trong cuộc sống sẽ phản ánh con người bạn có trung thực, có ý thức hay không. Hãy để con trẻ tin tưởng và học hỏi những điều tốt từ bạn.
2. Kể những câu chuyện về sự trung thực
Cha mẹ và thầy cô hãy thường xuyên nói với con tầm quan trọng của sự trung thực trong cuộc sống. Câu chuyện “Chú bé chăn cừu” vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc, rất thích hợp để dạy cho con trẻ về tính trung thực. Qua câu chuyện, con sẽ hiểu được lời nói dối sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và tự bản thân sẽ nâng cao ý thức trở thành người đáng tin cậy hơn. Hãy giúp cho con trẻ hiểu được lợi ích của việc sống trung thực và những hậu quả của việc nói dối.
3. Nói về sự trung thực
Cha mẹ, thầy cô hãy dạy con trẻ trung thực với cảm xúc của chính mình bằng cách thừa nhận: “Con đang tức, con đang ghét, con đang ghen tị… điều đó cũng chấp nhận được, miễn là con đừng nói xấu, đừng hành hung, đừng hại ai cả”. Khi con nhận được thông điệp đó, con trẻ sẽ biết lắng nghe và trung thực với cảm xúc của mình.
Khi con trẻ vô tình làm hỏng đồ chơi, làm đổ nước ra sàn nhà, có hành động ảnh hưởng đến người khác…, cha mẹ, thầy cô hãy nhẹ nhàng nhắc con thừa nhận hành vi sai của mình. Sau đó giải thích cho con làm sai thì phải nhận, nhưng nhận xong không phải để bị mắng mà để rút kinh nghiệm, lần sau sẽ không vi phạm nữa.
Nếu bạn mong trẻ sẽ cho bạn biết khi làm điều gì đó sai trái, thì đừng phản ứng với sự trung thực bằng cách trút giận lên con. Nếu bạn làm thế, lần sau trẻ sẽ không dám thú nhận lỗi lầm của mình. Cha mẹ cần theo sát mọi hành động và nhắc nhở nhẹ nhàng để con tự có ý thức về cuộc sống xung quanh mình.
Một học sinh trung thực sẽ làm bài kiểm tra bằng chính thực lực của mình chứ không chép bài bạn. Một bà nội trợ trung thực sẽ trả lại phần tiền thừa nếu người bán hàng vô tình đưa tiền nhầm. Một người kinh doanh trung thực sẽ không làm hàng giả, hàng kém chất lượng để bán cho khách hàng v.v… Hãy nói cho con trẻ biết về điều này.
Bất cứ ở đâu, con người có đức tính trung thực sẽ được mọi người tôn trọng với con mắt thiện cảm. Một xã hội mà mỗi con người đều có đức tính trung thực thì xã hội sẽ trở nên trong sạch, văn minh, ngày càng phát triển.
4. Động viên, khen ngợi khi con thể hiện sự trung thực
Khi làm một hành động xấu hoặc có lỗi, trẻ sẽ thấy xấu hổ không dám thừa nhận. Vậy nên ngoài việc dạy dỗ con can đảm nói lời trung thực, thầy cô, cha mẹ hãy thưởng tặng những “món quà nhỏ” để khích lệ con. Món quà chỉ đơn giản là lời nói động viên, khen ngợi con hoặc một món ăn con yêu thích vào bữa tối là được.
5. Để các con được là chính mình
Đôi khi ba mẹ áp đặt những ước mơ, kỳ vọng của mình lên con cái, vô hình chung làm các con bị áp lực, muốn sống trung thực cũng không được. Nhiệm vụ của cha mẹ, thầy cô là định hướng, nhắc nhở để con thực hiện những điều chúng muốn. Bạn hãy thường xuyên tâm sự hỏi xem con thích gì, muốn làm gì, muốn học gì, thích sách gì, chương trình gì…? Từ đó định hướng và hỗ trợ để con phát triển trên điểm mạnh của chúng.
Trung thực thể hiện đạo đức của con người và xã hội. Trung thực đem lại rất nhiều điều tốt lành nhưng không dễ dàng để trở thành người trung thực. Muốn trở thành người trung thực thì cả thầy cô, cha mẹ và con trẻ đều cần rèn luyện, nỗ lực nhiều hơn.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa trung thực Chân thật Thầy cô Dạy con Làm cha mẹ Giáo dục con