Thứ mà tiền bạc mua được là kỹ thuật chứ không phải con người
- Thanh Trúc
- •
Trong thời đại kinh tế thương mại, người ta sùng bái kỹ thuật và tiền bạc, cho rằng một khi đã có kỹ thuật thì sẽ bất khả chiến bại trong cuộc cạnh tranh thương mại, một khi có tiền cũng sẽ có thể sở hữu được nhân tài kỹ thuật cao nhất, làm ngành nghề nào cũng có thể thành công, vì vậy thế hệ trẻ bắt đầu tôn sùng tiền bạc và kỹ thuật.
Con cái chúng ta sớm muộn cũng phải bước chân vào xã hội, bước vào một “cuộc chiến” đầy thử thách trong cuộc sống.
Có một ngày, con gái đang học cấp ba hỏi tôi: Mẹ ơi, bố cứ muốn con thi vào trường danh tiếng, một vài bạn học của con cũng nghĩ rằng phải nắm bắt được kỹ thuật cao để sau này vào được công ty lớn, có thu nhập tốt, ai nấy đều cố gắng hết sức mình sống cả đời như vậy có đáng không ạ? Có kỹ thuật cao thì sẽ vào được công ty tốt, có thu nhập và chức vị cao, khi đã có thu nhập cao thì cuộc sống của mình thật sự sẽ hạnh phúc sao? Có thật là sẽ vui không? Sao con cứ cảm thấy sống như vậy chẳng có ý nghĩa gì cả, con người ta sống để tranh giành chức vị, tranh cao thấp, để hưởng thụ vật chất thật vô vị biết bao.
Rất rõ ràng, các con đang bắt đầu tư duy độc lập và không biết suy nghĩ của mình là đúng hay sai, trẻ rất mơ hồ, liệu nên đi theo bước chân của người lớn, hay tự tin sống theo cách mà bản thân cho là đúng? Con bé đối diện với sự quyết định khó khăn cho tương lai. Nếu không có sự chỉ dẫn của người lớn, e là con sẽ luôn giấu suy nghĩ này trong lòng, sẽ từ bỏ sự khao khát vốn có đối với việc theo đuổi giá trị tinh thần vì sợ bị xã hội ruồng bỏ.
Thứ mà tiền bạc mua được là kỹ thuật chứ không phải con người
Tôi không cưỡng ép con cứ phải thi vào trường danh tiếng, nhưng cũng không phủ nhận ưu thế kỹ thuật của họ, vấn đề nằm ở chỗ nhìn nhận ra sao, biết cách vận dụng mà không theo đuổi một cách mù quáng vô nghĩa. Điều quan trọng là bản thân chúng ta nghĩ rằng nên sống ra sao mới là đúng, mới thật sự có ý nghĩa, hiểu được những điều này thì mới biết được nên chọn trường ra sao, sống thế nào. Vì vậy đầu tiên tôi phải dẫn dắt con hiểu được sự theo đuổi và phương hướng thật sự.
Tôi nói với con: “Sau này dù con lựa chọn ngành nghề gì, nắm bắt kỹ thuật nào, cũng như dù con có bao nhiêu tiên, chức vị cao đến đâu, con đều sống trong xã hội, giao tiếp với mọi người, về đến nhà, con vẫn phải đối diện với gia đình của mình, có vẻ rất phức tạp. Thật ra, nắm bắt được điều này, đối xử với người khác hết lòng, trân trọng và tôn trọng người khác. Không nói gì xa xôi, con quan sát bản thân cần gì thì sẽ hiểu người khác cần gì.”
“Con cứ nghĩ mà xem, tiền bạc và vật chất liệu có mang đến cho con niềm vui thật sự hay không? Ví dụ như bố không ở nhà, con rất cô đơn, con cần bố mẹ ở bên trò chuyện, hiểu và tôn trọng con, nhưng từ nhỏ bố không ở bên con, chỉ có thể kiếm tiền vì con, cho con học trường tốt, mua đồ chơi cho con…, tuy điều đó cũng quan trọng, cũng phải biết ơn, nhưng trong lòng con luôn bất an, cô đơn và lạc lõng, thậm chí có khi còn oán giận. Vì vậy, con nghĩ xem con người ta sống là vì điều gì? Là quan tâm, tôn trọng và hiểu lẫn nhau. Là sự theo đuổi về tinh thần. Là sự quan tâm giữa người với người”.
Con gái gật đầu ngẫm nghĩ.
“Nói đến kỹ thuật, trong thời đại này, quả thật là các con bắt đầu có xu hướng lạc lối, suy nghĩ của con là đúng, con người ta không nên hồ đồ theo trào lưu mà phải suy nghĩ về điều bản thân thật sự cần mới là đúng. Nếu không thì sẽ sống rất đau khổ.
Nói như thế này đi, nếu con chỉ có kỹ thuật cao, nếu ông chủ của một công ty cũng chỉ biết kỹ thuật và tranh đấu, vậy đó là cách làm không đến nơi đến chốn. Vì sao vậy? Con thử nghĩ mà xem, nếu con có tiền có thể mua được nhân tài kỹ thuật cao mà không dùng tấm lòng để đối xử với họ, quý trọng họ, vậy thì thứ mà con mua được là kỹ thuật của họ, chứ không phải là lòng trung thành đối với công ty. Thứ mà con có được chỉ là kỹ thuật, chứ không phải bản thân họ, rồi họ sẽ bị mua chuộc bởi mức lương cao hơn. Chỉ cần có công ty ra giá cao hơn, nhân tài sẽ chảy về phía công ty đó, bị công ty khác kéo đi. Bởi vì lòng của họ không ở chỗ công ty của con, mà lòng người là thứ không phải dùng tiền mua được. Nghĩ đến những cuộc chiến đầy cạnh tranh ấy, chẳng có ai mà không mệt mỏi cả, liệu ai sẽ được lợi đây?”
Nghe đến đây, con gái xúc động, vội vàng nói: “ Đúng vậy ạ, chính là câu hỏi này, nếu thật sự kinh doanh công ty như thế, vậy thì chẳng có chút tình người gì cả, lạnh lẽo đến đáng sợ, có tác dụng thì mua về, không còn lợi ích thì đổi người, mọi người đều âm thầm lo lắng, tính toán, vậy thì chẳng có ai lưu luyến công ty cả, thật sự không biết là sống như thế thì có ý nghĩa gì?”
Học hỏi “công ty hàng trăm năm” của Nhật
Tôi nói tiếp: “Người Trung Quốc ngày nay không hiểu được lý luận giá trị quan công ty của Nhật, đặc biệt là những doanh nghiệp Nhật có tuổi đời hàng trăm năm. Người ta nghĩ rằng họ không thông minh bằng người Trung Quốc nhưng tại sao lại phát triển tốt như thế, thật ra chính là nhờ tạo niềm tin với bên ngoài, đối xử với các nhân viên trong công ty như gia đình.
Người xưa nói về đạo nghĩa, tình nghĩa, lòng trung thành, sự tin tưởng. Người Nhật rất quen thuộc và yêu thích “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Mọi người đều biết, Quan Vũ không nhận tất cả những sự trọng thưởng từ Tào Tháo mà trả lại hết cho ông ta để đi cùng người gặp nạn là Lưu Bị, quay về bên Lưu Bị, nguyên nhân là vì Lưu Bị đối xử với người khác rất nhân nghĩa, quan tâm Quan Vũ và Trương Phi như người thân, quan trọng hơn là ông làm những việc có ý nghĩa vì lý tưởng ngăn chặn chiến loạn, chấm dứt sự khổ đau của người dân, chứ không phải vì vinh quang của bản thân, vì vậy ông đã có được tấm lòng trung nghĩa. Người xưa xem sự phản bội là điều đáng hổ thẹn.
Dù là xã hội kinh doanh tiền bạc hiện nay thì cuối cùng vẫn phải dựa vào những giá trị quan cũng như tấm lòng trọng nghĩa và chân thành, đây mới là một xã hội tốt đẹp khiến con người ta an tâm và cảm thấy vui vẻ, chứ không nằm ở việc có bao nhiêu tiền và kỹ thuật cao đến mức nào.
Con thấy đấy, người sáng lập công ty Panasonic, ông Kōnosuke Matsushita khi đó học đến lớp bốn, nhưng ông đã học được cách đối nhân xử thế từ bố mẹ cũng như khi theo sư phụ học nghề, ông học tầm quan trọng của sự chân thành và đạo nghĩa, khi mà nhiều công ty liên tục cắt giảm nhân sự trong những năm khủng hoảng kinh tế thế giới thì nhân viên của ông không có ai bị sa thải cả, ông động viên mọi người cùng nhau nghĩ ra cách bán hàng tồn kho. Mọi người rất biết ơn ông, họ đồng lòng và đã giải quyết được vấn đề như một kỳ tích. Ông can đảm kiên trì giữ đạo nghĩa tốt đẹp trong lúc khó khăn, xem công ty như gia đình, có phúc cùng hưởng có nạn cùng chịu, quý trọng nhân viên của mình. Đồng thời xem sự cống hiến cho xã hội là mục tiêu và ý nghĩa cuối cùng của người làm kinh doanh, vì vậy cuộc đời rất tôn quý và đủ đầy.”
Con gái nghe đến đây thì gật đầu và tươi cười đồng ý.
Tôi tiếp tục dẫn dắt con: “Vì vậy đối với cấp lãnh đạo, họ phải quan tâm nhân viên, quý trọng những người cống hiến cho công ty, đối xử chân thành với tất cả các nhân tài, không chỉ là nhân tài kỹ thuật mà bao gồm cả các nhân viên cao thấp khác đều phải quý trọng họ, Vậy thì điều quan tâm là con người, như vậy sẽ khiến người ta cảm động, từ đó sẽ làm việc tốt cho mình, nếu không biết đâu họ sẽ vì oán hận mà bán đứng mình. Đối với nhân viên, nếu họ có lòng tốt thì sẽ không bị dụ dỗ bởi tiền bạc, cũng như có thể an tâm với trách nhiệm của mình, sẽ không kiêu ngạo vì tài cao, lúc nào cũng phật ý vì cảm thấy mình không được trọng dụng, dễ bị người khác kéo đi. Tuy có hợp đồng trói buộc, nhưng liệu công ty nào mà không cần những nhân tài gắn bó lâu dài với công ty chứ?
Vì vậy, bản thân kỹ thuật không sai, quan trọng là không được đánh mất bổn phận và đạo nghĩa làm người. Nếu không, ai nấy cũng sẽ tự hại mình, bất an, sẽ không có ai có được hạnh phúc và yên vui. Con nhất định phải nhớ kỹ, dùng tiền không mua được lòng trung thành của con người cũng như sự ấm áp thật sự của gia đình. Con người có bao nhiêu tiền và hưởng thụ vật chất, cuối cùng cũng đều sẽ là hư không, bởi vì những thứ không có tình người thì không phải là người. Vì vậy con người sẽ tuyệt vọng, sau đó lại dùng tiền bạc để bù đắp, đó là một vòng tuần hoàn tồi tệ.
Bây giờ con còn suy nghĩ được như thế này là bản thân con đang đấu tranh tâm lý, đây là điều tốt. Dù con lựa chọn trường nào, học cái gì, chỉ cần hữu dụng cho xã hội, mẹ đều ủng hộ, quan trọng là con không được đánh mất bản thân mình, mất đi niềm vui thật sự trong lòng. Nếu trong quá trình học hỏi kỹ thuật, con hãy nghĩ đến làm sao để cống hiến cho xã hội, làm những việc có ý nghĩa. Ví dụ như con thích âm nhạc, tương lai học được kỹ năng và tạo ra âm nhạc thật sự mang đến hy vọng, giúp đỡ được người khác, đó là điều có ý nghĩa, vậy thì con có thể dùng kỹ thuật vào những điều tốt, chứ không phải vì tiền. Chẳng phải như vậy thì sẽ không mâu thuẫn nữa hay sao?”
Nghe tôi nói xong, con gái không còn suy tư nữa, cháu biết bản thân mình nên đối diện với kỹ thuật ra sao, nên dùng thái độ như thế nào để lựa chọn trường học và tiếp tục việc học của chính mình.
Theo Zhengzhengwang
Thanh Trúc biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Giáo dục con Người Nhật kỹ thuật Tam quốc diễn nghĩa cảm hóa lòng người thu hút nhân tài