Qua nhiều thế hệ, các bậc cha mẹ vẫn luôn chật vật với câu hỏi làm thế nào tốt nhất để nuôi dạy con ngoan. Trong tất cả các phương pháp, có lẽ nhẹ nhàng nhất là cách mà những người phụ nữ Ấn Độ đã truyền đạt các giá trị đạo đức cho thế hệ tương lai bằng những câu chuyện dân gian chứa đựng những bài học sâu sắc.

truyện dân gian
Câu chuyện về Thiên nga vàng là một trong nhiều câu chuyện dân gian truyền thống của Ấn Độ với bài học đạo đức sâu sắc. (Ảnh: VarnaK/ Shutterstock)

Đặt ra các quy tắc giúp ích cho việc thiết lập hành vi đúng, nhưng mà “các quy tắc sinh ra là để bị phá vỡ”. Ngay cả khi hầu hết các quy tắc và hạn chế đều là tốt nhưng chúng vẫn bị coi là như những liều thuốc đắng lấy đi niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên có một câu nói: “Một thìa đường giúp thuốc đỡ đắng hơn.”

Nghệ thuật kể chuyện truyền thống giống như một cây kẹo mút có thể khiến trẻ em hài lòng. Qua những câu chuyện đầy màu sắc, nhiều bài học có thể được mang theo suốt đời để giúp các em phân biệt đúng sai, tốt xấu.

Bằng cách kể chuyện, những bà mẹ Ấn Độ đã buộc lũ trẻ phải thay đổi hành vi và tự nguyện tuân thủ một cách nghiêm túc các quy tắc của họ. Thay vì đặt ra những quy định nghiêm ngặt, họ đã chứng minh giá trị của hành vi tốt và hậu quả của hành vi xấu bằng những ẩn dụ từ truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích. Những cảnh tượng sống động xuất hiện trong trí tưởng tượng giúp bọn trẻ đi đúng hướng.

Không giống như một danh sách các quy tắc chán ngắt, những câu chuyện luôn được yêu thích ở bất cứ độ tuổi nào. Nếu trong câu chuyện mang chứa những giá trị đạo đức thì sẽ nhanh chóng được tiếp thu vì dễ dàng nhìn thấy được kết quả của hành vi. Hơn nữa, thay vì khiến người khác cảm thấy khó chịu vì bị nhắc nhở, những câu chuyện có thể được đón nhận nồng nhiệt đến mức được yêu cầu kể lại.

Nếu bạn muốn dạy con mình những thói quen và đạo đức tốt, hãy thử kể một câu chuyện. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ kể lại một số câu chuyện dân gian truyền thống của Ấn Độ với những bài học đạo đức. Hai phần đầu là từ bộ sưu tập nổi tiếng Jataka Tales, và tập trung vào sự hám lợi, hay còn gọi là lòng tham.

Thiên nga vàng 

Ngày xửa ngày xưa, ở một thị trấn nọ có một người phụ nữ nghèo sống cùng hai cô con gái xinh đẹp. Họ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và thường xuyên không đủ ăn. 

Trong một cái hồ gần thị trấn có một chú thiên nga tốt bụng với bộ lông vàng lộng lẫy. Nó đã động lòng thương xót khi nghe về hoàn cảnh khó khăn của ba mẹ con.

shutterstock 1494900143
Một chiếc lông vàng có vẻ như là kho báu đủ lớn, nhưng bị lòng tham lấn át, người ta có thể muốn nhiều hơn. (Ảnh: Ninell/ Shutterstock)

Với mong muốn giúp đỡ họ thoát khỏi cảnh nghèo khó, Thiên nga dự định sẽ cho họ một vài chiếc lông vàng quý giá của mình. Nếu người mẹ mang bán trong thị trấn thì họ sẽ có một cuộc sống dư dả, thoải mái.

Với suy nghĩ này, Thiên nga vàng đã bay đến nhà người phụ nữ tội nghiệp kia. Khi người mẹ nhìn thấy thiên nga, bà nghĩ rằng nó cần thức ăn, bà áy náy nói với nó rằng bà không có gì để cho nó.

Thiên nga tốt bụng đáp lời “Tôi muốn giúp bà! Tôi sẽ cho bà một chiếc lông vũ vàng của tôi. Bà có thể bán nó ở chợ và cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.”

Người phụ nữ nghèo khó vui mừng đồng ý và việc cho nhận này trở nên bình thường. Việc thiên nga thường xuyên thả một chiếc lông vàng vào nhà để giúp gia đình bà sống sung túc hơn giống như một sự hồi đáp cho lời cầu nguyện của bà. Bán những chiếc lông vàng để lấy tiền, bà và các cô con gái đã có thể sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ, và điều này tiếp diễn trong một thời gian.

Tuy nhiên, một ngày nọ, người mẹ đột nhiên trở nên tham lam và tự hỏi tại sao họ phải đợi con thiên nga thả từng chiếc lông một. Bà tưởng tượng họ sẽ trở nên giàu có như thế nào nếu có được tất cả những chiếc lông vũ vàng cùng một lúc.

Khi bà nói với các cô con gái về mong muốn ích kỷ của mình, chúng nói với bà rằng chúng sẽ không bao giờ làm hại thiên nga vàng. Không quan tâm đến sự lo lắng của các con, người mẹ nói: “Điều gì sẽ xảy ra nếu con thiên nga vàng biến mất? Điều đó sẽ đưa chúng ta trở lại cảnh nghèo đói.” Vì vậy, bà quyết định sẽ giật tất cả những chiếc lông vàng của thiên nga vào lần tới khi nó xuất hiện.

Quả nhiên, lần sau khi thiên nga vàng vừa vào nhà, người phụ nữ tham lam đã tóm lấy nó và nhổ sạch lông. Nhưng trước sự thất vọng của bà, những chiếc lông ngay lập tức biến thành những chiếc lông xám xỉn màu như lông gà.

Tức giận trước sự ích kỷ và tham lam của người mẹ, Thiên nga nói: “Người phụ nữ nghèo khổ kia, tôi đến đây để giúp bà vì lòng trắc ẩn, và giải thoát bà khỏi cảnh nghèo khó bằng những chiếc lông vũ của mình. Thay vì biết ơn món quà của tôi, bà lại làm hại tôi để thỏa mãn lòng tham của bà. Bây giờ tôi sẽ ra đi và bà sẽ không bao giờ nhận được một chiếc lông vũ vàng nào nữa.”

Người phụ nữ hối hận và xin lỗi thiên nga trong nước mắt nhưng đã quá muộn. Thiên nga nói: “Tham lam là sự hủy diệt. Một người tham lam và một người nghèo khổ sẽ sống cùng một cuộc đời. Hãy từ bỏ lòng tham của bà!” Sau đó, thiên nga vàng rời đi và không bao giờ được nhìn thấy nữa.

Tham lam là một tính xấu bắt nguồn từ việc không hài lòng với những gì mình có. Giống như người phụ nữ nghèo khổ trong câu chuyện trên muốn có nhiều hơn những gì mình được ban cho; cũng giống như những con vật luôn tìm kiếm “đồng cỏ xanh tươi hơn” để rồi nhận ra rằng cuối cùng chúng lại có ít hơn so với ban đầu.

Câu chuyện tiếp theo là một truyện ngụ ngôn ý nghĩa vì bài học dành cho cả hai phía là kẻ gây ra sự việc và người quan sát. Hãy cùng đọc và suy ngẫm:

shutterstock 1806057838
Một con khỉ ngớ ngẩn ngồi trên cây, hối hận về hành động của mình. (Ảnh: exs_r/ Shutterstock)

Sự hối hận của con khỉ ngu ngốc 

Ngày xửa ngày xưa có một vị vua trị vì một đất nước giàu có và xinh đẹp. Vị vua này rất thích du ngoạn đó đây và thường dẫn tùy tùng đi thăm các nước bên ngoài lãnh thổ.

Một ngày nọ, trong một chuyến du hành, nhà vua và đoàn tùy tùng đã đi bộ cả buổi sáng xuyên rừng trên đường đến một đất nước xa xôi. Mệt mỏi, họ dừng lại để nghỉ ngơi và ăn lót dạ. Họ cũng cho ngựa ăn thức ăn của chúng là đậu khô.

Trong khu rừng này, có một con khỉ tò mò đã theo dõi các hoạt động của đoàn người. Thức ăn cho ngựa trông có vẻ dễ lấy, vì vậy nó từ trên cây lao xuống và nhanh chóng lấp đầy miệng và tay với những hạt đậu.

Nó mang những hạt đậu trộm được giấu trên cây để ăn lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, khi nó vừa ngồi xuống để thưởng thức bữa ăn thì một hạt đậu đã rơi ra khỏi nơi cất giấu và rơi xuống đất. Không suy nghĩ, con khỉ vội vã lao xuống theo hạt đậu vừa bị rơi và làm rơi vãi tất cả những hạt khác. Đến lúc đó, những con ngựa đã ăn hết thức ăn và không còn gì để lấy được, con khỉ thậm chí còn không thể tìm thấy hạt đậu vừa bị rơi.

Buồn bã, con khỉ trèo lên cây tự trách sự ngu ngốc của nó. Nhà vua, người đã nhìn thấy trò hề của con khỉ, đã khôn ngoan rút ra cho mình bài học. Ông nhận ra mình đã liều lĩnh như thế nào khi đi tới đi lui bên ngoài lãnh thổ mà không tận hưởng những gì mình đang có.

Nhà vua quyết định sẽ quý trọng những gì mình có, quay người và ngựa trở về quê hương xinh đẹp.

Mặc dù không có gì sai khi khám phá những điều mới mẻ, nhưng bất cứ điều gì thái quá đều có thể trở nên tồi tệ. Hãy trân quý và tận hưởng những gì mình có trước khi quá muộn!