Hàm ý về tu luyện trong truyện cổ tích Thạch Sanh
- Thiện Tâm
- •
Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng nhất ở Việt Nam mà có lẽ ai cũng một lần được nghe. Đối với một số nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, câu chuyện Thạch Sanh đơn thuần chỉ là một câu chuyện cổ tích theo mô típ nhân vật anh hùng được thần thoại hoá cùng những giá trị nhân quả, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Cũng có người cho rằng nhân vật Thạch Sanh đại biểu cho lớp người nghèo khổ, hiền lành, thật thà, cả tin và mong ước có được hạnh phúc giàu sang của họ. Tuy vậy, đứng từ góc độ khác mà quan sát, ta sẽ thấy câu chuyện này chứa đựng rất nhiều triết lý về tu luyện như: tu thân, dưỡng tính, luân hồi và thần thông…
Hầu hết chúng ta chỉ tiếp cận với tác phẩm Thạch Sanh dưới thể loại văn xuôi hoặc truyện tranh mà ít biết rằng trong dân gian lưu truyền đến 3 dị bản thơ nôm đều ở thể lục bát của truyện này. Dị bản thơ nôm truyện cổ tích Thạch Sanh có lời văn chải chuốt nhất và được lưu hành rộng rãi nhất, gồm 1.812 câu lục bát, ra đời vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chúng ta sẽ xem xét câu chuyện Thạch Sanh ở bản dịch của dị bản này.
Thạch Sanh là một người tu Đạo
Theo bài thơ, Thạch Sanh vốn là một người con của Ngọc Hoàng thượng đế được sai xuống đầu thai vào nhà Thạch Gia để đền đáp những nỗ lực làm việc thiện, giúp người của Thạch gia:
“Ngọc hoàng chỉ phán tức thì:
Truyền đòi thái tử cho đi xuống trần;
Làm con họ Thạch đền ân
Thọ trường trăm tuổi danh thơm sẽ về”
Theo văn hoá tu luyện và tôn giáo: trên trời (Thiên đình), mặt đất (Nhân gian) và dưới đất (Âm phủ) là nơi thuộc về Tam giới. Ở Tam giới, bất kể sinh mệnh nào cũng phải tuân theo quy luật luân hồi, kể cả trên Thiên đình, chỉ có điều người trên Thiên đình có tuổi thọ dài hơn. Mong ước của những người trong Tam giới là có thể thoát khỏi quy luật luân hồi.
Để có thể đạt được mục đích này, con đường duy nhất là đầu thai làm người và tu luyện theo Chính pháp để đạt viên mãn, bởi vì chỉ có chịu khổ khi làm người thì mới có thể tu luyện, quá trình tu luyện cũng có thể phải diễn ra trong nhiều đời. Việc Thái tử con Ngọc Hoàng xuống trần đầu thai chính là một bước trong quá trình tu luyện. Điều này cũng tương tự như việc Liễu Hạnh phải luân hồi nhiều kiếp trong nhân gian, cuối cùng tu thành Bồ Tát trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam; Lã Động Tân trong Bát tiên là Huê Dương Chân Nhân đầu thai, cuối cùng tu thành Đại La Kim Tiên; Ngọc Hoàng Thượng Đế đạt được vị trí đứng đầu Tam giới bởi vì bản thân từng trải qua hàng nghìn kiếp tu hành; hay Phật Thích Ca chứng đắc quả vị Như Lai sau nhiều kiếp luân hồi.
Thái tử xuống trần đầu thai thành Thạch Sanh, sinh ra vốn mồ côi cha, đến năm 7 tuổi tiếp tục mồ côi mẹ. Ngọc Hoàng Thượng Đế đã sai Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh xuống dạy chàng võ nghệ:
“Thu qua, đông tới, lại xuân…
Thạch Sanh tuổi đã đến tuần mười ba.
Ngọc hoàng nghĩ đến gần xa
Kíp sai Lý Tĩnh xuống qua phàm trần.
Bao nhiêu các phép tiên ban
Dạy cho họ Thạch chu toàn tinh thông”
Lý Tĩnh (có nơi gọi là Lý Tịnh) vốn là một vị Tiên trong Đạo giáo. Ông từng là Tổng trấn ải Trần Đường dưới thời vua Trụ Vương nhà Thương, sau đó tu Đạo và thành tiên, được phong Thần chức Thác Tháp Thiên Vương. Lý Tĩnh còn là nhân vật trong tác phẩm Phong thần diễn nghĩa và Tây Du Ký, là cha của một vị Tiên đồng là Na Tra Thái Tử. Vì vậy, những điều Lý Tĩnh dạy Thanh Sanh chính là truyền thụ các quy tắc tu luyện của Đạo giáo và võ thuật:
“Đi vừa đến chốn cội đa
Thạch Sanh kiếm củi đường xa vừa về;
Thấy ông già cả ngồi kề
Hỏi rằng: Ông đến làm chi chốn này?
Tiên ông nghe nói tỏ bày:
Ta đây Lý Tĩnh, chức rày Thiên vương.
Tới đây vâng lệnh Ngọc hoàng
Dạy con phép tắc sửa sang việc đời”
Phẩm chất người tu luyện biểu hiện qua hình tượng Thạch Sanh
Những người tu luyện trong Đạo giáo gọi những người tu luyện thành công (viên mãn) trong pháp môn của mình là Chân Nhân (Người Chân Thật). Mục đích của tu luyện Đạo gia là “phản bổn quy chân” tức là quay về cội nguồn của sinh mệnh, quy về “chân”, vì vậy đối với những người tu luyện theo pháp môn này, tu theo chữ “chân” được trú trọng nhất.
Trong toàn bộ câu chuyện, ta đều thấy Thạch Sanh trước sau là một con người hiền lành, thật thà, nhân hậu, cả tin. Chàng dễ dàng tin lời Lý Thông đến gác miếu thờ chằn tinh (con trăn khổng lồ thành tinh) để nộp mạng thay cho Lý Thông; dễ dàng tin lời Lý Thông doạ rằng chằn tinh là do nhà vua nuôi, ai giết nó sẽ phải chịu tội; dễ dàng tin sự sắp đặt của Lý Thông khi xuống hang cứu công chúa Quỳnh Nga bị yêu tinh đại bàng giam giữ. Điều này biểu đạt cho sự chân thật của một người tu Đạo:
“Thạch Sanh nghe chẳng biết chi
Tưởng phiên canh thật, liền đi vội vàng”
“Lý Thông là đứa hiểm sâu
Dọa rằng: Tội ấy chém đầu chẳng chơi.
Xà tinh ấy của vua nuôi
Để làm báu nước, sao ngươi giết xằng?
Thạch Sanh nghe nói kinh hoàng
Lạy anh cùng mẹ mở đường cứu sinh”
Không chỉ chân thật, Thạch Sanh còn thể hiện tấm lòng thiện lương, nhân hậu, từ bi khi sẵn sàng tha thứ cho mẹ con Lý Thông khi được biết rằng họ đã cố tình đẩy chàng vào chỗ chết ở miếu thờ chằn tinh; sẵn sàng bỏ qua cho Lý Thông khi hắn tìm chàng trong hội hát dân gian để nghe ngóng tin tức về công chúa Quỳnh Nga đang bị đại bàng tinh bắt đi; thậm chí còn xin nhà vua tha cho hai mẹ con Lý Thông trở về quê khi vua giao cho chàng xét xử hai mẹ con hắn:
“Thạch Sanh nghe tỏ bấy giờ
Mới hay họ Lý lòng tà bất nhân.
Chứng minh phó mặc quỷ thần
Lòng ta cứ giữ ân cần trước sau:
Anh ơi! mở cửa cho mau!
Em đây không phải ma đâu mà phòng”
“Sanh nghe đặt gối tâu bày
Rằng: Xin rộng lượng vua nay xét cùng:
Nay chàng ăn ở khác lòng.
Máu tham quen giữ thói đồng dâm ô.
Làm chi đứa dại ngoan ngu
Xin tha cho nó về tù bản hương”
Không chỉ chân thật, thiện lượng, Thạch Sanh luôn là người biết nhẫn nhịn, không oán, không hận khi gặp sự bất công, bị lừa dối hoặc khi gặp khó khăn:
“Sanh từ đến ở ngục u
Trong lòng cũng chẳng giận thù cùng ai”
“Sanh nghe quan nói đầu đuôi.
Biết rằng Thông thực là người bất nhân!
Biết mà lòng chẳng oán hờn
Mặc ai vô nghĩa, bất nhân cũng đành.
Biết mà lòng chẳng phàn nàn
Lấy đàn mới gẩy nhặt khoan tính tình”
Sự chân thật, thiện lương và nhẫn nhịn mà không oán, không hận chính là tiêu chuẩn yêu cầu đối với người tu luyện. Là một người tu Đạo, Thạch Sanh là người thường xuyên tu dưỡng đạo đức, coi thường vinh hoa, phú quý, danh lợi, đồng thời cũng là người hết sức hiếu thảo, trung hậu, trước sau:
“Nếu tôi vẹn thửa chữ trung
Ắt bên chữ hiếu bỏ không sao đành.
Bây giờ tiếc lộc tham danh
Chữ tu thân ấy đã đành đơn sai.”
“Tới nơi đầu ngõ trước hè
Thạch Sanh đứng lại, còn e lão bà;
Bảo rằng: Anh hãy về nhà
Thưa cùng từ mẫu gần xa mấy lời
Rộng lòng mẹ có thương tôi
Thời anh ra dắt em noi theo vào”
“Thủy vương nghe rõ trước sau
Sắc phong quốc trạng, chức đầu quận công.
Chàng bèn lĩnh lấy chiếu rồng
Quì tâu, kể hết sự lòng vân vi:
Tâu rằng kỵ nhật đến kỳ
Tôi xin trở lại nay thì dương gian”
Thần thông của người tu luyện
Đối với con người ngày nay, thần thông của người tu luyện là thứ gì đó rất huyền hoặc, nhưng với những người quá khứ, đây là điều hết sức bình thường. Thạch Sanh là người tu Đạo, được Lý Tĩnh truyền thừa nên hẳn có thần thông rất lớn:
“Tiên ông đem phép vi tàng
Này cho họ Thạch tỏ tường thần thông. ”
“Thạch Sanh hóa phép tức thì
Búa rìu liền phóng một khi yêu xà”
“Xà tinh hết phép, thế cùng
Biến làm bằng thước toan hòng trốn đi.
Thạch Sanh hóa phép tức thì
Phủ vây lưới sắt khó bề trốn thay
Giương cung tên bắn chết ngay
Đại bằng rơi xuống thác ngay dưới đàng”
Ngày nay, khoa học đã xác định được rằng những người tu luyện chân chính thường xuất hiện các công năng đặc dị, điều mà trong quá khứ thường được gọi là thần thông. Nhưng chúng ta hiếm khi thấy họ thực hiện biểu diễn và khoe khoang những công năng này. Nguyên nhân là vì giáo lý tu luyện chân chính luôn yêu cầu người tu luyện trong môn pháp cần giữ gìn tâm tính, không thể mang năng lực đi khoe khoang, biểu diễn. Điều này cũng rất tương hợp với điều mà Lý Tĩnh dạy Thạch Sanh trong câu chuyện này:
“Sau khi khảo hạch như lòng
Dạy rằng: Còn khá ra công ôn nhuần.
Chớ nên thổ lộ máy thần
Mai ngày sẽ được chăn dân, trị đời”
Bởi vì Thạch Sanh là người tu luyện, có tấm lòng thiện lượng, từ bi nên khi được vua giao cho việc chống lại đội quân 18 nước chư hầu bao vây (vì lý do nhà vua gả con cho một gã tiều phu nghèo), thì thay vì sử dụng binh đao, Thạch Sanh lại sử dụng trí huệ và tiếng đàn thần của mình để cảm hoá quân địch, khiến cho chư hầu 18 nước quy hàng:
“Ầm ầm một đạo hào quang
Cung đàn dỗ bảo quân thường ngã ra.”
Thạch Sanh cũng là người sử dụng niêu cơm thần xới mãi không hết để thị uy, khiến chư hầu các nước thần phục. Một mặt có thể giải thích đó là do niêu cơm thần, một mặt cũng có thể giải thích đó là thần thông của Thạch Sanh:
“Quân liền bước xuống ăn ngay
Lao xao một lũ ăn rày thực no.
Niêu cơm cũng chẳng hết cho
Bấy giờ ai cũng nhỏ to đều hàng.”
Nói về thần thông này thoạt nghe thì lạ lẫm, nhưng kỳ thực nó rất tương tự với việc Đức chúa Giê-su triển hiện phép lạ biến mấy chiếc bánh mì và vài con cá thành đồ ăn đủ cho 4.000-5.000 người ăn no, được đề cập đến trong kinh Tân Ước.
Thạch Sanh là nhân vật có thật trong lịch sử?
Bản khảo dị thơ nôm Truyện cổ tích Thạch Sanh mà chúng ta vừa nói bên trên kể rằng chuyện Thạch Sanh đã xảy ra vào đời vua Hùng thứ chín, tại Cao Bình.
Theo Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, Cao Bình là xã Hưng Đạo, huyện Hoà An, nay thuộc thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng hiện nay. Tại đây còn có một cái hang được cho là nơi Thạch Sanh đã chém trăn tinh và nhiều đền thờ Thạch Sanh ở các một số thôn làng cùng một số phong tục văn hoá gắn liền với tích chuyện Thạch Sanh. Cao Bình cũng được các nhà nghiên cứu xác định là thủ đô của đất nước Nam Cương và Trường Sinh trong quá khứ.
Như vậy, cũng có thể Thạch Sanh – một người tu Đạo – đã từng là nhân vật có thật ở Việt Nam. Và dẫu sao, toàn bộ câu chuyện Thạch Sanh cũng thể hiện một cách sinh động hiểu biết của người Việt thời xưa về việc tu luyện.
Thay cho lời kết
Những phân tích trên đây cho thấy câu chuyện cổ tích Thạch Sanh không chỉ là lời nhắc nhở đối với người đời về quy luật nhân quả: thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, mà nó còn ẩn chứa hàm ý sâu xa về con đường tu luyện của sinh mệnh trong Tam giới. Từ một góc độ khác, Thạch Sanh là một người tu Đạo chân chính, và kiếp sống dưới thân người Thạch Sanh cũng chỉ là một bước trong quá trình tu luyện thoát khỏi luân hồi của sinh mệnh này.
Tu luyện không phải là một cái gì đó hoàn toàn biệt lập với xã hội đời thường, nó là một phần rất tự nhiên trong văn hóa xưa nay của nhân loại. Ngay cả ở các nền văn minh đã thành quá khứ, qua những di tích và tàn tích, người ta luôn tìm thấy dấu vết của tu luyện và việc thực hành tín ngưỡng. Nó có thể được tìm thấy trong đời sống hàng ngày như tư tưởng hài hòa giữa con người và tự nhiên, trong việc chú trọng vào đạo đức và luân lý của văn hóa truyền thống. Do vậy mới nói rằng tu luyện là một phần cốt yếu không thể tách rời của văn hóa. Câu chuyện Thạch Sanh ở nước ta là một minh chứng rất rõ ràng cho điều này.
Thiện Tâm
Xem thêm:
- Nghiên cứu và giải thích khoa học về siêu năng lực của giới tu luyện
- Tu luyện – một nền khoa học bị lãng quên
- Nhân loại và văn hoá tu luyện
Mời xem video:
Từ khóa tu luyện thần thoại Ngọc hoàng Thượng đế Thạch Sanh người tu luyện cổ tích