“Nắng hạn gặp mưa rào, tha hương gặp bạn cũ, đêm động phòng hoa chúc, có tên trên bảng vàng” được gọi là tứ đại hỷ trong đời người. Nhưng “động phòng hoa chúc” chính là ngày tổ chức đám cưới, vậy tại sao nó lại được gọi là động phòng? Hơn nữa, mọi người còn muốn “làm náo động phòng tân hôn” “nghe ngóng chuyện phòng tân hôn”?

shutterstock 623292803
Đám cưới Trung Quốc. (Ảnh: Chayathorn Lertpanyaroj/ Shutterstock)

Vì sao kết hôn được gọi là “vào động phòng”?

Sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, ông đã thành lập một liên minh bộ lạc và nhà nước nguyên thủy. Vào thời điểm đó, quan hệ nam nữ ở Trung Nguyên khắp nơi hỗn loạn, người thuộc các bộ tộc khác nhau thường tranh giành nam hoặc nữ mà xảy ra tranh chấp liên miên. Bởi vì “cướp hôn” sẽ làm gia tăng xung đột và bắt đầu gây chia rẽ, vì thế Hoàng Đế muốn thay đổi “phong tục không lành mạnh” này, nhưng không có biện pháp đối phó.

Vào ngày hôm đó, Hoàng Đế đã đi thị sát các bộ lạc và nhìn thấy một gia đình sống trong hang động, họ đã xây một bức tường đá bên ngoài hang động và chỉ để một cánh cửa đủ cho một người ra vào để ngăn chặn thú dữ quấy nhiễu. Một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu ông.

Hoàng Đế nói với các chúng thần của mình rằng, trong tương lai, một nam và một nữ sẽ được kết đôi với nhau, khi họ kết hôn, tất cả mọi người trong bộ tộc sẽ đến ăn mừng, cử hành nghi lễ, trên bái thiên địa, dưới bái cha mẹ, sau đó là phu thê giao bái. Mục đích là để thông báo với mọi người rằng hai người họ đã kết hôn.

Sau đó, cả hai được đưa vào một hang động, và cha mẹ của cả hai bên cung cấp nước uống và thức ăn, để đôi trẻ có thể ở cùng nhau sống trong hang một khoảng thời gian.

Đàn ông và phụ nữ đã kết hôn không còn bị quấy rối nữa, đồng thời họ không còn đi cướp của người khác. Thương Hiệt đã đặc biệt viết ra quy định, dần dần các bậc cha mẹ đã biết đào hang, xây tường cho con cái của họ, và đưa chúng vào phòng tân hôn để chúng sống chung với nhau trong ngày cưới. Từ đó, truyền thống kết hôn tập thể dần biến mất. Thuật ngữ “phòng tân hôn” đã được dùng cho đến nay.

Với sự phát triển của xã hội, con người đã chuyển từ sống trong hang động sang xây dựng nhà ở, nhưng thuật ngữ “phòng tân hôn” từ thuở xa xưa vẫn được tiếp tục sử dụng và trở thành cách gọi khác của hôn lễ.

Tại sao lại muốn “làm náo động phòng tân hôn”?

Tập tục làm náo động phòng tân hôn có từ xưa đến nay. Sử gia nổi tiếng Trung Quốc Ban Cố cũng ghi lại phong tục của nước Yên (Thời Chu, ngày nay thuộc phía bắc Hà Bắc và phía nam Liêu Ninh) trong cuốn Hán thư: “Vào đêm tân hôn, nam nữ như nhau, họ đều tự hào về điều đó”. Từ thời nhà Hán, phong tục động phòng tân hôn đã được phổ biến.

Phong tục động phòng tân hôn bắt nguồn từ đâu? Câu nói dân gian có thể đặt lên bàn cân là để cô dâu va chạm xã hội, làm quen với bạn bè thân thích bên nhà trai. Cũng có ý kiến ​​cho rằng họ hàng và bạn bè lo lắng cô dâu sẽ cảm thấy xa lạ, cô đơn và căng thẳng khi mới về nhà chồng nên ai cũng vào phòng tân hôn để nói chuyện cười đùa, trêu chọc tân nương. Người ta thường nói: “Không làm ầm ĩ thì không sinh nôi nảy nở, càng làm ầm ĩ thì càng sinh sôi.” Đây chỉ là một cách để tăng thêm không khí vui mừng cho đôi vợ chồng mới cưới sao? 

Thực ra ý nghĩa ban đầu của việc làm náo động phòng tân hôn là xua đuổi tà, tránh tai họa.

Có một truyền thuyết kể rằng, một thời gian dài trước khi Tử Vi Tinh hạ phàm, ông đã gặp một người phụ nữ mặc đồ tang, đốt giấy trên đường, bà ta đang đi theo sau một đoàn người rước dâu. Với con mắt tinh tường, Tử Vi Tinh nhìn ra người phụ nữ là ma quỷ hóa thành, chờ cơ hội làm điều ác nên ông cũng đi theo nó đến tận nhà chú rể. Người phụ nữ liền ẩn nấp trong phòng tân hôn. Sau khi khi bái thiên địa, cô dâu và chú rể chuẩn bị bước vào phòng tân hôn thì bị Tử Vi Tinh chặn cửa và nói rằng, có ma quỷ đang ẩn náu trong phòng tân hôn. Mọi người nhờ ông chỉ cách trừ ma quỷ. Từ Vi Tinh nói: “Ma quỷ sợ nhất là chỗ đông người. Thế là, không gian nhỏ riêng tư dành cho hai người đã trở thành nơi náo nhiệt. Mọi người ùa vào phòng nói chuyện cười đùa. Ma quỷ nơi bóng tối cuối cùng không dám ra tay hại người, đến canh năm trời hừng sáng, nó vội vàng bỏ trốn.”

Cũng có truyền thuyết cho rằng trong phòng tân hôn có hồ ly và ma quỷ quấy phá, cho nên trêu chọc cô dâu chú rể có thể tăng dương khí để xua đuổi tà ma.  Câu “người không náo động thì ma náo động” cũng từ đây mà ra. 

Không chỉ là truyền thuyết, mà nó còn là phong tục tập quán dân gian có thật. Ví dụ, thắp một ngọn đèn chong trong phòng tân hôn không chỉ tạo bầu không khí cho đêm động phòng hoa chúc, mà còn lợi dụng ngọn lửa để xua đuổi tà ma. 

Ở một số nơi còn có tục lệ như vầy: Sau khi tân lang vào phòng, anh sẽ bắn vào bốn góc của căn phòng mới một mũi tên tượng trưng, hoặc cầm một con dao trong tay và chém vào mỗi góc, miệng thì nghêu ngao hát: “Một chém yêu, hai chém quái, ba chém ma quỷ, bốn chém Tang thần mau rời khỏi, cười nhìn kỳ lân đưa quý tử đến.” 

Khu vực Trung Nguyên còn có tục “nghe ngóng phòng tân hôn”, đây cũng là một biện pháp phòng tránh ma nhập buồng tân hôn. Điều tối kỵ là nếu đến nhà mới mà không có người đến nghe thì sẽ là ma nghe. Khi cha mẹ chú rể thấy ở cửa sổ trước phòng tân hôn không có ai nghe ngóng, thường trùm một bộ đồ vào cây chổi để trước cửa phòng tân hôn cốt để ma quỷ nhìn thấy và không dám đến gần để quấy phá. 

Trải qua các triều đại, phong tục của các khu vực khác nhau cũng khác nhau, hình thức cũng đa dạng, những lời chúc tốt lành đơn giản và mộc mạc như “càng ồn ào, càng dài lâu”, v.v. được lưu truyền. Nếu bạn muốn có điềm lành, náo động thì náo động thôi. Ngày nay, đùa giỡn về chuyện vợ chồng đã trở thành chủ đề trêu chọc cô dâu chú rể và ý nghĩa ban đầu của việc xua đuổi tà ma và tránh tai họa ngày càng bị quên lãng.