Tư duy sáng tạo sẽ nhạy bén hơn khi làm được 4 điều này
- An Nhiên
- •
Con người thường bị giới hạn bởi ngoại hình, quen với những suy nghĩ cũ mà khó lòng bứt phá ra được. Nếu như muốn tạo nên sự đột phá, nhất định phải suy xét vấn đề từ một góc độ khác, phải biết kích hoạt tư duy sáng tạo thay vì cứ đi theo lối mòn. Hãy cùng xem câu chuyện dưới đây:
Một doanh nhân giàu có đang đến tuổi nghỉ hưu và ông muốn trao lại tài sản cho người con thông minh nhất. Một ngày, ông gọi ba người con trai đến và nói: “Ta muốn tìm một người kinh doanh giỏi nhất trong các con để thừa kế sự nghiệp của ta. Giờ ta sẽ có các con mỗi người một khoản tiền như nhau, các con hãy mua thứ gì đó có thể làm đầy nhà kho, càng đầy càng tốt. Ai có thể khiến ta hài lòng sẽ được quyền thừa kế.”
Ba người con sau khi nhận được số tiền đã lập tức hành động, đi tìm kiếm thứ gì đó có thể nhanh chóng lấp đầy nhà kho.
Người con cả mua một cái cây lớn và kéo nó trở lại nhà kho. Cành, lá và thân cây sau khi được chất vào nhà kho đã chiếm hết phần lớn không gian.
Người con thứ hai lại quyết định mua cỏ khô, anh cho rằng cỏ vừa rẻ và nhẹ, sẽ dễ dàng chất đầy. Nhưng mua hết số tiền anh có được thì lượng cỏ cũng chỉ có thể chất đầy hơn nửa nhà kho.
Người con út nghĩ đi nghĩ lại xem nên làm thế nào mới có thể chất đầy nhà kho sao cho hiệu quả mà không cần tốn nhiều tiền. Cuối cùng, anh ta chỉ mua một ngọn nến. Khi thắp ngọn nến lên, cả nhà kho đầy tràn ánh sáng. Anh nói với cha: “Cha hãy nhìn xem, ánh sáng của ngọn nến đã lan tỏa và tràn đầy hết thảy mọi ngóc ngách trong nhà kho này!”
Người cha rất hài lòng và quyết định để lại quyền thừa kế cho người con út.
Sáng tạo, có thể nói là một loại hoạt động tư duy, chính là chúng ta luôn tìm tòi để tạo ra những giá trị mới hoặc tìm ra cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào những cái đã có.
Để có thể sáng tạo, bạn phải đột phá bản thân ở những khía cạnh sau:
1. Đừng sợ thất bại
Sợ thất bại chính là một nguyên nhân lớn ngăn cản tư duy sáng tạo của bạn. Cách làm mới, phương pháp thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, thậm chí khiến bạn thất bại. Vì thế, nhiều người sẽ cảm thấy e ngại và chọn những phương thức cũ để có được cảm giác an toàn. Nhưng chính suy nghĩ này sẽ khiến khả năng sáng tạo của bạn bị thui chột dần dần, trở nên nhút nhát, không dám đột phá và bị vây hãm trong lối mòn tư duy.
2. Vượt ra ngoài các quy tắc
Doanh nhân, tác giả và nhà diễn thuyết truyền động lực người Mỹ Jim Rohn đã từng nói: “Chỉ có 3 màu sắc chính, 10 con số và 7 nốt nhạc; điều ta làm với chúng mới quan trọng.” Nếu như không dám bước ra ngoài các quy tắc, chuẩn mực có sẵn trước đó thì bạn sẽ tự đóng khung chính mình.
Thu mình trong một cái vỏ ốc không thể nào mang đến cho bạn những ý tưởng hay, mới lạ. Cần bước ra ngoài, cần tìm tự do cho bản thân mình, tránh bị bó buộc trong sự giới hạn thì mới có thể sáng tạo ra những cái mới. Hãy tự tạo động lực cho bản thân mình, đó cũng chính là một trong những cách giúp bạn rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo.
3. Dám đột phá giới hạn bản thân
Có thể trong mắt người khác, những ý tưởng sáng tạo mới mẻ của bạn hết sức ngớ ngẩn và viển vông, không ai muốn công nhận. Điều này khiến bạn e ngại và không dám nói ra, lâu dần trở nên tự ti và không còn nghĩ đến những thứ mới lạ nữa.
Nhưng nếu dám đột phá, dám thử nghiệm, chấp nhận bị chê cười, thậm chí là một vài lần thất bại, bạn có thể phát hiện ra rằng, việc tìm ra giới hạn bản thân và không ngừng đột phá nó chính là một hành trình sáng tạo bất tận, tràn đầy những niềm vui không bao giờ vơi cạn.
4. Không ngừng tích lũy trải nghiệm và kiến thức
Nếu bạn cho rằng mình có thừa kiến thức về kinh nghiệm sống, công việc, xã hội… và tự mãn với những điều đó, cảm thấy bản thân không cần phải học hỏi thêm nữa., điều đó hoàn toàn sai lầm.
Rất nhiều nhà thiết kế vĩ đại chỉ mất một ngày để phác thảo ý tưởng và thiết kế nhanh chóng trong vòng 3 ngày. Nhưng họ đã phải mất hơn 10 năm trải nghiệm cuộc sống để tích lũy nên 4 ngày này. Hãy nhớ rằng, khởi nguồn của sự sáng tạo bắt nguồn từ việc quan sát những thứ xung quanh chúng ta – trải nghiệm và tích lũy. Nếu luôn học hỏi, bạn sẽ luôn nhìn thấy được cái hay, cái mới, cái mình thiếu sót ở khắp mọi nơi.
An Nhiên
Từ khóa Lối mòn tư duy Tư duy sáng tạo