Vì sao con người thường “nằm mơ giữa ban ngày”?
- Thanh Vân
- •
Hầu hết mọi người đều có những giấc mơ đẹp, mơ ước được đi du lịch vòng quanh thế giới, trở thành một người giàu có, hoặc trở thành một ngôi sao điện ảnh, một nhà văn vĩ đại, v.v… Khi những khát vọng sâu thẳm nhất trong tâm khảm của con người và cuộc sống thực tế có một khoảng cách quá lớn, chúng ta thường gọi nó là “giấc mơ giữa ban ngày”.
Tại sao mọi người lại thường mơ những chuyện viển vông? Một nhóm nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu của họ về điều này: Trong não bộ của con người, có một khu vực liên quan nhất định đến những giấc mơ, nói cách khác, “nằm mơ giữa ban ngày” là trạng thái tự nhiên của tâm trí con người.
Nhóm nghiên cứu đã tuyển dụng 19 tình nguyện viên tham gia vào thí nghiệm và giao cho họ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để quan sát những phản ứng của não đối với các hoạt động khác nhau. “Chức năng MRI” có thể cho thấy các khối não nào hoạt động và thời gian xảy ra những hoạt động đó. Các tình nguyện viên sẽ bị quét não trong lúc chờ đợi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi các tình nguyện viên không được giao nhiệm vụ, não mặc dù không phải suy nghĩ, nhưng vẫn đang hoạt động, đang “lang thang giữa các ý tưởng khác nhau”, không phải ở trạng thái tĩnh. Các thành viên trong nhóm nghiên cứu gọi đó là trạng thái tâm trí không phụ thuộc vào kích thích bên ngoài, hoặc là trạng thái tâm trí đang trôi dạt, gọi một cách đơn giản là ‘mơ mộng viển vông’.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi các đối tượng không cần phải tập trung vào suy nghĩ một việc nào đó, trạng thái tinh thần của họ rơi vào trạng thái phiêu dạt, và tâm trí tự nhiên lóe lên nhiều suy nghĩ. Theo hình ảnh quét được, thời gian con người mơ mộng viển vông là thời gian hoạt động tích cực nhất của khu vực hạch ở trung tâm não, thùy đảo và thùy thái dương ở đằng sau não.
Malia Mason, một nhà tâm lý học tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Tiểu bang Massachusetts cho biết, trước mắt vẫn chưa làm rõ được tại sao não vẫn hoạt động khi nó nhàn rỗi, nhưng tin rằng đây là cơ sở cho một số hoạt động cơ bản của con người. Nhóm nghiên cứu nói rằng, có một khả năng là bộ não bắt buộc phải luôn ở trong trạng thái hoạt động mới có thể lập tức phản xạ trong những trường hợp cần thiết. Còn một khả năng khác chính là trạng thái của tâm trí phiêu dạt này có thể tự nhiên liên kết kinh nghiệm quá khứ, hiện tại và tương lai của một người. Các nhà nghiên cứu tin rằng, không có một nguyên nhân cụ thể nào dẫn tới việc con người thường mơ mộng viển vông, chỉ “đơn giản là vì nó có thể”.
Đồng thời Malia Mason còn phát hiện, thực ra phần lớn thời gian trong cuộc sống con người thường không có quá nhiều sự tưởng tượng. Những gì mọi người suy nghĩ thường là những gì họ phải làm trong ngày hôm đó. Mặc dù đôi việc mơ mộng viển vông có tác dụng, nhưng mọi người không vì vậy mà làm những chuyện viển vông.
Bằng các kết quả của nghiên cứu này, chúng ta cũng có thể hiểu tại sao mọi người đôi khi sẽ trong cùng một khoảng thời gian mà làm hai việc, ví dụ, sinh viên lên lớp nhưng tâm trí không tập trung vào bài giảng mà thường lơ đễnh nghĩ vẩn vơ; hoặc lúc ở công ty, người ở trong phòng họp nhưng suy nghĩ đã trôi xa hàng ngàn dặm.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa giấc ngủ giấc mơ Nằm mơ