Vì sao công nghệ phát triển nhưng đi du lịch vẫn cần có bản đồ giấy?
- Minh Minh
- •
Các thiết bị GPS trong xe hơi hay Google Maps trên điện thoại thông minh đã trở nên rất phổ biến, nhưng rất nhiều người vẫn giữ thói quen đi du lịch mang theo bản đồ giấy mà không cần sự hỗ trợ của kỹ thuật số. Vì sao vậy?
Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà công nghệ mang lại. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh cài 4G, bạn có thể yên tâm tìm kiếm mọi địa điểm mình muốn đến, thậm chí biết luôn thời gian cần thiết nếu đi bộ, xe máy hoặc ô tô.
Nghe có vẻ hoàn hảo nhưng bạn đừng vội bỏ qua bản đồ giấy truyền thống. GPS không đáng tin cậy hoặc chính xác như bạn nghĩ. Hơn nữa, khoa học phát hiện ra rằng những người chỉ dựa vào công nghệ đang đánh mất khả năng điều hướng và ý thức của bản thân khi đi du lịch.
Một vài lý do phổ biến khiến bản đồ giấy không còn được ưa chuộng là:
– Bản đồ giấy nhanh chóng trở nên lỗi thời khi các thành phố và cảnh quan thay đổi, đòi hỏi người dùng phải liên tục mua các phiên bản cập nhật.
– Bản đồ giấy dễ bị hư hại do tiếp xúc với nước, điều kiện thời tiết xấu và các lực vật lý khác.
– Bản đồ giấy chỉ tập trung vào các khu vực địa lý nhỏ hơn, vì vậy bạn cần dùng nhiều bản đồ nếu muốn đến thăm nhiều địa điểm khác nhau.
– Thật khó để nhìn vào bản đồ giấy khi bạn đang đi trên đường cao tốc ở tốc độ 80km/giờ.
Và các lợi thế vượt trội của GPS là:
– Không cần phải hiểu các biểu tượng bản đồ phức tạp, bạn chỉ cần gõ điểm xuất phát, điểm đến và chọn loại phương tiện là sẽ nhận được hướng dẫn tự động.
– Bạn sẽ ít bị lạc hơn vì GPS sẽ thông báo ngã rẽ theo thời gian thực.
– GPS tự động cập nhật phiên bản mới.
– Thậm chí GPS còn thông báo cho bạn về tình trạng kẹt xe và định tuyến lại nếu cần.
Tuy nhiên, dù GPS có nhiều ưu điểm như vậy, bản đồ giấy vẫn cung cấp cho bạn một số lợi thế mà công nghệ không thể có:
– Nghiên cứu bản đồ giấy giúp bạn có cái nhìn toàn diện về nơi bạn sẽ đến, như các thành phố, rừng, thị trấn, di tích lịch sử, sông, núi và con đường bạn sẽ gặp trên đường đi. Màn hình GPS nhỏ bé không thể giúp bạn vẽ ra cả một hành trình tổng thể, mà chỉ có tác dụng khi bạn tìm kiếm theo điểm.
– Bản đồ giấy cho phép bạn định hướng bản thân trước khi đặt chân xuống đường. Bạn sẽ biết chắc chắn bạn đang ở đâu so với phần còn lại của thành phố (nhờ vào tên của các khu phố, các đường phố chính và các hướng họ chạy, các tuyến giao thông trên bản đồ). Nếu từ giữa thành phố mà cần đi ra sông, bến cảng, ga tàu… bạn chỉ cần nhìn qua trên bản đồ giấy là đã biết quãng đường xa ngắn thế nào, đi bằng phương tiện gì là tốt nhất.
– Bản đồ giấy không chỉ có mỗi tác dụng điều hướng, mà còn là một tác phẩm được thiết kế rất đẹp mắt. Bản đồ giấy đưa bạn quay ngược thời gian, cung cấp cái nhìn tổng thể về lịch sử và quá trình biến đổi của các địa điểm qua các thời đại.
– Bản đồ giấy còn giúp con người khám phá ra nhiều sự kiện quan trọng. Ví dụ như khi các nhà địa chất so sánh bản đồ thiệt hại từ trận động đất ở San Francisco (năm 1906) với các bản đồ địa chất nằm dưới các khu vực này, họ nhận thấy mối tương quan giữa các loại đá và trầm tích bên dưới các tòa nhà, từ đó tính toán khả năng sụp đổ của chúng.
– Bản đồ giấy sẽ đưa bạn đến những nơi mà bạn không bao giờ nghĩ đến. Khi mở tấm bản đồ rộng lớn, bạn có thể vô tình bị hút mắt vào một địa điểm mới lạ nào đó, khiến bạn thêm nó vào hành trình khám phá của mình. Từ đó bạn nhận ra mình đã học được điều gì đó về lịch sử hoặc khám phá khoa học mà nếu không có bản đồ bạn sẽ chẳng bao giờ biết.
Nghiên cứu tại Đại học Tokyo đã phát hiện ra rằng những người đi bộ trong thành phố sử dụng GPS dành thời gian nhìn vào thiết bị của họ nhiều hơn 30% so với những người sử dụng bản đồ giấy. Họ cũng không nhớ được gì về cảnh vật xung quanh (bộ nhớ nhận dạng cảnh quan thấp hơn 20%) và có xu hướng bám sát tuyến đường được đề xuất. Còn những người dùng bản đồ giấy thường xuyên đi vòng quanh nhìn ngắm các địa điểm tham quan. Nói cách khác, người dùng GPS đã không nhìn thấy hoặc trải nghiệm nhiều như vậy trong suốt chuyến đi của họ. Họ có xu hướng nhìn chằm chằm vào màn hình của mình và làm theo chỉ dẫn, không bao giờ có được cái nhìn toàn cảnh về nơi họ sẽ đến thăm. Chưa kể những vùng chưa được tối ưu GPS. Không ít trường hợp khách du lịch đi theo chỉ dẫn và bị lạc vào đầm, hồ, rừng… đã được báo chí đưa tin để mọi người cẩn thận hơn.
Một vấn đề thực tế nữa là tín hiệu GPS rất dễ bị mất nếu điện thoại của bạn hết pin hoặc đi vào vùng không có sóng di động.
Không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi của công nghệ trong chuyến du lịch của bạn, nhưng bỏ thêm một tờ bản đồ giấy vào balô để sơ cua cũng không mất mát gì phải không nào?
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bản đồ GPS Kinh nghiệm du lịch