Vì sao nhiều người Mỹ không thích làm hàng xóm với những người Trung Quốc giàu có?
- Ngọc Trúc
- •
Có một bài viết được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nói về việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc mua nhà ở Mỹ, nhưng ở một vài khu dân cư, chẳng những người Mỹ không thích làm hàng xóm cùng những “người Trung Quốc giàu có” này mà thậm chí trong khu có một số người Hoa sinh sống, hễ có người Hoa chuyển vào thì rất nhiều người Mỹ sẽ dọn đi.
Vì sao lại như vậy? Một trang mạng của Mỹ đã lấy được những lời đánh giá của một số người Mỹ đối với hàng xóm người Trung Quốc.
Theo bài viết, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đầu tư mua nhà ở Mỹ. Các “đại gia” Trung Quốc có tiền, lại thích mua nhà, hơn nữa có rất nhiều người trả một lần bằng tiền mặt. Thế nhưng, tại một vài khu dân cư ở Mỹ, có những người hàng xóm Trung Quốc mới đến không được hoan nghênh cho lắm. Rút cuộc là vì sao? Là do phân biệt chủng tộc ư? Không hề!
1. “Đại gia” Trung Quốc mua nhà bằng tiền mặt, kéo giá nhà đất lên cao, không công bằng
Một số khu dân cư cũ ở Mỹ, bao gồm cả khu người gốc Hoa sinh sống tỏ ra lo lắng đối với việc người Trung Quốc mới đến mua nhà, lo rằng họ mua nhà bằng tiền mặt sẽ kéo giá nhà đất trong khu vực tăng cao.
Một người sống ở San Marino cho biết, người địa phương đa phần là vay tiền để mua nhà, còn những người từ Trung Quốc đến thì lại mua nhà bằng tiền mặt, những người vay mua nhà gửi đơn đăng ký vay thông thường phải mất 30 – 45 ngày nên không có ưu thế bằng những người mua nhà bằng tiền mặt, “Như vậy là không công bằng với người ở đây”.
Theo tờ New York Times, căn nhà tại khu Queens ở New York nơi tổng thống Mỹ Donald Trump từng sống được rao bán, được biết người mua là một phụ nữ Trung Quốc, theo tài liệu của trang Trulia, ngôi nhà có giá 2,14 triệu đô la này đắt hơn gấp hai lần giá trung bình của những ngôi nhà cùng loại khác trong khu vực.
5 năm trước, căn hộ chung cư trên đường Union thuộc khu Seattle có giá 200.000 đô la, hiện đã được bán với giá hơn 370.000 đô la. Một người Hoa ở khu Seattle cho hay mình muốn tìm một căn nhà kiểu studio có phòng ngủ kiêm phòng khách và phòng văn với giá trong khoảng 300.000 đô la, từ tháng 5 cho đến nay, đã vài lần xem nhà, anh đã tổng kết được một số kinh nghiệm, rằng những người Trung Quốc đều mua trực tiếp bằng tiền mặt, anh hoàn toàn không tranh được với họ, nếu không tăng giá thì không mua được.
2. Người Trung Quốc thích sửa nhà, không hài hòa với cộng đồng ở Mỹ
Rất nhiều khu nhà ở Mỹ có phong cảnh rất đẹp khiến người ta vừa nhìn đã thích, nguyên nhân rất lớn nằm ở chỗ ngoài việc người Mỹ thích bố trí khuôn viên nhà mình đẹp đẽ ra thì họ còn rất chú ý đến sự hài hòa trong phong cách của cả khu nhà. Còn người Trung Quốc thích sửa nhà, tái thiết lại, gây ra sự thiếu hài hòa, cũng dễ khiến hàng xóm người Mỹ bất mãn.
Truyền thông Los Angeles đưa tin, ông Hoàng người Trung Quốc đã mua một căn biệt thự phong cách Tudor được xây dựng 99 năm trước ở thành phố Pasadena cho con trai 23 tuổi đang học tại Đại học California của mình. Căn biệt thự này khá nổi tiếng trong khu vực, gần như là kiến trúc tiêu biểu. Khi đó căn biệt thự kiểu Anh với 7 phòng ngủ, 10 phòng tắm này được bán với giá 6 triệu đô la. Sau khi mua, ông Hoàng muốn sửa sang lại căn nhà theo ý thích của mình. Thế nên ông đã đưa ý định sửa lại tường của căn biệt thự lên chính quyền thành phố theo quy định pháp luật, nhưng 3 lần bị hàng xóm phản đối tại buổi điều trần cộng đồng. Một số người hàng xóm lo lắng rằng người chủ nhà mới sẽ hủy hoại căn nhà cũ, sửa thành kiến trúc theo phong cách Thâm Quyến. Thậm chí họ còn yêu cầu Hội đồng thành phố chỉ định căn nhà này là kiến trúc tiêu biểu không được hủy hoại.
3. Người Trung Quốc nấu ăn có mùi rất nồng
Người Trung Quốc nấu ăn đều thích chiên xào, nồng nặc mùi ngũ vị hương, hồi, tiêu, ớt… Người Mỹ nấu ăn rất ít dầu mỡ, khi nấu cơm ở nhà, bên ngoài nhà sẽ không ngửi thấy mùi. Vì vậy họ không quen với việc ngửi thấy mùi gì đó khi đi ngang qua nhà người khác lúc ra ngoài đi dạo. Hơn nữa, những thứ mà người Trung Quốc cảm thấy thơm có lẽ sẽ không thơm đối với người Mỹ.
Trước đây từng có bài báo đưa tin về một bà cụ tại một khu biệt thự ở ngoại ô New York, bên cạnh nhà bà là một gia đình người Trung Quốc. Nhà này thích ăn cá muối chiên, đậu hũ thối. Con đường gần nhà họ ám mùi hôi rất lâu. Có một lần, trong nhà đó vừa mới chiên xong cá muối thì nghe thấy cảnh sát gõ cửa, thì ra là hàng xóm bên cạnh không chịu nổi nữa nên đã báo cảnh sát.
4. Người Trung Quốc quá thực tế, “đẹp không bằng ngon”
Người Hoa di cư đến Mỹ mười mấy năm trước có thói quen chặt cây trên đất nhà mình, phá dỡ nhà cũ, khiến những người sống lâu năm ở địa phương đó có ấn tượng rằng người Hoa không chú ý bảo vệ môi trường. Tuy hiện nay đã ít thấy tình trạng này. Rất nhiều căn nhà ở Mỹ đều có vườn hoa phía trước và sau nhà khá rộng. Người Mỹ đa phần sẽ chăm sóc cẩn thận bãi cỏ và trồng rất nhiều hoa cũng như cây đẹp, còn người Trung Quốc thì không nghĩ vậy, “đẹp không bằng ngon”, chăm sóc hoa cỏ rất phí tiền, chi bằng trồng rau, nuôi động vật (để lấy thịt).
Trước đây, một người phụ nữ Trung Quốc sống ở khu Queens đã mua một cái lồng lớn nuôi gà ở sau nhà để “chuẩn bị đồ dinh dưỡng” do con gái sắp sinh, vừa có thể nấu canh gà, vừa lấy được trứng. Không ngờ cơ quan quản lý đã gửi lệnh cấm cho bà và yêu cầu bà di dời số gà sống ở sau nhà mình dựa theo giao ước cộng đồng đã có hàng trăm năm nay.
Giao ước có hiệu lực vào năm 1913 quy định: cấm đặt nhà máy rượu, nhà máy đường, lò mổ, trại nuôi gà, bò, trâu cũng như nhà máy vôi, nhà máy luyện thép… Người lập ra lệnh cấm này là cha của Frederick Law Olmsted Jr., ông là một kiến trúc sư thiết kế vườn nổi tiếng và cũng là người thiết kế Công viên Trung tâm New York.
5. Hàng xóm người Trung Quốc “chỉ quét tuyết trước nhà”, không nhiệt tình tham gia các hoạt động công ích của địa phương
Người Mỹ rất thích làm công ích, nhỏ thì giúp dạy trẻ em, lớn thì ra tiền tuyến chiến đấu vì quốc gia, đâu đâu cũng có thể thấy các tình nguyện viên lao động tự nguyện, cũng chính là các “volunteer” mà người ta thường nói.
Trong khu vực, người dân Mỹ càng cố gắng hết sức để phụ vục cho xã hội. Đa phần những người tham gia dịch vụ cộng đồng là người dân của khu vực, họ có thể là các em học sinh, phụ nữ, những người đã về hưu sống trong khu nhà, cũng có thể là các nhân viên làm việc tại những công ty, cơ quan ở địa phương, họ còn có thể là các tình nguyện viên từ xa đến muốn phục vụ cho cộng đồng. Nội dung của các hoạt động cộng đồng rất đa dạng: phục vụ tại các trung tâm dịch vụ dành cho người già, sắp xếp sách tại thư viện công, cũng có thể là dạy tiếng Anh cho những người mới di cư đến tại trường học v.v…
Có lẽ do chịu ảnh hưởng từ quan niệm “chỉ quét tuyết trước nhà” từ xưa, cũng có thể là do rào cản ngôn ngữ, không biết làm công ích, nên trong một số những hoạt động cộng đồng ở Mỹ khá ít thấy người Trung Quốc, đây cũng là điều khiến người Mỹ cảm thấy rất khó hiểu và không thích làm hàng xóm với người Trung Quốc.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc giàu có người Mỹ Hàng xóm