Vì sao phụ nữ Nhật thường ít dùng nước hoa?
- Minh Ngọc
- •
Túi xách hàng hiệu, son, nước hoa, 3 thứ này được coi là phản ánh “giá trị” và “gu thẩm mỹ” của các cô gái ở mức độ nhất định. Thế nhưng bạn có biết, nước hoa được nữ giới nhiều nước theo đuổi thì phụ nữ Nhật lại ít khi cần đến. Vì sao vậy?
Theo bài viết được đăng trên trang Tokyo, trong nước Nhật không có hãng nước hoa cao cấp nào cả, hơn nữa mức tiêu thụ của nước hoa châu Âu, châu Mỹ ở Nhật rất thấp, cũng không có nhiều những cửa hàng chuyên bán nước hoa.
Ở Nhật, nước hoa không hề có sức hấp dẫn đối với phụ nữ, mà ngược lại còn là đại diện cho tầng lớp geisha, vốn được coi là tầng lớp “trải gió sương”.
1. Vì sao người Nhật không dùng nước hoa?
Bài viết cho rằng việc người Nhật không dùng nước hoa có liên quan đến nhất định đến cách sống, phong tục văn hóa và gu thẩm mỹ của họ.
Đầu tiên, xét về mặt đời sống, người Nhật có văn hóa “ngâm mình trong nước”, có thể nói họ là một trong những dân tộc thích tắm rửa nhất trên thế giới. Nếu nói đến nguyên nhân thì cần phải nhắc đến văn hóa tôn thờ Thần Đạo của riêng họ.
Trong nhận thức về tôn giáo này, Thần là đấng sạch sẽ, họ ghét nhất là bị vấy bẩn, khi bị ô uế là phải làm sạch để trả về trạng thái “bình thường” thì mới tránh xa được những điều không may.
Rất rõ ràng, nước hoa thuộc dạng “khác thường”, hơn nữa cộng thêm văn hóa tắm rửa khiến rất nhiều người Nhật tắm 2 lần một ngày, đối với họ thì nước hoa hoàn toàn vô dụng.
Thứ hai, xét từ phương diện văn hóa, người Nhật có khuynh hướng thẩm mỹ kết hợp hài hòa với thiên thiên, việc có khí chất tương đồng với trời đất mới là điều mà họ theo đuổi về mặt tinh thần. Nghệ thuật, văn học và văn hóa đặc trưng đều thể hiện sự theo đuổi tinh thần này của họ.
Người Nhật không có hứng thú với nước hoa là vì họ thích mùi hương tự nhiên, ví như mùi trầm hương. “Văn hóa mùi hương” của Nhật phát triển một phần cũng chính vì nguyên do này.
Bên cạnh đó, người Nhật nổi tiếng sợ làm phiền người khác, vì thế họ sẽ cố gắng tránh để trên người mình có mùi quá nồng khiến người khác khó chịu. Trong nền văn hóa này, nếu người phụ nữ nào mà trên người có hương nước hoa, những người ngửi thấy đều sẽ biết rằng họ làm “nghề nghiệp đặc thù” và sẽ khiến người khác nhìn họ bằng ánh mắt khác.
2. Lịch sử của văn hóa nước hoa
Mọi người đều biết rằng nước hoa của Pháp rất nổi tiếng. Bài viết cho rằng nếu xét về bản chất thì rất khó để nói rằng nước hoa là thứ có “phong cách”.
Theo bài viết, vào thế kỷ 18 tại Paris, vệ sinh môi trường ở Pháp rất kém, những con phố hẹp, những khu chợ dơ bẩn, khắp nơi đều ô nhiễm. Hơn nữa khi đó vấn đề vệ sinh cơ thể của người Pháp cũng không hẳn là rất tốt, trước đó do dịch bệnh nên rất nhiều người cho rằng đi tắm ở nhà tắm công cộng sẽ bị nhiễm bệnh, vì thế họ rất ít khi tắm, cho nên mới lựa chọn dùng nước hoa để giấu đi mùi hôi.
Có thể thấy rằng ban đầu nước hoa dùng để giấu đi mùi hôi cơ thể, quả thật là không hề cao quý. Còn hiện nay có rất nhiều học giả phương Tây cho rằng nước hoa dường như là một biểu tượng rất “đẳng cấp”.
Theo nhà lý luận văn hóa người Pháp Jean Baudrillard, những món đồ xa xỉ chỉ là biểu tượng tượng trưng để người tiêu dùng khoe khoang sự giàu có, địa vị và lối sống, nghĩa là người mua nhận được quyền thống trị giai cấp, họ tự đặt ra ý nghĩa của bản thân trong cái khung quyền lực của biểu tượng tượng trưng ấy, từ siêu xe, đồng hồ đắt tiền cho đến những món đồ xa xỉ khác…
Trong cuốn tiểu thuyết “Nước hoa” có viết, một Paris dơ bẩn và nước hoa thần kỳ tạo ảo giác đẹp đẽ cho con người ta.
Dục vọng, ảo giác, địa vị đẳng cấp, tuy khiến con người ta vui sướng nhưng lại không phải là bản chất cuộc sống. Có lẽ việc người Nhật dùng thái độ coi trọng chủ nghĩa tự nhiên để đối đãi với cuộc sống và cái đẹp mới thật sự đáng để học hỏi.
3. Vì sao trên người của phụ nữ Nhật lại có hương thơm nhẹ nhàng dù không dùng nước hoa?
Phụ nữ Nhật rất ít dùng nước hoa, nhưng vì sao lại có hương thơm nhè nhẹ? Điều này có liên quan đến dầu gội, dầu xả và bột giặt của họ.
Nếu đều từng sống ở Nhật và Mỹ bạn sẽ nhận thấy mùi hương của dầu gội và dầu xả tóc của Nhật rất khác với cái mà bạn mua ở cửa hàng Mỹ. Đa số người Nhật cho rằng dầu gội và dầu xả tóc mua ở Mỹ có mùi rất nồng.
Bột giặt cũng vậy. Nếu bạn đã từng dùng bột giặt của Nhật thì cũng sẽ thấy rất khác, mùi hương của Nhật tươi mát hơn, nhưng rất nhẹ nhàng; còn bột giặt của Mỹ thì có mùi hương nhân tạo khá mạnh.
Vì vậy, nếu bạn ngửi thấy hương hoa ngọt ngào trên người của phụ nữ Nhật thì có thể đó là mùi hương của dầu gội hoặc xà phòng tỏa ra từ người họ.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa Nhật Bản Người Nhật nước hoa Phụ nữ Nhật Nhật Bản