Ấn Độ: Công nghệ giá rẻ biến khí thải CO2 từ nhà máy nhiệt điện thành bột nở
- hoàng vũ
- •
Một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Chennai, Ấn Độ đã hấp thu gần như toàn bộ khí thải CO2, và dùng nó làm nguyên liệu cho một nhà máy hóa chất để sản xuất bột nở, tất cả là nhờ công nghệ mới của công ty Cacbon Clean trụ sở tại Luân Đôn.
Đây là một bước đột phá trong công nghệ hấp thụ CO2 từ khí thải.
Ưu điểm của công nghệ mới
Nhà máy nhiệt điện Tuticorin tại cảng công nghiệp Tuticorin, miền nam Ấn Độ đang thu giữ CO2 từ nồi hơi đốt than và sử dụng nó để làm Na2CO3, hay còn gọi là bột nở.
Điểm nổi trội ở đây chính là công nghệ đang được thực thi mà không cần trợ cấp, đó là một bước tiến lớn bởi công nghệ thu giữ carbon đã phát triển lay lắt trong nhiều thập kỷ vì lý do chi phí quá lớn và sự hỗ trợ thờ ơ của chính phủ.
Theo công ty Carbon Clean, những hóa chất sẽ thu giữ 60.000 tấn CO2 mỗi năm và công nghệ này đang thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới. Chi phí thu giữ carbon chỉ ở mức 30 USD/tấn, thay vì 60 hay 90 như các công nghệ trước đây.
Trước đây, trong lĩnh vực thu giữ carbon, người ta vẫn chỉ tập trung vào thu và lưu trữ carbon, trong đó lượng khí thải CO2 sẽ được bơm vào các khối đá ngầm dưới đất với phí rất lớn và không đem lại lợi ích kinh tế. Nhà máy Tuticorin được cho là nhà máy đầu tiên có thể thu giữ và tận dụng carbon ở quy mô công nghiệp.
Đã có một thị trường toàn cầu cho CO2 như một loại nguyên liệu thô. Chủ yếu là từ các ngành như sản xuất bia nơi người ta dễ dàng thu giữ CO2.
>> Các nhà nghiên cứu vô tình tìm ra cách đơn giản biến khí CO2 thành cồn
Cơ chế của công nghệ mới
Mãi cho đến bây giờ, việc thu giữ CO2 nồng độ thấp trong khí thải (ống khói) vẫn còn quá đắt đỏ nếu không có trợ cấp. Nhà máy Ấn Độ này đã xử lý được vấn đề nhờ sử dụng một loại hóa chất thu giữ CO2 mới.
Công nghệ mới chỉ hiệu quả hơn một chút so với các loại amin hóa học CCS được sử dụng hiện nay, nhưng nhóm nghiên cứu Carbonclean cho biết nó cần ít năng lượng hơn, ít ăn mòn và đòi hỏi thiết bị nhỏ hơn đáng kể, điều này nghĩa là chi phí xây dựng thấp hơn nhiều so với công nghệ thu giữ carbon thông thường.
Tại nhà máy nhiệt điện than, khí thải được chuyển sang một khoang hấp thu, dùng công nghệ mới đã đăng ký bảo hộ của Carbon Clean để tách CO2, sau đó khí CO2 sẽ được chuyển sang Nhà máy Hóa chất Kiềm Tuticorin.
Nhà máy hóa chất này sẽ sử dụng CO2 để tạo ra Na2CO3 – một chất hóa học cơ bản có ứng dụng rộng trong sản xuất thủy tinh, chất làm ngọt, chất tẩy rửa và các sản phẩm giấy.
Giám đốc điều hành của nhà máy hóa chất, ông Ramachandran Gopalan, đã nói với BBC Radio 4: “Tôi là một doanh nhân. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cứu lấy hành tinh. Tôi cần một nguồn CO2 đáng tin cậy và đây là cách tốt nhất để có được nó”. Ông nói rằng nhà máy hiện nay gần như không xả thải vào không khí hay nguồn nước.
>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?
Một cuộc đua mới đã bắt đầu
Nhóm nghiên cứu Carbonclean tin rằng công nghệ thu giữ CO2 có thể sử dụng được có thể đối phó với khoảng 5-10% lượng khí thải trên thế giới từ than đá. Đây không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, nhưng nó sẽ là một đóng góp có giá trị vào các nhà máy công nghiệp nơi khó có thể chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.
Phương pháp mới này được sáng chế bởi hai nhà hóa học trẻ tại Viện Công nghệ Ấn Độ tại Kharagpur. Họ đã không tìm được tài trợ ở Ấn Độ nhưng may mắn được chính phủ Anh chào đón.
Trụ sở chính của công ty hiện đang đóng tại quận Paddington, Luân Đôn. Giám đốc điều hành, Aniruddha Sharma, cho biết: “Cho đến nay ý tưởng thu giữ carbon chủ yếu trông cậy vào các dự án lớn, và rủi ro là rất cao, chúng tổn phí tài trợ rất lớn. Chúng tôi muốn thiết lập các nhà máy quy mô nhỏ để hạn chế rủi ro công nghệ, biến nó thành một giải pháp thương mại hoàn toàn bình thường”.
Bằng cách tạo ra một dự án tận dụng carbon không cần trợ cấp, Carbon Clean dường như đang dẫn đầu trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Nhưng họ không hề đơn độc. Nhà máy Carbon8 gần thành phố Bristol đang mua CO2 để làm nguyên liệu cho vật liệu xây dựng và các nhà nghiên cứu khác đang tìm cách tạo chất dẻo và nhiên liệu từ chất thải CO2.
Có vẻ như cuộc đua kiếm lợi nhuận từ CO2 đã thực sự bắt đầu.
Theo The Guardian, Ecowatch,
Hoàng Vũ tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa phát minh Ấn Độ ô nhiễm không khí khí thải độc hại