Công nghệ sạc máy bay drone trong không trung, theo ý tưởng của Tesla 100 năm trước
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Hoàng Gia London đã tìm ra cách để truyền năng lượng điện qua sóng Wi-Fi tới máy bay drone. Phát minh này dựa trên ý tưởng do Nikola Tesla khởi xướng.
Các máy bay di chuyển trên không trung sẽ đều phải đáp xuống mặt đất, tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác nếu chúng ta có cách để sạc năng lượng ngay khi chúng đang bay.
Theo trang Popular Science, ĐH Hoàng Gia London cho biết:
“Công nghệ này sử dụng dòng điện cảm ứng kết nối, ý tưởng được Tesla mô tả hơn 100 năm trước. Hai lõi đồng được đồng bộ hóa với nhau, sử dụng kỹ thuật điện từ, cho phép trao đổi năng lượng không dây ở một tần số nhất định. Các nhà khoa học đã thí nghiệm với công nghệ này trong nhiều thập kỷ, nhưng chưa từng thành công trong việc cung cấp năng lượng không dây cho máy bay.”
Từ một chiếc máy bay drone thương mại, các nhà nghiên cứu đã tháo pin ra, gắn vào hệ thống điện một vòng bằng đồng. Trên mặt đất, một máy phát kết nối với nguồn điện, tạo ra từ trường. Khi máy bay drone bay vào trường này, giữ khoảng cách gần dưới 10cm (4 inch), nó có thể thu lấy năng lượng và chuyển hóa thành dòng điện trực tiếp cung cấp cho máy bay.
Hiện tại, công nghệ này mới chỉ dừng lại ở khoảng cách tối đa là 10cm, dẫu sao vẫn tốt hơn là phải cắm điện, nhưng không hẳn là vượt trội cho lắm. Dù sao đi nữa, nhóm nghiên cứu vẫn tự tin vào khả năng áp dụng rộng trong tương lại như: máy bay drone sạc trên đường dây điện, máy bay drone “mẹ” giúp sạc các máy bay khác, thậm chí một trạm sạc cảm ứng gửi tới sao Hỏa để tái khởi động các robot thăm dò đã hết pin…
>> Đây là cách SpaceX sẽ đưa chúng ta tới sao Hỏa (Video)
Quả là một tương lai đáng kinh ngạc nếu các robot có thể vận hành liên tục trên bầu trời, chỉ cần có các trạm năng lượng đủ gần để sạc cho chúng.
Tầm nhìn của Tesla 100 năm trước
Nhà phát minh Nikola Tesla (1856-1943) luôn trăn trở về vấn đề năng lượng và phân phối năng lượng, trong đó nổi bật nhất là ý tưởng về lý thuyết không dây.
Một trong những tầm nhìn của Tesla chính là việc sử dụng Trái Đất như một “cuộn cảm” tự nhiên và có thể cấp nguồn cho các thiết bị cuộn cảm “không dây” thông qua một hệ thống chuyển đổi. Hơn nữa, Tesla còn cho rằng đây sẽ là phương thức phân phối năng lượng trong tương lai. Đó quả là một tin sét đánh với những tập đoàn năng lượng. Sau khi Tesla mất, toàn bộ tài liệu nghiên cứu của ông đã bị chính phủ Mỹ tịch thu và giữ bí mật.
>> Các công trình cự thạch: Những ‘bình tụ điện’ cổ đại
Năm 1899, Tesla xây dựng một phòng thí nghiệm để nghiên cứu về truyền tải điện không dây. Phòng thí nghiệm này chứa một trong những “cuộn cảm Tesla” lớn nhất từng được xây dựng, với công suất 150 kW, tạo ra hiệu điện thế 12 triệu Volt, với tần số khoảng 150 kHz, gây ra những tia sét lớn. Dựa trên những nghiên cứu đó, từ năm 1900 đến năm 1917, Tesla đã xây dựng tòa tháp Wardenclyffe để thực hiện một loạt thí nghiệm liên quan đến khả năng truyền tải điện năng, liên lạc không dây… Tuy nhiên sau đó do chiến tranh xảy ra, Tesla không tìm được nguồn kinh phí duy trì dự án.
Tesla có thành công trong thí nghiệm của ông hay không? Đây là câu hỏi gây tranh cãi lớn. Dù sao đi nữa, Émile Girardeau, một trong những kỹ sư xây dựng hệ thống radar đầu tiên của Pháp đã nói, “Nikola Tesla hoặc là tiên đoán trước, hoặc là đang mơ mộng, vì ông không có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu ông có đang mơ mộng, thì ít nhất là ông đang mơ đúng hướng.”
Từ khóa máy bay drone Nikola Tesla công nghệ không dây