Dự án “Dọn sạch Đại dương” mang về mẻ rác đầu tiên
Sau nhiều năm phát triển, dự án Dọn sạch Đại dương (Ocean Cleanup) với sứ mệnh làm sạch Vùng rác lớn Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch) đã chính thức gặt hái thành quả khi gom về được mẻ rác đầu tiên tại bờ biển ở Vancouver (Canada).
Có khoảng 600.000 đến 800.000 tấn “ngư cụ” bị mất hoặc bỏ lại trên biển mỗi năm cùng 8 triệu tấn chất thải nhựa từ các bãi biển đổ vào đại dương. Các dòng hải lưu đã gom một mảng lớn các mảnh vụn như vậy ở đoạn giữa Hawaii và California, nơi rác bị kẹt lại do các dòng chảy giao thoa thành xoáy. Khu vực này là sự tích tụ nhựa lớn nhất trong các đại dương trên thế giới. Hệ thống làm sạch khổng lồ được thiết kế để không chỉ thu gom các tấm lưới đánh cá bị vứt bỏ và các vật thể bằng nhựa lớn có thể nhìn thấy mà còn gom cả các hạt vi nhựa.
>> Vi hạt nhựa có ở khắp nơi, phát hiện được cả trong nước mưa
Ocean Cleanup dùng một hệ thống được thiết kế theo hình chữ U dài 600m, dựa vào sức gió di chuyển để thu gom rác nổi trên đại dương. Hệ thống này được kéo ra Đảo rác Thái Bình Dương vào tháng 10/2018. Trong một thử nghiệm, giàn nổi đã bị vỡ mà không gom được chút nhựa nào. Sau đó, những thay đổi về thiết kế đã được thực hiện và lần đầu tiên thu được rác nhựa vào tháng 10/2019.
Những mẫu trước đây khi đưa vào thực nghiệm không cho thấy hiệu quả do gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tốc độ di chuyển và nhiều rác thải dễ dàng bị lọt ra ngoài hệ thống. Trong mẫu mới nhất, các nhà thiết kế đã thêm vào chiếc dù bay giúp điều chỉnh tốc độ nhanh chậm của hệ thống. Ngoài ra, nhóm cũng đặt thêm một tấm màn nhằm hạn chế việc rác lọt ra ngoài. Theo Ocean Cleanup, thiết kế hiện nay không chỉ giúp thu gom những rác thải cỡ lớn mà còn “lượm” về những rác có kích cỡ nhỏ đến khoảng 1mm.
Boyan Slat, người sáng lập Ocean Cleanup cho biết: sau hơn 6 năm hoạt động, đây là thời điểm mà thiết kế hoạt động hiệu quả nhất, có thể đương đầu với những con sóng cao và dự kiến nó sẽ còn phát triển trong những năm tới.
Năm 2013, chàng trai Boyan Slat khi ấy mới 19 tuổi đã thành lập tổ chức phi chính phủ có tên Ocean Cleanup với mục tiêu thu gom rác thải nhựa trên đại dương. Từ đó, tổ chức này đã bắt tay vào nghiên cứu và cho ra mắt hệ thống phao nổi có tên là System 001 (Wilson), trong đó lợi dụng dòng chảy và năng lượng từ các tấm pin mặt trời giúp hệ thống vận hành nhằm thu gom rác thải trôi nổi ở các đại dương.
Năm 2018, sau 5 năm nghiên cứu, Slat cùng hơn 70 nhà khoa học và kỹ sư đã chế tạo, thử nghiệm hơn 273 mô hình mới có thể chọn được một mẫu phù hợp.
Cho đến nay, tổng kinh phí thực hiện dự án Dọn sạch Đại dương ước tính lên đến 20 triệu USD và con số này nhiều khả năng sẽ không dừng lại. Ocean Cleanup được kỳ vọng sẽ dọn sạch khoảng 90% rác biển của thế giới vào năm 2040, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là làm sạch Vùng rác lớn Thái Bình Dương. Nơi đây chứa khoảng 80.000 tấn rác nổi với kích thước khoảng 1,6 triệu km2 (gấp hơn 2 lần diện tích nước Pháp) và là 1 trong 5 bãi rác nổi lớn nhất trong các đại dương trên thế giới.
Tháng 12/2019, Ocean Cleanup sẽ đưa số lượng nhựa gom được vào bờ để tiến hành tái chế dùng cho sinh hoạt. Boyan Slat dự kiến sẽ cho ra mắt sản phẩm đầu tiên trên thị trường được chế tạo từ rác thải nhựa gom tại Đảo rác Thái Bình Dương vào tháng 9/2020.
Sau thành công bước đầu này, người sáng lập trẻ tuổi dự định sẽ phát triển một hệ thống phao nổi có quy mô lớn hơn (System 002) để có thể thu gom được nhiều rác thải hơn nữa.
Video dự án Dọn sạch Đại dương gom mẻ rác thải nhựa đầu tiên:
Từ khóa đại dương giảm rác thải vi hạt nhựa