Không cần nghe lén, Google và Facebook đã có ‘hình nhân’ giả lập của bạn
Một cựu nhân viên của Google đã tiết lộ vì sao đôi khi bạn nghĩ chiếc điện thoại thông minh hẳn đang nghe lén mình. Lời giải thích này đưa ra tình huống còn đáng sợ hơn việc bị nghe lén.
Rất nhiều người có thể đã từng trải qua trường hợp này: bạn nói chuyện với bạn bè về giá cả của một món hàng, ví dụ cái máy khoan, và rồi sau đó các quảng cáo xuất hiện trước màn hình của bạn toàn là về máy khoan. Cho dù trước đây bạn chưa hề quan tâm hay tìm kiếm về món đồ này.
Do đó, nhiều người nghi ngờ rằng chiếc điện thoại đang nghe lén và gửi các cuộc hội thoại về cho hãng công nghệ. Facebook đã phủ nhận điều này.
“Tôi biết rằng, các dữ liệu khám nghiệm cũng cho thấy, và các phó chủ tịch Facebook cũng phát biểu, hứa hẹn, rằng họ không nghe lén điện thoại,” Tristan Harris, cựu chuyên viên tư vấn đạo đức trong lĩnh vực thiết kế tại Google cho biết trong một hội nghị tại Los Angeles vào đầu tháng 5/2019.
“Làm sao họ vẫn biết cuộc đối thoại mà bạn nói? Đó là bởi bên trong máy chủ của Google hay Facebook có một phiên bản hình nhân voodoo, hay avatar của chính bạn.
Và tôi không cần phải nghe cuộc đối thoại của bạn bởi vì tôi đã thu thập được… tất cả các cú click chuột và like mà bạn từng nhấn, và làm cho hình nhân này ngày càng hành động giống bạn.
Tất cả những gì tôi phải làm là giả lập đoạn đối thoại mà hình nhân sẽ nói, và tôi biết đoạn đối thoại của bạn mà chẳng cần phải nghe lén qua micro.”
Các hình nhân voodoo này bao gồm các link bài bạn đã nhấn chuột vào, lịch sử các vị trí của bạn, các thông tin nhân khẩu, các nơi bạn nhấn like… và những mẩu thông tin khác của bạn đang được lưu trữ trong máy chủ ở đâu đó – và theo Tristan thì chúng sống động tới mức có thể nhái lại cuộc trò chuyện của bạn.
“Hack” sự chú ý của bạn
Tristan từng nói về công việc của anh ở Google như sau: “nghiên cứu xem làm sao có thể tác động suy nghĩ của 2 tỷ con người một cách có đạo đức?” Anh xem xét các ứng dụng sẽ “hack” tâm lý của con người như thế nào, ví dụ như mức hưng phấn tâm lý khi nhận được nhiều like trên mạng xã hội, mức độ lo âu khi nhận được quá nhiều thông báo Gmail liên tục…
Năm 2013 khi còn đang làm ở Google, anh từng nói rằng những công ty công nghệ lớn đang lạm dụng người dùng bằng cách lấy trộm thời gian của người ta. (Xem bài chia sẻ của anh về Công nghệ thao túng tâm trí con người như thế nào?)
“Nếu công nghệ nắm quyền kiểm soát con người thì nó sẽ không nhắm vào điểm mạnh,” Tristan nói trong hội nghị.
“Chúng ta đều cảnh giác khi công nghệ trở nên mạnh hơn con người – khi nó sẽ thay thế và lấy đi công việc của chúng ta.”
Nhưng chỉ bằng cách ‘hack’ vào điểm yếu của chúng ta, nó sẽ chiếm quyền kiểm soát.”
Điều này đã xảy ra rồi: “Lời dự báo đã bao trùm lấy loài người.”
Đưa vào mê hồn trận
Tristan đưa ra ví dụ về việc nhiều người xem video Youtube và bị cuốn vào, xem mãi rồi chợt nhận ra vài giờ đã trôi qua.
“Bạn tự hỏi chuyện quái gì đã xảy ra với mình vậy?” anh nói.
“Đó là bởi khi bạn nhấn nút play, máy tính sẽ khởi động phiên bản hình nhân voodoo của bạn – cứ 4 người trên Trái Đất thì 1 người sẽ có hình nhân này – và nó biết chính xác cần bật tiếp video nào.
[Thuật toán Youtube] sẽ hỏi rằng, nếu kiểm tra 100 triệu video khác nhau lên bạn thì cái nào sẽ làm bạn ở lại xem lâu nhất?”
Giờ hãy suy nghĩ, 70% lưu lượng truy cập của Youtube là do thuật toán mang về, và người ta dành trung bình 60 phút một ngày để xem video tại đây.
Với 1 tỷ người dùng Youtube, điều này nghĩa là 700 triệu giờ một ngày của loài người đang được quyết định bởi một cái máy tính.
Chiến thuật tương tự cũng xảy ra khi bạn tham gia một group trên Facebook. Mạng xã hội này sẽ giới thiệu thêm các group khác để bạn tham gia vào – những gì nó cho rằng sẽ thu hút bạn nhất.
Còn khi các quảng cáo online xuất hiện trùng khớp ngay sau khi bạn vừa nói chuyện với ai đó về món đồ đó, không phải là do điện thoại đã nghe lén, mà còn có những cách theo dõi khác.
>> Bạn sẵn sàng chưa? Đây là những gì Facebook và Google biết về bạn
Theo sát từng bước chân
Biên tập viên của trang công nghệ CNet, Claire Reilly, đưa ra một ví dụ. Giả sử bạn nhìn thấy xuất hiện quảng cáo online nhẫn đính hôn ngay sau khi gặp một người bạn sắp kết hôn, mặc dù trước đó bạn không tìm kiếm từ khóa gì về đám cưới hay kết hôn.
“Bạn và bạn bè gặp nhau ở công viên và nói chuyện, bạn của bạn hẳn đã tìm kiếm về các thứ cho đám cưới,” Claire nói.
“Hệ thống sẽ biết được 2 điện thoại và 2 tài khoản Facebook tới gần nhau vì họ có thể truy cập vào các ứng dụng cung cấp vị trí của bạn, hoặc 2 người truy cập vào cùng nguồn bluetooth hay Wifi.”
Ngoài ra, Facebook đã biết bạn ở trong độ tuổi kết hôn và đã có người yêu, vì thế nó quyết định rằng quảng cáo nhẫn đính hôn là phù hợp với bạn.
Theo dõi được vị trí của bạn, các quảng cáo online sẽ thay đổi dựa theo đó. “Nó sẽ theo dõi bạn đang mua sắm gì và có thể biết nếu địa chỉ email bạn đăng ký thẻ thành viên tại một cửa hàng cụ thể trùng với địa chỉ email bạn đăng ký Facebook.”
Claire cho biết việc nghe lén các cuộc đối thoại của người dùng sẽ tiêu tốn dung lượng và nguồn lực không tưởng. “Nếu họ đang ghi âm lại các cuộc trò chuyện của tôi, họ phải tốn rất nhiều nỗ lực để lọc ra tất cả các file dữ liệu âm thanh đó.”
Từ khóa quyền riêng tư trên Facebook theo dõi vị trí google Thông tin cá nhân