Hướng dẫn tự tử được lồng vào hoạt hình trên Youtube và Youtube Kids
“Cứa ngang để được chú ý. Cứa dọc để đạt được kết quả,” người đàn ông nói ở đoạn giữa một phim hoạt hình. Gợi ý tự tử này đã xuất hiện trong các phim hoạt hình cho trẻ em trên ứng dụng Youtube và Youtube Kids.
Nội dung đen tối này được phát hiện đầu tiên bởi trang blog của một bác sĩ khoa nhi (pedimom.com) sau đó được Washington Post đưa tin. Vị bác sĩ này đồng thời là một bà mẹ, đã nhìn thấy nội dung nguy hiểm này khi cùng xem hoạt hình với con trai trên Youtube Kids – ứng dụng cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Ở thời gian 4 phút 45 giây, chèn vào giữa hoạt hình là đoạn clip của một người đàn ông đeo kính đen, mặc áo sơ mi. Ông ta mô tả động tác giống như cứa cổ tay. “Nhớ nhé mấy nhóc, cứa ngang để được chú ý, cứa dọc để đạt được kết quả.” Sau đó rời khỏi màn hình, video lại tiếp tục chiếu phim hoạt hình.
Đầu tháng 2/2019, bà mẹ này lại tìm thấy một video khác tương tự trên Youtube.com. Bà đã ghi hình lại và viết về nó, đồng thời báo cáo (report) nội dung có vấn đề lên nền tảng chia sẻ video này. Sau đó, nội dung này đã được gỡ xuống.
“Tôi cảm thấy rất phiền lòng, tôi rất buồn và tôi thấy ghê tởm,” bà viết. “Nhưng tôi cũng nguôi ngoai rằng mình đã ở đó để xem video này bằng chính đôi mắt của mình, vậy nên tôi có thể hành động phù hợp để bảo vệ gia đình.” Điều này bao gồm việc xóa ứng dụng Youtube Kids và mãi mãi cấm xem nó tại nhà của bà.
Những hậu quả dài lâu
Bà Nadine Kaslow, cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, giáo sư tại trường Đại học Y Emory, cho biết chỉ loại bỏ video là không đủ. “Đối với những trẻ đã xem, chúng đã xem rồi. Chúng cần được hỏi han – đó là lý do vì sao chuyện này không ổn.” Bà cảnh báo rằng, trẻ em dễ bị tổn thương, có lẽ quá nhỏ để hiểu tự tử là gì, chúng có thể gặp ác mộng hoặc tò mò làm theo thử.
Tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây ra cái chết cho trẻ ở độ tuổi 10-24, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC). Theo một khảo sát Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ học sinh cấp 3 đã từng nghĩ tới tự tử lên tới 16%.
Đừng trách Youtube
Xung quanh vấn đề nói trên, Youtube cho biết, họ có nhân viên làm việc 24/7 để xem lại các video bị đánh dấu (flagged) bởi người dùng, và loại bỏ các video không phù hợp. Đồng thời họ cũng đưa ra các công cụ kiểm soát cho cha mẹ như khả năng chọn lọc các video và kênh cụ thể trên ứng dụng.
Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng, với con số video quá lớn và kể cả được thuật toán hỗ trợ, một số video vẫn “lọt lưới” và xuất hiện trước con mắt của các khán giả nhỏ tuổi.
Các gợi ý tự tử được lồng vào hoạt hình chỉ là một trong nhiều vấn đề của cuộc khủng hoảng nội dung trên Youtube và Youtube Kids. Trong nhiều năm, nền tảng chia sẻ video này đã luôn rất vất vả trong việc lọc và ngăn chặn các nội dung có hại nhắm tới trẻ em.
Nhiều video bị phát hiện có chứa các nội dung người lớn, từ việc dùng ngôn ngữ thô tục cho tới thể hiện các cảnh bắn súng vào dân thường, uống rượu, các câu chuyện buôn người hay tình dục… Mặc dù Youtube đã loại bỏ chúng nhưng theo chủ blog Pedimon, bạn vẫn dễ dàng tìm thấy rất nhiều nội dung đáng sợ nhắm tới trẻ em trên Youtube Kids. Bà đã ghi hình lại và liệt kê một số ví dụ trên blog của mình.
Hoạt hình không chỉ là những hình ảnh xem để giải trí đơn thuần mà chúng còn cần có ý nghĩa giáo dục, bởi chúng ta xem cái gì thì chính là đưa vào đầu óc những thứ đó. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần thực sự biết rõ con cái mình đang xem những nội dung gì và tác dụng của chúng ta sao tới sức khỏe, tâm lý và sự hình thành tính cách sau này của trẻ nhỏ.
Theo ArsTechnica, Washington Post,
Phong Trần tổng hợp
Từ khóa Tự tử Giáo dục con cái youtube Nuôi dạy con