Mark Zuckerberg buộc phải xin lỗi về an toàn trực tuyến của trẻ em
- Bình Minh
- •
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư (31/1), CEO của Meta, ông Mark Zuckerberg, đã bị Thượng nghị sĩ Josh Hawley thúc giục phải tự mình xin lỗi những gia đình có trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng, thậm chí thiệt mạng do sử dụng mạng xã hội.
Tại phiên điều trần “Công nghệ lớn và cuộc khủng hoảng khai thác tình dục trẻ em trực tuyến”, Thượng nghị sĩ Hawley đã hỏi thẳng CEO Zuckerberg rằng liệu ông ấy có xin lỗi các nạn nhân hay không.
Ông Hawley nói, những người có mặt ở đây hôm nay đều là gia đình nạn nhân. Ông ấy đã xin lỗi nạn nhân chưa và có muốn xin lỗi ngay bây giờ không?
Thượng nghị sĩ tiếp tục chất vấn, liệu ông Zuckerberg có sẵn sàng xin lỗi ngay lập tức những nạn nhân bị tổn hại bởi chính sản phẩm của ông ấy, và sẵn sàng xin lỗi vì tất cả những gì Zuckerberg đã làm với những người tốt bụng đó không?
Điều này buộc ông Zuckerberg phải đứng lên, quay lưng lại với các Thượng nghị sĩ và xin lỗi cha mẹ của các nạn nhân có mặt.
Tại phiên điều trần, nhiều phụ huynh giơ ảnh của con mình lên và cho biết con họ đã bị các công ty mạng xã hội hãm hại.
Ông Zuckerberg biện hộ cho công ty của mình khi nói rằng Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đã thực hiện những nỗ lực “dẫn đầu ngành” để giảm thiểu rủi ro.
Thượng nghị sĩ Hawley gọi lời biện hộ này là “vô nghĩa” và nói với Zuckerberg rằng sản phẩm của ông ấy đang giết người.
Tại phiên điều trần, ông Hawley đưa ra ví dụ 37% người dùng Instagram từ 13-15 tuổi đã từng thấy ảnh khỏa thân trên nền tảng này; 24% người dùng Instagram từ 13-15 tuổi đã nhận được những tin nhắn khêu gợi tình dục không mong muốn; 17% người dùng Instagram từ 13-15 tuổi đã nhận được nội dung tự làm hại bản thân.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh hai trang mạng này là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng tiến hành hoạt động buôn người, phát tán hình ảnh và thực hiện một số hành vi lệch lạc nhắm vào trẻ em. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể dễ dàng khai sai độ tuổi, để đủ điều kiện tạo tài khoản trên hai nền tảng này.
Nghị sĩ hỏi Zuckerberg liệu ông có sa thải nhân viên liên quan đến vụ việc hay không, nhưng ông Zuckerberg không thể trả lời trực tiếp.
Thượng nghị sĩ cũng hỏi Zuckerberg liệu ông có sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để thành lập quỹ bồi thường cho các nạn nhân hay không. Ông Hawley cho biết, quỹ này kiếm được nhờ những nạn nhân đứng sau ông Zuckerberg.
CEO Meta lập luận rằng công việc của ông là đảm bảo Meta có các công cụ để giảm thiểu rủi ro.
Tham gia phiên điều trần cùng ông Zuckerberg còn có CEO của TikTok, Discord, Snapchat và nền tảng X (trước đây là Twitter).
Trong phiên điều trần, các thượng nghị sĩ đã chất vấn các CEO về tác hại do tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến và những nội dung có hại khác gây ra, như các bài đăng khuyến khích việc tự làm hại bản thân, tự tử và gây rối loạn ăn uống.
Năm 2017, cô gái trẻ Molly Russell tại London đã chọn tự kết liễu cuộc đời mình sau khi xem những nội dung có hại liên quan đến tự tử, tự làm hại bản thân, trầm cảm và lo lắng trên Instagram và Pinterest.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 2022, cuộc điều tra về cái chết này cho thấy Molly chết vì hành động tự làm hại bản thân trong khi mắc chứng trầm cảm và những ảnh hưởng tiêu cực của nội dung trực tuyến.
Ông Arturo Béjar, cựu kỹ sư và cố vấn cấp cao của Meta, đã thúc giục Meta thực hiện một loạt thay đổi bao gồm: Giúp người dùng gắn cờ nội dung không mong muốn dễ dàng hơn và nêu rõ lý do họ không muốn xem nội dung đó; thường xuyên khảo sát người dùng về trải nghiệm trên nền tảng Meta; và giúp người dùng gửi báo cáo về trải nghiệm trên các dịch vụ Meta dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, Meta mất hàng tháng, đến hàng năm để ra mắt những tính năng bảo vệ trẻ em mặc dù họ đã có sẵn nền tảng cho những tính năng này.
Báo Washington Post dẫn chứng việc 41 bang Mỹ đang kiện ‘gã khổng lồ’ công nghệ Meta với cáo buộc nền tảng có các tính năng “gây nghiện” trên Instagram và Facebook.
Từ khóa Facebook mạng xã hội Mark Zuckerberg Instagram