Nghiên cứu: Cơ thể con người có thể sản sinh và hấp thụ ánh sáng
- Sina McCullough
- •
Cơ thể con người không chỉ phản ứng với ánh sáng mà còn có khả năng sản sinh và hấp thụ ánh sáng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng tế bào trong cơ thể phát ra các hạt ánh sáng siêu nhỏ – gọi là biophoton – để giao tiếp và hỗ trợ quá trình tự chữa lành. Đồng thời, thông qua thực phẩm, đặc biệt là thực vật, chúng ta hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời được lưu trữ trong các liên kết hóa học. Những khám phá này đang mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới về mối liên hệ giữa ánh sáng, sức khỏe và sự sống.
Trong nhiều thập kỷ, não bộ được xem như một cỗ máy hoạt động nhờ các tín hiệu điện và chất dẫn truyền thần kinh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu não còn sử dụng cả tín hiệu ánh sáng?
Thật vậy, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng não có thể phát ra ánh sáng – một loại bức xạ cực kỳ yếu gọi là biophoton.
Nghiên cứu cho thấy biophoton, tuy vô hình với mắt thường, lại đóng vai trò trong một hệ thống truyền thông tinh vi giúp cơ thể tự chữa lành.
Điều đáng kinh ngạc là ngay lúc này, cơ thể bạn thực sự đang phát sáng, phát ra những tia sáng cực nhỏ mà các tế bào thần kinh dùng để phối hợp quá trình chữa lành và điều hòa hoạt động trong cơ thể.
“Đường cao tốc” ánh sáng trong cơ thể
Nhà vật lý sinh học tiên phong Fritz-Albert Popp đã chứng minh rằng các sinh vật sống phát ra những chùm ánh sáng nhỏ. Ông sử dụng một ống nhân quang điện – thiết bị dò ánh sáng có độ nhạy cực cao – để phát hiện loại ánh sáng này, nằm trong dải cực tím, khả kiến và một phần của dải hồng ngoại gần trong quang phổ điện từ.
Popp gọi hiện tượng bức xạ ánh sáng phi nhiệt này là “biophoton” – ánh sáng phát ra từ các sinh vật sống. Dù cực kỳ yếu, với cường độ chỉ bằng khoảng một phần nghìn so với ngưỡng nhìn thấy của mắt người, loại ánh sáng này vẫn có thể ghi lại bằng máy ảnh siêu nhạy. “Cơ thể con người thực sự phát ra ánh sáng rất nhỏ”, một tác giả viết trong bài báo khoa học năm 2009 công bố những hình ảnh ghi nhận hiện tượng này.
Ánh sáng siêu yếu hiện diện ở khắp nơi trong thế giới sống
Người ta cũng phát hiện rằng vi khuẩn, nấm, hạt giống và mô động vật đều phát ra một loại ánh sáng rất yếu, gọi là phát xạ photon cực yếu.
Sau khám phá của Popp, nhiều nhà vật lý sinh học đã đề xuất những lý thuyết mới: biophoton – các hạt ánh sáng siêu nhỏ này – có thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động của tế bào như trao đổi chất, sao chép và tái tạo. Đây là một quan điểm khác biệt, thách thức cách nhìn truyền thống vốn chỉ tập trung vào các phản ứng sinh hóa.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng một số nhà khoa học tin rằng biophoton thực sự có thể được sử dụng như một phương tiện giao tiếp giữa các tế bào.
Ví dụ, các tế bào thần kinh có thể truyền tín hiệu ánh sáng dọc theo sợi trục – phần kéo dài của tế bào thần kinh – giống như cách cáp quang truyền tín hiệu ánh sáng trong mạng internet hiện nay.
Nếu điều này nghe có vẻ khó tin, hãy xem xét một thực tế: phân tích biophoton hiện đã được ứng dụng trong nghiên cứu ung thư. Bằng cách so sánh ánh sáng phát ra từ tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, các nhà khoa học có thể phát hiện dấu hiệu bệnh. Biophoton từ các mô khỏe mạnh có xu hướng phát ra ánh sáng ổn định hơn, trong khi ánh sáng từ mô bị tổn thương hoặc bệnh tật thường biến đổi thất thường.
Tế bào thần kinh tạo ra ánh sáng như thế nào?
Hiện nay, giới khoa học vẫn đang tranh luận về cơ chế tạo ra biophoton trong cơ thể. Tuy nhiên, giả thuyết phổ biến nhất cho rằng chúng được sinh ra trong quá trình trao đổi chất – đặc biệt là trong các phản ứng liên quan đến các loại oxy phản ứng (Reactive Oxygen Species – ROS).
ROS là một nhóm các phân tử chứa oxy có tính phản ứng cao. Khi ở mức cao, chúng có thể gây tổn hại cho tế bào, nhưng ở mức phù hợp chúng lại là một phần thiết yếu của quá trình sinh học bình thường.
Khi ROS phản ứng với một số thành phần bên trong tế bào, chúng tạo ra các phân tử ở “trạng thái kích thích”. Khi các phân tử này trở về trạng thái ổn định, chúng giải phóng một lượng nhỏ ánh sáng – chính là các photon.
Ty thể – thường được gọi là “nhà máy năng lượng” của tế bào – có thể là nguồn chính phát ra những tia sáng cực nhỏ này.
Để hiểu cách ánh sáng được tạo ra, hãy tưởng tượng nguyên tử giống như một hệ mặt trời thu nhỏ: hạt nhân nằm ở trung tâm, còn các electron quay xung quanh. Khi electron hấp thụ năng lượng, nó sẽ nhảy lên quỹ đạo cao hơn. Sau đó, khi trở lại quỹ đạo thấp hơn, nó giải phóng phần năng lượng dư thừa dưới dạng ánh sáng – giống như một màn trình diễn pháo hoa tí hon bên trong nguyên tử.
Theo mô hình Bohr, hạt nhân nguyên tử mang điện tích dương được bao quanh bởi các electron mang điện tích âm, chuyển động theo các quỹ đạo năng lượng xác định. Dù mô hình này đã được điều chỉnh trong cơ học lượng tử hiện đại, nguyên lý cơ bản vẫn giữ nguyên: electron phát ra ánh sáng khi chuyển từ trạng thái kích thích về trạng thái năng lượng thấp hơn.
Các tế bào thần kinh dường như cũng sử dụng một cơ chế tương tự, và chính những tia sáng nhỏ này – gọi là biophoton – có thể được tạo ra ngay bên trong cơ thể chúng ta.
Sức mạnh chữa lành của ánh sáng
Những tín hiệu ánh sáng cực yếu này có thể đóng vai trò quan trọng trong khả năng tự chữa lành của cơ thể.
Một số nhà khoa học cho rằng, khi một tế bào bị tổn thương, nó sẽ phát ra ánh sáng như một tín hiệu báo động – tương tự tín hiệu SOS – để “cầu cứu” các tế bào khác. Hãy tưởng tượng khi bạn bị trầy xước đầu gối, cơ thể lập tức điều phối các tế bào miễn dịch và chất dinh dưỡng đến vùng bị thương để chữa lành. Các tế bào thần kinh có thể dùng tín hiệu ánh sáng như một cách để kích hoạt phản ứng phục hồi tương tự.
Một giả thuyết khác cho rằng các bước sóng ánh sáng sinh học khác nhau được cơ thể phát ra có thể kích hoạt những cơ chế chữa lành riêng biệt, hỗ trợ tế bào tự phục hồi.
Khái niệm này phù hợp với phương pháp điều biến quang sinh học – hay còn gọi là liệu pháp ánh sáng đỏ – một phương pháp trị liệu sử dụng các bước sóng ánh sáng cụ thể để thúc đẩy quá trình phục hồi trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng đỏ và gần hồng ngoại có thể tăng cường hoạt động của ty thể, giảm viêm và hỗ trợ phục hồi hệ thần kinh.
Hiện nay, các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu liệu pháp ánh sáng như một phương pháp điều trị tiềm năng cho nhiều bệnh lý như Alzheimer, Parkinson, trầm cảm, chấn thương não và đột quỵ. Nếu ánh sáng bên ngoài có thể hỗ trợ chữa lành, thì rất có thể ánh sáng do chính cơ thể tạo ra cũng mang trong mình sức mạnh phục hồi tương tự.
Mối liên hệ giữa ánh sáng và chức năng tế bào không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh, mà còn có thể liên quan đến sự khởi đầu của sự sống.
Một phát hiện đáng kinh ngạc: các nhà khoa học đã ghi lại khoảnh khắc trứng và tinh trùng gặp nhau – tại thời điểm kết hợp, một tia sáng lóe lên.
Hiện tượng này được gọi là “tia lửa kẽm”, biểu tượng cho sự khởi đầu của một sự sống mới. Tựa như các tế bào “nhận ra” nhau thông qua ánh sáng trước khi hợp nhất.
Phát hiện này gợi mở một câu hỏi sâu sắc: Liệu ánh sáng có phải là ngôn ngữ nguyên thủy nhất của cơ thể?
Chúng ta có thực sự hấp thụ ánh sáng từ thức ăn không?
Nếu biophoton (ánh sáng sinh học) là ngôn ngữ mà cơ thể sử dụng để giao tiếp, thì những lựa chọn của chúng ta – từ chế độ ăn uống, môi trường sống đến suy nghĩ và niềm tin – đều có thể ảnh hưởng đến độ rõ ràng và hiệu quả của các tín hiệu này.
Nhà vật lý Fritz-Albert Popp từng mô tả việc ăn uống là “hấp thụ ánh sáng từ thực phẩm”. Đây không chỉ là một phép ẩn dụ, mà là một quá trình sinh hóa có thật, liên quan đến việc chiết xuất và sử dụng năng lượng ánh sáng được lưu trữ trong thực phẩm.
Thực vật hấp thụ ánh sáng mặt trời thông qua quá trình quang hợp và lưu trữ nó dưới dạng liên kết hóa học. Khi chúng ta ăn thực vật, các liên kết này bị phá vỡ và tái cấu trúc trong quá trình tiêu hóa, giải phóng năng lượng giúp nuôi dưỡng cơ thể.
Tương tự như cách tế bào thần kinh phát ra ánh sáng, cơ thể con người cũng có thể trích xuất năng lượng ánh sáng từ thực phẩm, thông qua các quá trình sinh hóa mà trong đó các electron dịch chuyển giữa các mức năng lượng khác nhau, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng.
Tiến sĩ Popp còn đề xuất rằng, năng lượng chúng ta nhận được từ thực phẩm về bản chất là một dạng ánh sáng. Ý tưởng này phù hợp với phương trình nổi tiếng E = mc² của Albert Einstein – khẳng định rằng khối lượng là một dạng tập trung của năng lượng. Vì vậy, dù thực phẩm mang khối lượng vật lý, chúng thực chất là ánh sáng mặt trời được “đóng gói”.
Một số nghiên cứu cho thấy các loại thực phẩm khác nhau phát ra những đặc tính ánh sáng khác nhau. Bằng cách đo lường lượng ánh sáng này, các nhà khoa học có thể phân biệt được sự khác biệt giữa cà chua hữu cơ và cà chua trồng theo phương pháp thông thường, hay giữa trứng hữu cơ và trứng công nghiệp.
Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng đặc tính phát quang của thực phẩm có thể phản ánh độ tươi và chất lượng của chúng. Phát hiện này thách thức quan niệm truyền thống rằng “calo nào cũng như nhau” – cho thấy rằng thực phẩm không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là nguồn thông tin ánh sáng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh học.
Việc hấp thụ ánh sáng có cấu trúc và chất lượng cao từ thực phẩm có thể giúp tăng cường năng lượng sinh học trong cơ thể, cải thiện sự giao tiếp giữa các tế bào và thúc đẩy quá trình tự phục hồi.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Bác sĩ khoa học dinh dưỡng Sina McCullough là một nhà khoa học được đào tạo bài bản đồng thời là một nhà báo, cô mang đến những thông tin xác thực về thực phẩm và sức khỏe. Mang đến góc nhìn sâu sắc một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc và tự do.
Nội dung của bài viết này mang tính chất giáo dục và phản ánh quan điểm của cô, không được xem là lời khuyên y tế. Bài viết không thay thế cho ý kiến chuyên môn từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào liên quan đến chế độ ăn uống, thuốc men hoặc lối sống. Việc sử dụng thông tin này hoàn toàn do người đọc tự quyết định và chịu trách nhiệm.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Epoch Times
Từ khóa cơ thể người sản sinh hấp thụ ánh sáng
