Gã khổng lồ dược phẩm Pfizer xác nhận với nhiều phương tiện truyền thông rằng họ đã phát hiện ra loại vắc-xin COVID-19 giả ở Mexico và Ba Lan.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: lakshmiprasada S/Shutterstock)

Một phát ngôn viên cho biết trên tờ The Wall Street Journal (WSJ) rằng loại vắc-xin Pfizer/BioNTech giả tại Mexico có nội dung sai lệch ở phần nhãn, trong khi một chất bên trong các lọ vắc-xin ở Ba Lan có thể điều trị chống nếp nhăn.

Các cuộc kiểm tra đã xác nhận rằng liều lượng vắc-xin được xác định ở cả 2 quốc gia đều là giả.

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho biết trên tờ ABC News rằng các quan chức thuộc bộ phận Tấn công Máy tính Quốc tế và Sở hữu Trí tuệ của DOJ ở khu vực Mỹ Latinh và Đông Âu đã biết về loại vắc-xin Pfizer giả ở Mexico và Ba Lan, đồng thời cho hay thêm rằng họ “đang tìm cách phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương và Pfizer, khi cần thiết”.

Báo cáo của WSJ trích dẫn phát biểu của các quan chức Mexico, trong đó nói rằng có 80 người tại một phòng khám ở Mexico đã bị tiêm một loại vắc-xin giả, còn các quan chức Ba Lan nói rằng không có ai bị tiêm loại vắc-xin giả ở quốc gia này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielski đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các báo cáo về vắc-xin giả ở Ba Lan và Mexico, trong một cuộc họp báo diễn ra ở Warsaw vào hôm 21/4 vừa qua. Các phóng viên đã hỏi liệu rằng loại vắc-xin giả có thể đã bị “tuồn” vào trong nguồn phân phối chính thức hay không.

Niedzielski cho biết: “Rủi ro hàng giả lọt vào nguồn phân phối chính thức của chúng tôi là điều không tồn tại trên thực tế”. Ông nói thêm: “Tất cả các sản phẩm đã được chứng nhận đều được bán tại những cơ sở quản lý vắc-xin và toàn bộ chuỗi hậu cần được thiết kế nhằm đảm bảo tính an toàn và ngăn chặn việc phân phối chính thức bất kỳ loại vắc-xin giả nào”.

Hãng tin Polsat News của Ba Lan đưa tin rằng các phóng viên của họ đã mua một loại vắc-xin Pfizer giả trong một vụ lừa đảo diễn ra vào tháng 1/2021, và người đàn ông bán lọ vắc-xin này đã bị cảnh sát bắt giữ sau đó.

Người đứng đầu bộ phận an ninh toàn cầu của Pfizer Lev Kubiak nói với WSJ rằng nhu cầu sử dụng vắc-xin trên toàn cầu và sự thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân dẫn đến vụ lừa đảo.

“Chúng tôi có nguồn cung rất hạn chế, nguồn cung này sẽ tăng lên khi chúng tôi phát triển mạnh hơn, cùng với việc các công ty khác tham gia vào thị trường vắc-xin. Thời gian chuyển tiếp này sẽ tạo ra một cơ hội hoàn hảo cho bọn tội phạm,” ông cho biết trên các hãng tin.

Sự việc này diễn ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo vào hồi tháng 3/2021 vừa qua về vắc-xin Pfizer “bị làm giả” được phát hiện ở Mexico, đồng thời cảnh báo rằng vắc-xin này “vẫn có thể được lưu hành trong khu vực”. Theo WHO, vắc-xin giả đã được cung cấp và tiêm cho bệnh nhân bên ngoài các chương trình tiêm chủng được cấp phép.

Tờ The Epoch Times đã liên hệ với Pfizer để bình luận về vấn đề vắc-xin giả, nhưng không nhận được phản hồi.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: