Trong mẫu nham thạch cổ đại ở Nam Phi, các nhà khoa học đã phát hiện loại vi sinh vật có thể có nguồn gốc từ 2 tỷ năm trước. Nếu đúng thì đây là mẫu vi sinh vật còn sống lâu đời nhất được phát hiện cho đến nay, giúp hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa ban đầu của sự sống.

Nam Phi
Ảnh khu Bushveld ở Nam Phi. (Ảnh: kevinzim / Kevin Walsh, Wikimedia Commons)

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tokyo ở Nhật Bản lưu ý trong một thông cáo báo chí rằng họ đã phát hiện loại vi sinh vật trong các vết rạn phong kín của tảng đá 2 tỷ năm tuổi.

Tảng đá được khai quật từ Khu phức hợp đá núi lửa Bushveld (Bushveld Igneous Complex) ở Nam Phi.

Khu phức hợp đá núi lửa Bushveld nằm ở phía đông bắc Nam Phi, được hình thành khi lớp magma (đá nóng chảy) nguội dần. Khu vực này có diện tích lên tới 66.000 km2 (tương đương diện tích Ireland) và được biết đến với trữ lượng khoáng sản phong phú, bạch kim thu được ở đây chiếm khoảng 70% khối lượng khai thác của thế giới.

Do cách hình thành Khu phức hợp đá núi lửa Bushveld khiến khu này hiếm khi bị biến dạng hoặc thay đổi, vì thế giới khoa học có quan điểm cho rằng khu đã cung cấp môi trường sống ổn định cho đến ngày nay giúp cho sinh tồn của vi sinh vật từ thời cổ đại.

Với tài trợ của Chương trình khoan khoa học lục địa quốc tế (International Continental Scientific Drilling Program), nhóm nghiên cứu đã khoan độ sâu khoảng 15 mét dưới lòng đất của Khu liên hợp lửa Bushveld và lấy được mẫu lõi khoan dài 30 cm.

Các nhà nghiên cứu cắt mẫu thành những lát mỏng và phân tích, phát hiện có những tế bào vi sinh vật sống bám chặt vào các vết nứt đá. Các khoảng trống xung quanh vết nứt bị đất sét chặn lại nên vi sinh vật bị cách ly với môi trường bên ngoài.

Nghiên cứu cho biết, đối với phát hiện vi sinh vật sống từ cổ đại được tìm thấy trong đá thì cho đến nay đây là trường hợp lâu đời nhất. Nghiên cứu các vi sinh vật này có thể giúp hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa ban đầu của sự sống, cũng có thể dùng phương pháp này tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất trong các mẫu đá có độ tuổi tương tự được mang về từ Sao Hỏa.

Tác giả chính của nghiên cứu là nhà địa vi sinh học Yohey Suzuki tại Đại học Tokyo cho biết: “Chúng tôi không biết liệu những tảng đá từ 2 tỷ năm trước có thể thích hợp [vi sinh vật] sinh sống được hay không. Cho đến nay, lớp địa chất lâu đời nhất tìm thấy vi sinh vật sống là lớp trầm tích 100 triệu năm tuổi dưới đáy biển, vì vậy đây là một khám phá rất thú vị”.

Ông nói: “Bằng cách nghiên cứu DNA và bộ gen của những vi sinh vật như vậy, chúng ta có thể hiểu được tiến hóa của sự sống sơ khai trên Trái đất”.

Ông cho hay ông rất quan tâm đến tồn tại của các vi sinh vật dưới lòng đất, không chỉ trên Trái đất mà cả vi sinh vật có thể được tìm thấy trên các hành tinh khác. Xe thám hiểm Perseverance của NASA đang lên kế hoạch mang về một số mẫu từ Sao Hỏa có niên đại tương tự như những tảng đá mà nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu.

Ông chia sẻ: “Việc phát hiện sự sống vi sinh vật từ 2 tỷ năm trước trong các mẫu trên Trái đất khiến tôi vô cùng phấn khích về những khám phá trong tương lai có thể thực hiện ở các mẫu sao Hỏa”.

Kết quả nghiên cứu trên đã được công bố vào ngày 2/10 trên tạp chí Microbial Ecology (Sinh thái Vi sinh vật).