Sáng ngày 29/9, sao chổi C/2023 A3 Tsuchinshan (Núi Tử Kim)-Atlas được nhìn thấy trên bầu trời thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Theo trang earth.com, sao chổi C/2023 A3 có quỹ đạo quanh Mặt trời hơn 80.000 năm này cũng xuất hiện tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cũng có thông tin cho rằng ngôi sao chổi này có quỹ đạo chỉ 60.000 năm.

sao choi
Sáng sớm ngày 1/10 và 2/10, một sao chổi “60.000 năm mới gặp một lần” xuất hiện trên bầu trời Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video)

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chiều 29/9 anh Hoàng Đức Ngọc (ở TP Quy Nhơn), một người yêu thích thiên văn và thích tìm hiểu về lĩnh vực này, cho biết theo thông tin từ các nhà khoa học thiên văn, sao chổi này có nguồn gốc từ đám mây Oort trong Hệ Mặt trời. Mọi người có thể nhìn thấy sao chổi ở ngay phía trên đường chân trời hướng đông đông nam trong chòm sao Kính Lục Phân, khoảng 30-45 phút trước khi Mặt trời mọc đến ngày 2/10.

Tuy nhiên cần có ống nhòm để tiện quan sát, vì độ sáng biểu kiến của nó chỉ cỡ 3,5. Khác với sao băng xuất hiện trong nháy mắt, sao chổi di chuyển rất chậm trên bầu trời, nên thời gian ngắm sao chổi sẽ kéo dài hơn.

Ngày 2/10, CCTV cũng đưa tin “Tuệ tinh 60.000 năm mới gặp một lần xuất hiện trên bầu trời Bắc Kinh”. Tin tức này lập tức trở thành chủ đề tìm kiếm nóng, không ít cư dân mạng nói thẳng rằng đó chính là “sao chổi”.

Theo CCTV và các kênh truyền thông Đại Lục khác, ngày 2/10, tại Bắc Kinh, tuệ tinh (Sao chổi) C/2023 A3 (Núi Tử Kim-Atlas), một ‘du khách’ ngoài Trái đất 60.000 năm mới xuất hiện một lần, đã mọc lên từ khu phức hợp Trung tâm Thương mại Quốc tế Bắc Kinh, chiếu sáng khiến bầu trời tràn ngập ánh hừng đông. Được biết, tuệ tinh này vẫn có thể được quan sát từ ngày 10/10 đến ngày 12/10.

sao choi 2
“Sao chổi 60.000 năm mới xuất hiện một lần chiếu sáng trên bầu trời Bắc Kinh.” (Ảnh chụp màn hình MXH)

Theo thông tin Wikipedia, tuệ tinh thường được gọi là sao chổi, là những thiên thể nhỏ trong hệ mặt trời được tạo thành từ băng. Do hình dạng đặc biệt của sao chổi, và thực tế là chỉ thi thoảng mới được nhìn thấy chúng, nên người xưa coi chúng là “điềm báo từ Thiên thượng”.

Nội dung bài đăng trên X: “Điềm xấu? ‘Sao chổi’ quét ngang qua Bắc Kinh vào ngày 1/10! Sáng sớm ngày 1/10 đến ngày 2/10, sao chổi ‘Núi Tử Kim-Atlas’, 60.000 năm mới xuất hiện một lần, đã bay ngang qua bầu trời Bắc Kinh.

Mọi người gọi tuệ tinh là ‘sao chổi’. Việc nhìn thấy chúng có thể dẫn đến chiến tranh hoặc thiên tai. Thông tin công khai: Sao chổi ‘Núi Tử Kim-Atlas’ được Đài quan sát Núi Tử Kim của Viện Khoa học Trung Quốc phát hiện vào năm 2023. Chu kỳ quỹ đạo của nó dài 60.000 năm.”

Ông Tiền Chung Thư (Qian Zhongshu), một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, từng nói: “Người xưa dùng sự thay đổi của thiên tượng để khuyên răn hoàng đế”“coi sao chổi là ‘lời giáo huấn của Thiên thượng’ và Huỳnh Hoặc (sao hỏa) là ‘sự trừng phạt của Thiên thượng’”.

Người châu Âu còn coi sự xuất hiện của sao chổi là dấu hiệu đến từ Chúa. Trong văn hóa đại chúng, sao chổi thường được mô tả là “điềm báo về ngày tận thế và những thay đổi của thế giới”.

Quan điểm này cũng bắt nguồn từ quan điểm truyền thống của phương Tây. Điều đáng chú ý là sao chổi xuất hiện thường được gắn với sự ra đời và cái chết của những người nổi tiếng. Mark Twain từng dự đoán rằng ông sẽ chết khi sao chổi quay trở lại vào năm 1910, và dự đoán của ông đã trở thành sự thật.

Một bài viết trên Diễn đàn Ganjing World giải thích rằng tuệ tinh còn được gọi là sao chổi. Người xưa cho rằng sao chổi là do sự tích tụ năng lượng bất lợi giữa trời và đất, “là đến để cuốn đi hết thảy cái ác và sự ô uế tại thế gian.” Tuy nhiên, nếu bậc quân vương có đạo, thiên hạ có đức, thì dẫu sao chổi xuất hiện cũng sẽ không mang đến tai họa, thế giới vẫn sẽ yên bình.

Bình Minh (t/h)