Một công ty khởi nghiệp (start-up) về phần mềm, có tên là “The New Internet”, đã tung ra một trình duyệt mới, cung cấp một số giải pháp về quyền riêng tư, không có kiểm duyệt và không có hồ sơ giả mạo, trong một nỗ lực chống lại sự kiểm duyệt, tin tức giả mạo, xâm phạm quyền riêng tư và sự ngăn cản của những tiếng nói bảo thủ đến từ Big Tech.

Internet
(Ảnh minh họa: Ascannio/Shutterstock)

Cô Elizabeth Heng, Giám đốc điều hành của The New Internet, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên tờ The Epoch Times rằng, The New Internet cho phép mọi người bình luận về bất kỳ trang web nào mà không bị kiểm duyệt hoặc cấm sử dụng nền tảng.

Nếu tài khoản của ai đó bị kiểm duyệt hoặc bị cấm trên nền tảng mạng xã hội, mọi người có thể xem trang bị cấm trên The New Internet, viết nhận xét trên đầu trang và chia sẻ ý kiến của họ về trang đó, cô Heng giải thích. Mọi người dùng nền tảng The New Internet đều có thể đăng các bài nhận xét trên bất kỳ trang nào ngay cả khi họ không đồng ý với nội dung đó, cô nói thêm.

Tuy nhiên, Twitter coi The New Internet là một trình duyệt không được hỗ trợ và không hiển thị bất kỳ bài đăng nào trên The New Internet – thay vào đó nó sẽ hiển thị thông báo lỗi. Các nền tảng truyền thông xã hội khác và nhiều trang web hỗ trợ cho trình duyệt mới này.

Startup ra mat trinh duyet moi nham thuc day tu do ngon luan 1
Twitter hiển thị thông báo lỗi khi được sử dụng trên trình duyệt của The New Internet vào ngày 4/2/2021. (Ảnh: The Epoch Times)

The New Internet và Twitter đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Theo cô Heng, trình duyệt sẽ tiến hành xác minh người dùng để đảm bảo rằng những người viết bình luận là “người thật,” không chỉ là bot (chương trình do máy tính điều khiển mô phỏng lại các hành động của con người) và những trò đùa mà chúng ta đang thấy trên mạng Internet cũ.

Mặt tốt của việc xác minh người dùng là “mọi người không thể che giấu các loại hồ sơ giả mạo nữa… [và sẽ] sẵn sàng hơn hoặc cởi mở hơn để có những suy nghĩ chính trị khác nhau và nói chuyện một cách văn minh,” cô cho biết thêm.

The New Internet không kiểm duyệt lượt xem – bất kỳ người nào cũng có thể bình luận về bất kỳ bài báo hoặc trang web nào bất kể họ đồng ý hay không đồng ý với nội dung đó, vì vậy mọi lập luận về bất kỳ chủ đề nào đều có thể được đăng, cô cho hay.

Cha mẹ của Heng đến Mỹ với tư cách là những người tị nạn hợp pháp từ Campuchia khi đất nước này bị cai trị bởi một chế độ cộng sản tàn bạo của Khmer Đỏ, chế độ chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 2 triệu người.

Heng cho biết cha mẹ cô đã đón nhận những cơ hội mà nước Mỹ cho phép họ và nhờ làm việc chăm chỉ, họ có thể gửi Heng đến Đại học Stanford, nơi cô tốt nghiệp, và Đại học Yale, nơi cô lấy bằng MBA.

Bản thân họ cũng không thể nhận được một nền giáo dục chính quy ở Campuchia do trường trung học của họ trở thành trại tập trung lớn nhất cả nước trong chiến dịch giết người hàng loạt có tên là “cánh đồng chết (killing fields),” cô nói. Những ngôi mộ tập thể nằm trên các cánh đồng chết chóc, nơi người ta bị hành quyết hàng loạt và được chôn cất trong thời kỳ Khmer Đỏ.

Cha mẹ của Heng “nhận ra cơ hội dành cho họ khi được chọn đến Mỹ để tị nạn” và làm việc thực sự chăm chỉ để cung cấp cho Heng và các anh em trai của cô những thứ mà họ chưa từng có, Heng nói.

“Họ đã truyền dẫn cảm hứng cho tôi rằng nhờ làm việc chăm chỉ và quyết tâm, bạn thực sự có thể hoàn thành bất cứ điều gì bạn đặt ra và vì vậy đó là những giá trị mà tôi luôn bám lấy.”

Điều này cũng truyền cảm hứng cho cô ấy làm việc để bảo vệ và duy trì những cơ hội mà nước Mỹ mang lại cho các cá nhân khác và thế hệ tương lai sau này.

Năm 2018, Heng tranh cử vào Quốc hội và chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện gia đình cô đến Mỹ và trải nghiệm giấc mơ Mỹ như một phần trong chiến dịch quảng cáo của cô.

“Vì bất cứ lý do gì, Facebook và Twitter không thích thông điệp đó và ngăn tôi quảng cáo và nói về điều này trên nền tảng của họ,” Heng cho biết. Chiến dịch của cô ấy đã chiến đấu trở lại và sau vài tuần, cả 2 nền tảng đều nhượng bộ, một lần nữa cho phép cô quảng cáo và nói về chủ đề này.

“Tôi may mắn là vào thời điểm đó tôi đã có một nền tảng – tôi tranh cử vào Quốc hội – vì vậy tôi có thể nhận được sự chú ý và xuất hiện trong các bản tin của quốc gia,” Heng cho hay.

“Nhưng điều đáng quan tâm là, còn những người khác không tranh cử và không có nền tảng đó thì sao?” cô nói thêm. “Họ không thể tạo ra một hãng tin lớn. Có bao nhiêu tiếng nói trong số đó đã bị câm lặng hàng ngày?” 

Việc Big Tech có thể dễ dàng khiến mọi người im lặng đã khiến cô Heng tạo ra The New Internet.

“Tu chính án thứ nhất là điều tối quan trọng đối với một xã hội tự do,” cô Heng nói.

“Hãy luôn nói lên tiếng nói của bạn, đừng ngại ngùng về điều đó và hãy là chính mình. Bởi vì đó là một trong những điều cơ bản đã được trao cho chúng tôi với tư cách là người Mỹ.”

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: