Tảng thiên thạch tuyệt đẹp Fukang từ đâu tới?
Tảng thiên thạch Fukang được phát hiện ra ở sa mạc Gobi, Trung Quốc. Nó thuộc về loại thiên thạch sắt-xen-đá có tên Pallasite, đặc trưng với các mảnh nhỏ tinh thể olivin xem chằng chịt giữa một ma trận sắt-niken. Theo một nguồn tin, những mảnh cắt của thiên thạch này khi được chiếu sáng từ đằng sau, “giống hệt các cửa sổ kính màu thời xa xưa.”
Thiên thạch Fukang được phát hiện như thế nào?
Thiên thạch Fukang được tìm thấy ở gần thành phố Phụ Khang, thuộc khu tự trị Tân Cương nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Một người đi bộ đã phát hiện ra tảng đá vào năm 2000. Người ta nói rằng ông thường ngồi trên một tảng đá lớn để ăn trưa. Ông tò mò về loại đá này, dường như có chứa kim loại và tinh thể bên trong. Vì thế vào năm 2000, ông đã đập một ít đá và gửi tới Hoa Kỳ để xét nghiệm. Kết quả báo về khẳng định mẫu đá thuộc về một thiên thạch.
Vào tháng 2/2005, mẫu vật này được trưng bày tại Triển lãm đá quý và khoáng thạch Tucson và thu hút sự chú ý của giáo sư ngành hóa học vũ trụ và khoa học hành tinh của đại học Arizona – ông D. S. Lauretta. Sau đó, cả tảng thiên thạch Fukang còn lại (nặng tổng cộng 983 kg) đã được chuyển đến đại học Arizona để nghiên cứu.
Thiên thạch Fukang là một loại sắt-xen-đá có tên Pallasite. Thành phần chính là sắt thiên thạch và silic với tỷ lệ gần bằng nhau. Pallasite có đặc trưng là một ma trận sắt thiên thạch bao quanh silic, chủ yếu là olivin (một loại tinh thể có màu vàng cho đến xanh lục hơi ngả vàng). Trùng hợp thay, loại thiên thạch này được đặt tên theo ông Simon Peter Pallas, một bác sĩ và nhà tự nhiên học đã có công ghi nhận loại Pallasite Krasnojarsk ở Nga năm 1772.
Nguồn gốc bí ẩn của thiên thạch Fukang
Nguồn gốc chính xác của tảng thiên thạch Fukang cũng như những loại Pallasite khác vẫn chưa được khám phá đầy đủ. Dù sao đi nữa, người ta suy đoán rằng chúng đến từ một tiểu hành tinh dị biệt đã tan chảy phần lõi kim loại và xen lẫn với vành đai olivin ở xung quanh nó. Thiên thạch Fukang được cho là hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước – cùng lúc với hệ Mặt Trời của chúng ta.
Một điểm đáng chú ý là loại Pallasite của Fukang là thứ thiên thạch cực kỳ hiếm. Bởi vì đa phần các loại Pallasite sẽ không chịu nổi ma sát và bốc cháy khi rơi vào khí quyển Trái Đất, do đó tỷ lệ Pallasite trong các loại thiên thạch chỉ chiếm chưa tới 1%. Vì thế, Fukang được đánh giá là một trong những phát kiến thiên thạch lớn nhất của thế kỷ 21.
>> Thời nhà Nguyễn thế kỷ 19: Lãnh thổ Việt Nam rộng lớn gấp 1,7 lần hiện nay
Vẻ đẹp vô song của thiên thạch Fukang
Ngoài việc hiếm, tảng thiên thạch này còn là một vật thể tuyệt đẹp để chiêm ngưỡng. Khi ánh sáng được chiếu vào, nó sẽ xuyên qua các tinh thể olivin, tạo ra ánh sáng lấp lánh quyến rũ.
Cũng bởi vì vẻ đẹp đó, nhiều nhà sưu tập khắp thế giới đều săn tìm các mảnh của tảng thiên thạch này. Mảnh lớn nhất nặng 419,5kg hiện đang nằm trong tay một nhà sưu tập hay một nhóm không rõ danh tính. Năm 2008, người ta đã thử mang bán đấu giá mảnh thiên thạch này tại Bonham ở New York với mức giá 2 triệu USD. Tuy nhiên không ai trả giá mua cả. Các mảnh nhỏ hơn đã được bán tại các buổi đấu giá khác và rải rác khắp thế giới. Ví dụ, phòng thí nghiệm Thiên thạch Tây Nam của ĐH Arizona hiện đang giữ 31 kg của tảng thiên thạch này trong kho của họ.
Từ khóa vũ trụ thiên thạch bí ẩn Tân Cương