Telegram, phần mềm liên lạc nổi tiếng với 800 triệu người dùng đang hoạt động, gây lo ngại khi hợp tác với Tencent – ‘gã khổng lồ’ Internet Trung Quốc. Những người trong ngành cảnh báo vấn đề hợp tác này có thể gây nhiều rủi ro bảo mật thông tin đối với người dùng.

shutterstock 1388759369
Telegram – ứng dụng nhắn tin tức thời trên điện thoại thông minh. (Ảnh minh họa: BigTunaOnline/ Shutterstock)

Theo tin tức của Tencent hôm 27/9, Telegram liên kết với TON Fund đang hợp tác với Tencent. Các nhà phát triển của Tencent sẽ tham gia xây dựng ứng dụng trên Telegram, dự kiến ​​sẽ biến Telegram thành một “nền tảng sinh thái siêu ứng dụng” tương tự như WeChat, cho phép các nhà phát triển và thương mại bên thứ ba phát triển các chương trình nhỏ từ trò chơi đến nhà hàng để tương tác với người dùng. Các nhà phát triển có thể sử dụng JavaScript để tạo các giao diện linh hoạt có thể khởi chạy bên trong Telegram hoặc thay thế hoàn toàn bất kỳ trang web nào.

Telegram trong tiếng Trung gọi là “điện báo”, nhiều người Trung Quốc để tránh kiểm duyệt Internet đã vượt tường lửa để dùng Telegram liên lạc nước ngoài.

Sau tin tức Telegram hợp tác với Tencent, có làn sóng dư luận lo ngại cơ chế kiểm duyệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ gây nhiều rủi ro khác nhau cho người dùng.

Nói với Epoch Times hôm 30/9, một người trong ngành công nghệ thông tin là He Jiawei cho hay, khi Tencent hợp tác với Telegram, người dùng phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi và tin tặc có thể xâm nhập máy tính và điện thoại di động thông qua các cửa hậu được giám sát và đánh cắp dữ liệu cá nhân riêng tư của người dùng.

Ông giải thích: “Vì Tencent bị chính quyền ĐCSTQ kiểm soát nên cơ sở dữ liệu lớn của họ khó tránh bị xâm phạm. ĐCSTQ có thể sử dụng dữ liệu lớn để kiểm soát những người mà họ muốn kiểm soát”; “Không phải WeChat của Tencent đã bị kiểm soát hoàn toàn sao? Nếu bạn sử dụng WeChat, cảnh sát mạng và thậm chí cả tin tặc có thể xâm nhập tài khoản của bạn bất cứ lúc nào, thay đổi thông tin của bạn hoặc sử dụng tài khoản của bạn để làm những việc khác, tất cả thông tin của bạn đều nằm trong phạm vi kiểm soát của họ vì vấn đề cửa hậu”.

“Giám sát mạng của ĐCSTQ làm việc trong tòa nhà trụ sở của Tencent”

Ông Wang Ang (hóa danh) – người trong ngành truyền thông tại Trung Quốc nói với Epoch Times rằng nếu Telegram hợp tác với Tencent chắc chắn sẽ trở thành một phần mềm giống như WeChat. Ông nói: “Tencent từ lâu đã đóng vai trò quan trọng để ĐCSTQ bảo vệ quyền lực. Tòa nhà văn phòng trụ sở chính của Tencent có nhiều tầng, trên các tầng cao nhất có bộ phận an ninh quốc gia của ĐCSTQ, bộ phận giám sát Internet, công an, và bộ phận tình báo quân sự. Họ sử dụng WeChat để theo dõi các nhà dân chủ, luật sư nhân quyền, những người khởi kiện và các nhóm khác mà họ cho là không an toàn cho chế độ, hàng ngày họ có thể đọc tin nhắn WeChat của những người họ chú ý”.

Ông Wang Ang lưu ý, “Tencent từ lâu đã bị hệ thống của ĐCSTQ kiểm soát và trở thành công cụ cai trị của nhà cầm quyền. Khi bạn sử dụng WeChat, tài khoản và nhóm của bạn có thể bị chặn bất cứ lúc nào, đồng thời nhà chức trách cũng có thể đọc tất cả dữ liệu của bạn: từng câu bạn nói với ai, những thông tin chuyển tiếp của bạn…”.

Tencent được thành lập vào năm 1998, vào năm 2003 công ty này phải thành lập chi bộ Đảng của ĐCSTQ, tính đến năm 2020 thì Tencent đã có 275 chi bộ Đảng. Tencent luôn hợp tác chặt chẽ hỗ trợ ĐCSTQ giám sát người dùng, do dó một số lượng lớn người vì sử dụng WeChat đã bị bắt và bị kết án.

“ĐCSTQ có thể sửa đổi Telegram mà không cần bất kỳ thủ tục nào”

Hôm 30/9, ông Jin Chun từng là kỹ sư phần mềm của công ty Huawei Trung Quốc nói với Epoch Times: “Khi Telegram hợp tác với Tencent, nhiều thông tin tài chính, số thẻ tín dụng, mật khẩu ngân hàng và các thông tin khác của người dùng có thể không còn được an toàn bảo mật…”.

Ông lưu ý Telegram hiện nay và Telegram ban đầu đã rất khác: “Cần biết bản thân Telegram là nguồn mở, ĐCSTQ có thể sử dụng nó trực tiếp và sửa đổi mà người sáng lập và nhà phát triển ban đầu của Telegram không hề hay biết, sau đó phát hành Telegram cho mọi người sử dụng”.

Tổ chức nhân quyền “Nhân quyền Trung Quốc” (Human Rights in China) cũng cảnh báo rằng sự hợp tác này có thể cho phép Telegram và các nhà phát triển bên thứ ba thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng.

Trong những năm gần đây, nhiều người chống ĐCSTQ, các nhà hoạt động nhân quyền, người khiếu kiện và người ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã thành lập các nhóm trên Telegram để liên lạc, nhiều người đã chuyển các bài viết và video bị cấm ở Trung Quốc sang Telegram để lưu trữ. Trước khi vấn đề hợp tác này được công bố thì một số lượng lớn tài khoản người dùng Telegram đã bị đánh cắp, các bài đăng chống ĐCSTQ bị kiểm duyệt và các nhóm bị tấn công.

Ông Jin Chun chia sẻ: “Vấn đề đánh cắp tài khoản chắc chắn là hành động có tổ chức, nhưng nó không liên quan đến mã nguồn và cấp độ phần mềm, chỉ ở cấp độ trò chuyện. Sau khi Telegram hợp tác với Tencent, thì ĐCSTQ đã có thể thực hiện các hoạt động lừa đảo sâu hơn ở cấp độ của phần mềm”.

Nhiều người dùng Telegram không hiểu tại sao Telegram lại liên kết với nhà cầm quyền tàn bạo ĐCSTQ. Vấn đề này, ông Jin Chun nói, “Đây là chiến lược của ĐCSTQ, cũng giống như chiến lược mà họ sử dụng để đối phó với các mạng xã hội nước ngoài khác”.

Còn ông He Jiawei cho rằng, “Hợp tác của Telegram với Tencent có lẽ liên quan đến sự thâm nhập liên tục của nguồn vốn Trung Quốc vào các công ty công nghệ ở các nước phương Tây. Nghĩa là, nguồn vốn Trung Quốc từ từ thâm nhập và cuối cùng chiếm lấy toàn bộ cổ phần và kiểm soát toàn bộ công ty. Nếu cổ đông kiểm soát của Telegram là Tencent thì ban quản trị của Telegram không thể làm gì được, vì bên cổ phần mạnh hơn sẽ có quyền khống chế”.

Ông He Jiawei cho biết thêm: “Một số tổ chức tin tức ở nhiều nước bị ĐCSTQ từ từ xâm nhập thông qua đầu tư tài chính, ban đầu cung cấp tiền hỗ trợ rồi từ từ chiếm hết cổ phần, cuối cùng họ hoàn toàn bị nguồn vốn Trung Quốc quản lý – đây là một phần của cuộc chiến thông tin để ĐCSTQ gây ảnh hưởng đối với thế giới”.