Tìm thấy trong mộ cổ, kiếm Câu Tiễn vẫn sắc bén sau hơn 2500 năm
Hơn 50 năm trước, một thanh bảo kiếm kỳ lạ đã được tìm thấy trong mộ cổ ở Trung Quốc. Mặc dù đã hơn 2.000 năm tuổi, nhưng thanh kiếm Câu Tiễn không hề biểu lộ dấu hiệu hoen gỉ.
Thanh kiếm đã làm ngón tay của một nhà khảo cổ học chảy máu khi ông chạm vào phần lưỡi kiếm, vốn dường như không hề bị tác động bởi thời gian. Bên cạnh đặc tính kỳ lạ này, kỹ thuật đúc kiếm cũng rất tinh xảo đối với một thanh kiếm đã được rèn từ một thời kỳ xa xưa như vậy trong lịch sử. Được xem như một quốc bảo của Trung Quốc ngày nay, ý nghĩa của thanh kiếm này với người dân Trung Quốc có thể được sánh ngang với thanh kiếm Excalibur của vua Arthur ở phương Tây.
Năm 1965, khi các nhà khảo cổ học tiến hành một cuộc khảo sát ở tỉnh Hồ Bắc, chỉ 7 km từ khu tàn tích thành cổ Tế Nam, kinh đô xưa của nhà Chu, họ đã phát hiện được 50 ngôi mộ cổ. Trong quá trình khai quật ngôi mộ, các nhà nghiên cứu đã thu thập được thanh kiếm Câu Tiễn cùng với 2.000 hiện vật khác.
Khai quật kiếm Câu Tiễn
Theo trưởng nhóm khảo cổ phụ trách khai quật, thanh kiếm này đã được phát hiện trong một ngôi mộ, nó nằm bên cạnh một bộ xương, bên trong một hộp gỗ gần như kín khí. Nhóm nghiên cứu đã rất kinh ngạc khi lôi ra khỏi chiếc hộp một thanh kiếm bằng đồng với bao kiếm được bảo quản hoàn hảo. Khi thanh kiếm được rút khỏi vỏ, người ta thấy lưỡi kiếm không hề bị gỉ dù đã bị chôn trong một môi trường ẩm ướt suốt 2 thiên niên kỷ. Một thí nghiệm được các nhà khảo cổ học tiến hành cho thấy lưỡi kiếm có thể dễ dàng cắt xuyên qua một chồng gồm hai mươi mảnh giấy.
Những thanh kiếm Tàu
Kiếm Câu Tiễn là một trong những thanh kiếm Tàu (Jian) sớm nhất được biết đến. Đây là một loại kiếm thẳng hai lưỡi được sử dụng trong 2.500 năm qua ở Trung Quốc. Kiếm hai lưỡi là một trong những loại kiếm sớm nhất tại Trung Quốc và có mối liên hệ chặt chẽ với thần thoại Trung Hoa. Trong truyện dân gian Trung Quốc, nó được gọi là “Vương giả trong các loại binh khí” và được coi là một trong bốn loại binh khí chủ yếu, bên cạnh côn, thương, và đao.
Có chiều dài tương đối ngắn hơn so với các thanh kiếm tương tự trong lịch sử, kiếm Câu Tiễn là một thanh kiếm đồng với hàm lượng đồng cao, giúp gia tăng độ bền dẻo và do đó khó gãy hơn. Lưỡi kiếm được làm bằng thiếc, làm cho kiếm cứng hơn cũng như duy trì được độ sắc bén.
Ngoài ra trong thành phần thanh kiếm còn có một lượng nhỏ chất sắt, chì và lưu huỳnh, và nghiên cứu đã cho thấy có một lượng lớn lưu huỳnh và Đồng (II) sunfua (CuS), tạo cho thanh kiếm khả năng chống gỉ. Hình thoi đen được ráp hai bên mặt lưỡi kiếm, men màu xanh lam và ngọc lam được gắn vào cán kiếm. Chỗ tay cầm của chuôi kiếm được bọc trong lụa và núm chuôi kiếm cấu thành từ 11 vòng tròn đồng tâm. Thanh kiếm có chiều dài 55,7 cm, bao gồm cán kiếm dài 8,4 cm, và lưỡi kiếm rộng 4,6 cm. Thanh kiếm nặng 875 gram.
Giải mã nội dung chữ khắc
Một bên mặt kiếm có hai cột chữ rõ ràng gồm tám ký tự, nằm gần cán kiếm, được viết bằng chữ Hán cổ. Loại ký tự này gọi là “鸟虫文” (nghĩa là “điểu trùng văn”), có đặc điểm nổi bật là các nét trang trí phức tạp trên các nét chính, và là một dạng biến thể của chữ triện – một loại chữ rất khó đọc. Các phân tích ban đầu đã giải mã được sáu trong tám ký tự, bao gồm “越王” (Việt Vương – vua nước Việt) và “自作用剑” (tự tác dụng kiếm – tự chế tác kiếm để dùng). Hai chữ còn lại có khả năng là tên nhà vua.
Từ khi vương triều được sáng lập vào năm 510 TCN cho đến khi sụp đổ dưới bàn tay của nhà Chu vào năm 334 TCN, có chín vị vua trị vì nước Việt, trong đó có Câu Tiễn, Lộc Dĩnh, Bất Thọ, Chu Câu. Câu hỏi về danh tính vị vua sở hữu thanh kiếm này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong giới khảo cổ học và các học giả nghiên cứu Trung ngữ. Sau hơn hai tháng, các chuyên gia đi đến một sự đồng thuận rằng người chủ sở hữu ban đầu của thanh kiếm này là Câu Tiễn (496-465 TCN), tức là thanh kiếm này có niên đại khoảng 2.500 năm.
Câu Tiễn là một vị vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, người đã trị vì nước Việt trong thời Xuân Thu (771-476 TCN). Đây là một thời kỳ đánh dấu bởi sự hỗn loạn trong triều đại nhà Chu và đã được lấy tên từ Kinh Xuân Thu, vốn là một bộ biên niên sử của giai đoạn này. Thời Xuân Thu nổi tiếng với các cuộc viễn chinh quân sự, những xung đột này dẫn đến xu hướng kiện toàn vũ khí thời đó đến mức chúng có độ bền và tính sát thương cực cao, vì được rèn trong nhiều năm và có thể trụ vững trong nhiều thế kỷ.
Câu chuyện về Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Vương Phù Sai tranh giành quyền lực đã trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc. Mặc dù ban đầu vương quốc của Câu Tiễn bị nhà Ngô đánh bại, nhưng ông đã dẫn dắt đội quân của mình đến chiến thắng 10 năm sau đó.
>> Người xưa “Nhẫn” như thế nào?
Các đặc tính độc đáo của kiếm Câu Tiễn
Bên cạnh giá trị lịch sử, nhiều học giả tự hỏi làm thế nào thanh kiếm này có thể không bị hoen gỉ trong một môi trường ẩm ướt, trong hơn 2.000 năm, và những họa tiết trang trí phức tạp đã được chạm khắc vào thanh kiếm như thế nào. Ngày nay thanh kiếm của Câu Tiễn vẫn sắc bén như lúc mới được rèn, không thể tìm thấy dù chỉ một dấu vết hoen gỉ trên thân kiếm.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích những mảnh đồng cổ với hy vọng tìm kiếm một phương pháp mô phỏng loại công nghệ sử dụng để chế tạo ra thanh kiếm như vậy. Họ phát hiện ra rằng thanh kiếm có khả năng kháng lại tình trạng oxy hóa nhờ vào sự sunfat hóa trên bề mặt. Điều này, kết hợp với một vỏ bao kiếm kín khí, đã khiến thanh kiếm huyền thoại này được tìm thấy trong một tình trạng nguyên vẹn như vậy.
Những thí nghiệm cũng cho thấy những người thợ rèn kiếm trong vùng đất của nước Ngô và nước Việt ở miền Nam Trung Quốc trong thời Xuân Thu đã đạt đến một trình độ luyện kim cao, cho phép họ kết hợp các hợp kim không gỉ vào lưỡi kiếm, giúp chúng tồn tại qua thời gian trong trạng thái tương đối nguyên vẹn. Thanh kiếm này hiện đang thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.
Tác giả: Bryan Hilliard, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép.
Đọc bản gốc ở đây.
Xem thêm:
Từ khóa thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn