Số lượng người dùng ở Trung Quốc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để “hồi sinh” người quá cố ngày càng tăng, đã thu hút sự chú ý của các nhà báo Pháp.

AI
(Ảnh minh họa: Aslysun/ Shutterstock)

Ngày 1/11, một đài truyền hình tư nhân Pháp có bài nói rằng AI có thể được sử dụng để nói chuyện với người đã khuất, đây là chủ đề mà họ muốn đưa tin.

Bài báo bắt đầu bằng việc nói rằng ở Trung Quốc, nhiều công ty sử dụng công nghệ AI để “hồi sinh” những người thân đã khuất. Ví dụ, một khách hàng có thể gọi cho người mẹ quá cố của họ qua video: Một hóa thân trông giống bà sẽ thay mặt bà trả lời cuộc gọi.

Cách đây 5 năm, Tôn Khải đã mất đi người mẹ thân yêu của mình. Để xoa dịu nỗi đau, anh quyết định sử dụng chatbot để tương tác với mẹ mình. Khi bắt đầu cuộc gọi, Tôn Khải hỏi mẹ: “Mẹ, mẹ có khỏe không?”

Người mẹ mô phỏng trả lời anh: “Ở nhà thật dễ chịu, mặt trời đang chiếu sáng.” Tôn Khải nói với các phóng viên rằng anh trò chuyện với đối tác ảo của mình qua video mỗi ngày. Đối diện với Tôn Khải, người mẹ dường như còn sống sau khi được AI hồi sinh, có thể trả lời các câu hỏi được đặt ra.

Tôn Khải đã tạo ra hệ thống của riêng mình để có thể giao tiếp với mẹ. Thậm chí anh ấy còn tạo ra một doanh nghiệp từ nó. Tại công ty Nanjing (Nam Kinh) Silicon Intelligence của anh, 500 nhân viên làm việc để chuyển linh hồn vào thế giới ảo.

Hàng ngàn hóa thân được tạo ra để “hồi sinh” người đã khuất. Để tái tạo tốt hơn linh hồn và giọng nói của người quá cố, bạn phải cung cấp càng nhiều dữ liệu càng tốt, như bản ghi cuộc trò chuyện, email hoặc ghi chú thoại.

Bạn muốn càng nhiều thì giá càng đắt, có thể bắt đầu từ 6.600 euro (~ 6.987USD) và cao nhất là 150.000 euro (~ 158.758USD).

Trên khắp Trung Quốc, công nghệ này ngày càng trở nên phổ biến. Dù là người đã khuất phát biểu trong đám tang của chính họ, hay tương tác với ảnh ba chiều, hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều thiết bị có thể khiến người quá cố “hồi sinh”.

Là người đứng đầu một công ty chuyên về các hệ thống này, Dương Đường có ý định cách mạng hóa ngành này. Thậm chí, anh ấy còn tạo ra một “nghĩa trang thông minh”, có thể biến những ngôi mộ thành thiết bị đầu cuối kỹ thuật số thực sự, cho phép bạn khám phá “hình ảnh, thông tin và câu chuyện” về người đã khuất.

Thậm chí, người dùng có thể cúng dường ảo cho người đã khuất, như thắp hương. Trong video ở đầu bài viết này, vị giám đốc công ty giải thích: “Số hóa là tương lai của tất cả các ngành công nghiệp. Ngày nay, hơn 30% khách hàng của chúng tôi muốn tổ chức tang lễ kỹ thuật số”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần như không có sự khoan dung đối với tôn giáo, nhưng cho phép người chết sống lại.

Các nhà báo Pháp cho rằng một số doanh nhân đang sử dụng công nghệ AI bằng mọi giá… Ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc đẩy các giới hạn đạo đức đến mức tối đa.

Một công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang che giấu cái chết của những người thân yêu bằng công nghệ deepfake, biến khuôn mặt “người thật” thành danh tính thay thế.

Với thời đại Internet lên ngôi như hiện nay, công nghệ Deepfake bị lợi dụng nhằm sử dụng để tạo ra những video giả mạo chính trị, tình dục và giả mạo danh tính, đưa ra những tin đồn, hoặc phát tán thông tin sai lệch.

Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của cá nhân hoặc tổ chức. Vì vậy, sự phát triển của deepfake đã thu hút sự quan tâm và nghiên cứu của cả các chuyên gia và chính phủ để tìm cách ngăn chặn việc lạm dụng nó.

Đinh Đinh, một khách hàng của dịch vụ này, nói: “Chú tôi qua đời trong một vụ tai nạn. Sức khỏe của bà tôi không tốt lắm, chúng tôi lại không ở bên bà. Vì vậy, chúng tôi muốn giấu bà thông tin về cái chết, để bà không quá đau buồn.”

Để đạt được mục tiêu này, hàng tháng, cô sắp xếp một cuộc điện thoại giữa bà với người chú quá cố của mình. Trên thực tế, “người chú” này là một vật thể ảo, có khuôn mặt đã được xử lý thông qua kỹ thuật số, để trông giống người đàn ông đã khuất.

Cô nhấn mạnh: “Bà nội đã lớn tuổi rồi. Bà chưa bao giờ nhận thấy sự khác biệt giữa hai người đàn ông này”.

Bình Minh (t/h)