Vì sao các lạt-ma Tây Tạng có thể tăng thân nhiệt trong điều kiện băng giá?
- thanh sơn
- •
Trong bài viết về kết quả chụp quét trên “người băng” Wim Hof, ông đã cho biết khả năng chịu lạnh phi thường của mình là đến từ trường phái thiền định Tummo của Tây Tạng. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét thêm một vài thí nghiệm trên lạt-ma Tây Tạng để hiểu rõ hơn về phương pháp tu luyện này.
Thí nghiệm của tiến sĩ Benson
Tại 1 tu viện Phật Giáo phía Bắc Ấn Độ, 1 nhóm các thầy tu ngồi tĩnh lặng. Họ chỉ mặc đồ phong phanh trong môi trường có nhiệt độ cực kỳ thấp (4°C). Sau đó, họ lần lượt được phủ lên người nhiều tấm chăn ngâm nước đá. Trong điều kiện này, người bình thường có thể run rẩy đến mất kiểm soát, thì các tăng nhân trên vẫn thản nhiên như không.
Mọi việc chưa dừng ở đó. Các tấm chăn bắt đầu bốc lên hơi nước và khoảng 1 giờ sau, chúng đã khô ráo hoàn toàn.
Video về thí nghiệm của kênh History:
Điều này được giải thích như thế nào? Các thầy tu này thực hành theo trường phái tu luyện Tum-mo trong Yoga. Phương pháp này giúp họ đạt đến trạng thái nhập định thâm sâu, và có thể tự tăng nhiệt độ cơ thể lên đáng kể.
Được biết, trong điều kiện lạnh khắc nghiệt, các bộ phận cơ thể người như ngón tay và ngón chân dễ bị đóng băng và hoại tử trước nhất. Tuy nhiên, trong thí nghiệm thiền định này, người ta đo được sự gia tăng nhiệt độ lên đến 17°F hay 8,3°C tại các vùng này.
Sau khi trở nên khô ráo, 3 tấm chăn ướt đã được thay lần lượt cho mỗi người. Trước đó, 1 cuộc thi tương tự đã diễn ra vào ban đêm trên vách núi Himalaya. Trong đó, ai àm khô nhiều tấm chăn nhất trước khi trời sáng được coi là chiến thắng.
Các nhà khoa học gần đây có thể nghiên cứu sâu hơn về trạng thái này. Họ thấy rằng người tu luyện có sự thay đổi trong hệ thần kinh đối giao cảm (sympathetic nervous system). Điều này cho thấy việc thay đổi nhiệt độ cơ thể có liên quan mật thiết đến trạng thái nhập định thâm sâu của họ.
Các thầy tu không chỉ có thể làm tăng nhiệt độ bề mặt mà còn duy trì được nhiệt độ cơ thể từ bên trong. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện 1 nhóm tăng nhân ở Sikkim, Ấn Độ, có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất cơ thể lên đến 64%. Khi chúng ta ngủ, quá trình trao đổi chất trong cơ thể chỉ giảm chừng 10 đến 15%.
>> Thoát khỏi nạn hoại tử cưa chân nhờ 10 tháng kiên trì thiền định
Thí nghiệm thứ 2: ngủ ngoài trời ở nhiệt độ dưới mức đóng băng
Một trường hợp khác được ghi nhận vào 1 đêm ngoài trời, trên các vách đá dãy núi Himalaya. Các nhà sư mặc những tấm áo choàng phong phanh, bắt đầu nằm ngủ rải rác cách xa nhau, trên các phiến đá lạnh ngắt. Độ cao ở đây là 4500m và nhiệt độ rớt xuống -17°C. Dù vậy, họ vẫn ngủ thoải mái suốt cả đêm.
Điều kiện khắc nghiệt này có thể tước đi mạng sống con người, nhưng họ vẫn không hề hấn gì. Camera không hề phát hiện bất kỳ phản ứng rùng mình hay run rẩy nào. Khi thức dậy, họ lững thững tản bộ về tu viện, trông rất thản nhiên. Trong khi đó, các nhà khoa học và nhóm ê kíp quay đang co cụm lại và tê cóng vào buổi sáng sớm.
Người ta vẫn chưa rõ được bằng cách nào các tăng nhân có thể tạo ra nhiệt, nhưng những hình ảnh cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging scans – MRI) đã cho thấy sự khác biệt giữa lưu lượng máu trong não các lạt-ma và người bình thường.
Tiến sĩ Herbert Benson giải thích: “Ở cùng thời điểm, 1 số bộ phận trên não trở nên năng động hơn, đặc biệt là các vùng kiểm soát sự chú ý, tập trung và các tính năng tự động khác như huyết áp và cơ chế trao đổi chất.”
Phương pháp tu luyện này tập trung vào sự kiểm soát nguồn “năng lượng nội tâm” (inner energy) hay “luồng nhiệt tâm linh” (psychic heat). Điều này được mô tả bởi các lạt-ma Tây Tạng, thuộc dòng Kim Cương Thừa Phật Giáo (Vajrayana Buddhism). Qua thí nghiệm, người ta ghi nhận 1 nguồn nhiệt lớn phát ra từ vùng xương sống của lạt-ma.
Tuy nhiên, chúng ta biết được rất ít về nguyên lý hoạt động cũng như nghi thức tu luyện cụ thể. Hiện nay, còn rất ít nơi lưu truyền môn phái này. Chúng được truyền dạy rải rác tại các tu viện xa xôi hẻo lánh ở Thanh Hải và Tứ Xuyên, Trung Quốc, hay phía đông Tây Tạng. Ngoài ra, khả năng tạo nhiệt như trên đối với họ chỉ là sản phẩm phụ trong quá trình tu luyện.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Benson
Herbert Benson là giám đốc viện nghiên cứu Benson-Henry (BHI), giáo sư khoa Y Học Thân Thể và Tinh Thần (Mind Body Medicine), trường Đại học Y Khoa Harvard. Ông đã nghiên cứu các hiện tượng này hơn 20 năm. Ông rất tin tưởng vào tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của các phương pháp thiền định.
Tại BHI, ông tiếp tục nghiên cứu về tác dụng của năng lực tinh thần để chống lại các tác hại của stress.
Trong báo cáo của mình, Benson kết luận: “Cách lý giải hợp lý nhất cho hiện tượng tăng nhiệt độ ở các ngón tay và ngón chân là do giãn nở mạch máu (vasodilation). Các mạch máu giãn ra để giảm huyết áp.” 1 tài liệu nghiên cứu tiếp theo năm 2000 chỉ ra các vùng trên bộ não chịu trách nhiệm cho các hoạt động vô thức của cơ thể như giãn mạch máu, được kích hoạt khi người ta tu luyện.
Ông tiếp tục: “Các nghiên cứu về phương pháp thiền định có thể khai mở năng lực của con người, cho phép chúng ta giải quyết các căn bệnh liên quan đến tình trạng căng thẳng. Hơn 60% bệnh nhân ở Mỹ có vấn đề liên quan đến stress. Hầu hết, chúng đều là các ca điều trị kém hiệu quả do thuốc, giải phẫu hoặc các quy trình y tế khác.”
>> Nghiên cứu khoa học: Thiền định có thể sản sinh siêu năng lực
Thí nghiệm với các vị tăng ni Trung Quốc
30 năm trước, người ta tin rằng nhiệt độ bề mặt của bàn tay và bàn chân, có thể đạt được dễ dàng thông qua các hình thức ngồi thiền thông thường, cụ thể bằng các kỹ thuật liên hệ phản hồi sinh học đơn giản (biofeedback techniques).
Tuy nhiên, điều phức tạp ở đây chính là gia tăng nhiệt lượng toàn thân không có nghĩa là nhiệt độ sẽ phân bố đều trên bề mặt cơ thể. 1 giả thuyết khác còn cho rằng nhiều động tác co giãn cơ bắp (muscular contraction) đã được dùng để tăng nhiệt độ bàn tay.
Năm 2013, tiến sĩ Maria Kozhevnikov và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Kết quả gần như phủ nhận sự can thiệp của cơ chế phản hồi sinh học (biofeedback). Phương pháp thiền định có thể làm tăng nhiệt độ từ cốt lõi cơ thể – đến mức làm khô các tấm chăn thấm nước – đã cho thấy đây là hiệu quả thực tế, chứ không phải hư cấu.
Kohevnikov đã lặp lại thí nghiệm này với các vị tăng ni Trung Quốc. Lần này, thí nghiệm diễn ra tại nữ tu viện Gebchak cao 4.200 mét tại Nangchen, tỉnh Thanh Hải. Nghi lễ này được tổ chức hàng năm, khi các ni cô chỉ mặc đồ ngắn, mang giày dép và 1 tấm chăn bông thấm nước đắp lên mình. Quá trình này diễn ra vào mùa đông khi nhiệt độ không khí xuống dưới 0 độ C.
Với điều kiện này, bất kỳ ai nhúng bàn tay xuống nước sẽ cảm thấy lạnh buốt, và rất khó để khôi phục lại độ ấm như ban đầu. Để so sánh điều này, hãy xem qua trải nghiệm của Ranulph Fiennes – người từng chinh phục đỉnh Everest.
Nhà thám hiểm người Anh, Ranulph Fiennes đã từng nhúng bàn tay vào nước biển đóng băng mà không làm ấm kịp thời. Ngay sau đó, 2 phút bất cẩn này đã làm ông mất đi các đầu ngón tay. Ông còn kể, ông đã quét các mảng tuyết đọng trên mái lều bằng tay không ở nhiệt độ -15 độ C và sau đó, tay ông vẫn bị cóng 10 phút sau khi đã mang găng tay vào. Các ví dụ này đã cho thấy sự khắc nghiệt của điều kiện thời tiết tương tự.
Vậy trạng thái này đối với các nữ tu như thế nào?
Sử dụng máy đo điện não đồ (electroencephalography – EEG), các nhà nghiên cứu có thể đo được nhiệt độ và hoạt động tương ứng của não. Các nữ tu có độ tuổi từ 25 đến 52. Trong nghi lễ, họ bắt đầu 1 số hoạt động theo phương pháp thiền định. Các động tác ban đầu bao gồm những cử động mạnh mẽ, rồi đến các bài tập nhẹ nhàng hơn. Được biết các động tác mạnh mẽ chỉ được dùng lúc đầu để tăng nhiệt độ cơ thể. Sau đó, họ tiếp tục làm các động tác nhẹ nhàng khi đi bộ cùng với tấm chăn ướt.
Các nữ tu này dễ dàng tăng nhiệt độ bề mặt cơ thể lên từ 1,2 đến 6,8°C. Các động tác mạnh ban đầu giúp họ tăng nhiệt độ bên trong lên hơn 1 độ. Nhiệt độ cơ thể có lúc đo được lên 38,3°C. Một nữ tăng có thể tăng nhiệt độ hơn nữa nhưng đã dừng lại khi cảm thấy không thoải mái. Một người khác phải dừng hẳn vì cô bắt đầu có các triệu chứng sốt do nhiệt (fever symptoms).
Nếu nhiệt độ bề mặt cơ thể tăng nhanh, trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể giảm, thì kỹ thuật này chỉ có thể làm ấm bàn tay, nhưng đồng thời có thể tăng nhanh quá trình hạ nhiệt (hypothermia). Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy, các tăng nhân có thể gia tăng nhiệt độ ở cả 2 phương diện cùng lúc, mới có thể chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy trong khoảng thời gian dài.
Ứng dụng vào thế giới hiện đại
Một nghiên cứu sau này cho thấy các tình nguyện viên phương Tây cũng có thể tăng nhiệt độ cơ thể mình trong 1 giới hạn nhất định bằng cách này. Điều này cho thấy phương pháp thiền định này cũng có tác dụng hạn chế đối với những người luyện tập không chuyên. Hệ thống này giúp người tham gia thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh, tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng nhận thức, điều tiết hoạt động cơ thể…
Hiện nay, Herbert Benson sau nhiều nghiên cứu về thiền định, đã tổng hợp ra 1 phương pháp thư giãn phản hồi tinh thần (relaxation response), được ông mô tả là “1 trạng thái sinh lý đối nghịch với trầm cảm.”
Phương pháp này có tác dụng giảm huyết áp, điều hòa nhịp thở, quá trình trao đổi chất và nhịp tim. Benson và đồng nghiệp sử dụng phương pháp này để giải quyết các triệu chứng hồi hộp, trầm cảm, mất ngủ, vô sinh, huyết áp cao, loạn nhịp tim. Thậm chí, ông còn ứng dụng để xoa dịu các bệnh nhân đang gánh chịu bi kịch tâm lý như mất mát người thân, bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông nói: “Hy vọng của tôi là các phương pháp tự tu dưỡng này (self-care) sẽ sánh vai cùng thuốc y học, giải phẫu và các hình thức trị liệu khác. Chúng có thể giảm nhẹ sự thống khổ về thể xác lẫn tinh thần cho bệnh nhân. Ngoài ra, kết hợp với luyện tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý, đây sẽ là 1 thực hành có thể tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm trong lĩnh vực y tế.”
Các nghiên cứu của Benson đã đưa ra những chứng cứ hé mở tiềm năng của tâm trí con người. Đây chỉ là vài ví dụ nhỏ cho thấy năng lực tiềm tàng của thiền định so với những gì chúng ta thật sự biết. Tu luyện là con đường ngắn nhất dẫn đến sự hiểu biết toàn vẹn về các phương diện này.
Thanh Sơn tổng hợp
Từ khóa siêu năng lực Nhà sư Tây Tạng thiền định Nghiên cứu khoa học