Ý tưởng “vạn vật đều có ý thức” ngày càng được ủng hộ
- Thiện Tâm
- •
Theo Toàn tâm luận (panpsychism), ý thức có ở mọi thực thể. Thay vì chỉ là một tính năng độc đáo của trải nghiệm chủ quan của con người, nó là nền tảng của vũ trụ, hiện diện trong mọi vi hạt và mọi vật chất.
Điều này nghe có vẻ huyền hoặc, nhưng khi những nỗ lực truyền thống để giải thích về ý thức liên tiếp thất bại, quan điểm của những người theo toàn tâm luận (panpsychism) đang ngày càng nhận được sự tin tưởng từ các nhà triết học, nhà thần kinh học và nhà vật lý học uy tín, bao gồm các nhân vật như nhà thần kinh học Christof Koch và nhà vật lý học Roger Penrose.
“Tại sao chúng ta nên nghĩ rằng cảm giác thông thường (common sense) là một chỉ dẫn tốt cho [việc xác định] vũ trụ trông như thế nào?” Philip Goff, một giáo sư triết học tại Đại học Trung Âu ở Budapest, Hungary nói. “Einstein cho chúng ta biết những điều kỳ lạ về bản chất của thời gian ngược với cảm giác thông thường; cơ học lượng tử hoạt động ngược với cảm giác thông thường. Phản ứng trực quan của chúng ta không nhất thiết là một chỉ dẫn tốt về bản chất của thực tại.”
David Chalmers, một triết gia tại Đại học New York, đã đưa ra vấn đề khó khăn về ý thức. Năm 1995, ông chứng minh rằng vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi điều gì gây ra ý thức. Theo truyền thống, người ta thường dựa vào hai quan điểm thống trị là chủ nghĩa duy vật và thuyết nhị nguyên để lý giải vấn đề này. Nhưng cả hai quan điểm trên đều dẫn đến những “biến chứng khó chữa.”
>> Panpsychism – Trường phái triết học mới: Vạn vật đều có ý thức
Quan điểm duy vật nói rằng ý thức có nguồn gốc hoàn toàn từ vật chất. Tuy nhiên, nó không giải thích rõ ràng làm thế nào điều này có thể xảy ra.
“Rất khó để lấy ý thức từ sự vô ý thức”, Chalmer nói. Vật lý chỉ là cấu trúc. Nó có thể giải thích về sinh học, nhưng có một khoảng trống: Ý thức.
Chủ nghĩa nhị nguyên cho rằng ý thức là riêng biệt và khác biệt với vật chất, nhưng sau đó đặt ra câu hỏi về cách thức ý thức tương tác và có ảnh hưởng đến thế giới vật chất.
Toàn tâm luận (Panpsychism) cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn: Ý thức là một tính năng cơ bản của vật chất; mỗi hạt trong sự tồn tại đều có một dạng thức “đơn giản không thể tưởng tượng được” của ý thức, theo Goff cho biết. Các hạt này sau đó kết hợp với nhau để tạo thành các dạng ý thức phức tạp hơn, chẳng hạn như trải nghiệm chủ quan của con người. Điều này không ngụ ý rằng các hạt có một thế giới quan mạch lạc hoặc suy nghĩ tích cực, chỉ đơn thuần là có tồn tại một số trải nghiệm chủ quan vốn có của ý thức kể cả trong các hạt nhỏ nhất.
Toàn tâm luận không nhất thiết ngụ ý rằng mọi đối tượng vô tri đều có ý thức. “Những người theo Toàn tâm luận thường không chỉ ra rằng những chiếc bàn hay những tạo vật khác có ý thức”, Hedda Hassel Mørch, một người nghiên cứu triết học tại Trung tâm nghiên cứu triết học về tâm trí, trí não và ý thức của Đại học New York viết, “thay vào đó, chiếc bàn có thể được hiểu là một tập hợp các hạt mà mỗi hạt có dạng ý thức rất đơn giản của riêng mình.”
Nhưng, sau đó, một lần nữa, Toàn tâm luận có thể ngụ ý rất rõ rằng có tồn tại những cái bàn có ý thức: Một cách giải thích về lý thuyết cho rằng bất kỳ hệ thống nào cũng có ý thức, theo ông Chalmer. “Những viên đá sẽ có ý thức, cái thìa sẽ có ý thức, Trái đất sẽ có ý thức. Bất kỳ loại khối tập hợp nào đều mang lại cho bạn ý thức.”
Sự quan tâm đến panpsychism đã tăng lên, một phần do giới hàn lâm ngày càng chú ý tới vấn đề ý thức sau khi bài báo “vấn đề khó khăn” của Chalmer được công bố. Các triết gia tại Đại học New York, nơi có một trong những khoa triết học hàng đầu, đã coi toàn tâm luận trở thành một đề tài nghiên cứu nghiêm túc. Đã có một số cuốn sách học thuật đáng tin cậy về chủ đề này trong những năm gần đây, và các tờ báo nổi tiếng nói về toàn tâm luận một cách nghiêm túc.
>> Tuyên ngôn về một nền khoa học Hậu duy vật
Một trong những lý thuyết khoa học thần kinh đương đại phổ biến và đáng tin cậy nhất về ý thức là Lý thuyết thông tin tích hợp của Giulio Tononi – cũng đặt sự tin tưởng vào toàn tâm luận. Tononi lập luận rằng một sự vật sẽ có một hình thức của Ý thức nếu thông tin trong cấu trúc được tích hợp hoặc hợp nhất đầy đủ, và khi đó, ý thức của toàn thể chiếm ưu thế hơn là tổng ý thức của các thành phần. Bởi vì nó áp dụng cho tất cả các cấu trúc – không chỉ là bộ não của con người – lý thuyết thông tin tích hợp chia sẻ quan điểm của toàn tâm luận rằng: vật chất có trải nghiệm ý thức bẩm sinh.
Goff, người đã viết một cuốn sách học thuật về ý thức và đang viết một cuốn sách khác tiếp cận chủ đề từ góc độ khoa học đại trà hơn, lưu ý rằng có những lý thuyết đáng tin cậy về chủ đề này từ những năm 1920. Các nhà tư tưởng bao gồm nhà triết học Bertrand Russell và nhà vật lý Arthur Eddington đã xem xét nghiêm túc toàn tâm luận, nhưng chủ đề này ít được quan tâm sau Thế chiến II, khi triết học chủ yếu tập trung vào các câu hỏi triết học phân tích về ngôn ngữ và logic.
Theo Chalmers, sự quan tâm đã tăng trở lại vào những năm 2000, nhờ vào việc nhận ra “vấn đề khó khăn” và sự chấp nhận ngày càng tăng của những người theo phương pháp tiếp cận chủ nghĩa hiện thực có cấu trúc (structural-realist approach) trong vật lý. Cách tiếp cận này xem vật lý như cấu trúc mô tả, mà không phải các phần tử phi cấu trúc ở lớp dưới.
“Khoa học vật lý cho chúng ta biết rất ít về bản chất của vật chất, chúng ta thường có xu hướng giả định nhiều hơn,” Goff cho biết. “Eddington” – nhà khoa học người Anh, người đã xác nhận thực nghiệm thuyết tương đối rộng của Einstein vào đầu thế kỷ 20, lập luận luận rằng có một khoảng trống trong bức tranh vũ trụ của chúng ta. “Chúng ta biết vật chất thực hiện những gì nhưng không biết nó là gì. Chúng ta có thể đặt ý thức vào khoảng trống này.”
Goff viết: Theo quan điểm của Eddington, thật ngốc nghếch khi giả thiết bản chất cơ bản không liên quan gì đến ý thức và rồi sau đó tự hỏi ý thức đến từ đâu.
Stephen Hawking đã từng hỏi rằng: “Điều gì thổi lửa vào các phương trình và tạo ra một vũ trụ để họ mô tả?” Goff bổ sung thêm: “Đề xuất của Russell-Eddington là ý thức đã thổi lửa vào các phương trình.”
>> Vật chất và ý thức là một thể thống nhất
“Điều gì thổi lửa vào các phương trình và tạo ra một vũ trụ để họ mô tả?”
Bài toán lớn nhất tạo ra bởi Toàn tâm luận được biết là “bài toán kết hợp”: Làm thế nào để các hạt ý thức nhỏ cùng nhau hình thành ý thức phức tạp hơn một cách chính xác? Ý thức có thể tồn tại trong tất cả các hạt, nhưng điều đó không lý giải cách những mảnh nhỏ của ý thức vật lý này kết hợp với nhau để tạo ra cho con người các trải nghiệm ý thức phức tạp hơn.
Bất kỳ lý thuyết nào cố gắng trả lời câu hỏi đó, sẽ xác định rõ ràng hệ thống phức tạp nào – từ các vật thể bất động, đến thực vật và cả những con kiến - được coi là có ý thức.
Một quan điểm khác của Toàn tâm luận cho rằng, thay vì các hạt riêng lẻ giữ ý thức và đến với nhau, toàn bộ vũ trụ là ý thức. Theo Goff, điều này không giống như đức tin rằng vũ trụ là một thực thể thiêng liêng thống nhất; Nó giống như một mớ “hỗn độn vũ trụ”. Dù sao đi nữa, nó phản ánh một quan điểm rằng thế giới là một sáng tạo từ-trên-xuống, nơi mọi vật thể đều có nguồn gốc từ vũ trụ, thay vì một phiên bản từ-dưới-lên từ các hạt nhỏ nhất.
Hiện tượng vướng víu lượng tử là khi các hạt nhất định hoạt động như một hệ thống thống nhất ngay cả khi giữa chúng bị ngăn bởi khoảng cách mênh mông mà ở đó không thể có tín hiệu nhân quả qua lại. Goff tin rằng hiện tượng này cho thấy vũ trụ hoạt động như một tổng thể cơ bản chứ không phải tập hợp các bộ phận rời rạc.
Những lý thuyết như vậy nghe có vẻ khó tin, và có lẽ chúng là như vậy. Nhưng trong rất nhiều các trường phái và lý thuyết triết học đang cố gắng giải thích về ý thức, thì thuyết Toàn tâm luận có vẻ là trung dung và hợp lý hơn, theo nhận xét của Chamer.
Từ khóa Ý thức triết học ý thức và vật chất panpsychism