2020: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ‘chốt’ sẽ lỗ hơn 3,8 tỷ đồng/ngày
- Sơn Nguyên
- •
Dự báo khoản lỗ sau thuế tổng cộng 1.394 tỷ đồng được xây dựng dựa trên giả định Công ty mẹ – VNR dự kiến lỗ 168 tỷ đồng – mức lỗ kế hoạch chưa tính đến tác động của COVID-19.
Theo báo cáo về kế hoạch kinh doanh đã được Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phê duyệt vào tháng 6/2020, năm nay, VNR ước tính khoản lỗ sau thuế lên đến hơn 1.394 tỷ đồng trong năm 2020, bình quân hơn 3,8 tỷ đồng/ngày.
Báo cáo của VNR cho biết dự kiến sản lượng và doanh thu hợp nhất năm nay bằng 77% so với năm 2019 (giảm 23%), dẫn tới lỗ nặng hơn 1.394 tỷ đồng.
Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến lỗ 711 tỷ đồng. Công ty mẹ – VNR dự kiến kinh doanh lỗ 168 tỷ đồng (theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt ngày 9/1/2020, trong đó đã tính một phần ảnh hưởng từ dự án 7.000 tỷ đồng nhưng chưa điều chỉnh theo ảnh hưởng của dịch COVID-19).
Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn (VNR là cổ đông chi phối) dự kiến lỗ 618 tỷ đồng (đã tính đến tác động từ dự án 7.000 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 6 công bố hết dịch Covid-19).
Riêng khối 20 công ty cổ phần đường sắt dự kiến lãi tổng cộng gần 70 tỷ đồng; 3 công ty cổ phần khối công nghiệp, cơ khí (chưa tính ảnh hưởng do dịch COVID-19) dự kiến lãi gần 5 tỷ đồng.
Ngoài lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, VNR cũng dự kiến các khoản lỗ khác. Cụ thể, xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của Công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng dự kiến hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là 682 tỷ đồng.
Trong đó, các khoản chi phí phải trả là 394 tỷ đồng (gồm tiền thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ là 341 tỷ đồng và chi phí lãi vay dự án mua ray của Áo đến năm 2018 là 53 tỷ đồng); các khoản trích lập dự phòng là 229 tỷ đồng (gồm dự phòng phải thu khó đòi 108 tỷ đồng; đầu tư tài chính vào công ty con lỗ 120 tỷ đồng).
VNR cũng nêu chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo quy định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp tổng cộng gần 59 tỷ đồng.
Một điều cần lưu ý là kế hoạch lỗ tổng cộng 1.394 tỷ đồng trên được xây dựng dựa trên giả định Công ty mẹ – VNR dự kiến lỗ 168 tỷ đồng – mức lỗ kế hoạch chưa tính đến tác động của COVID-19.
Theo các kịch bản do VNR đưa ra, nếu dịch COVID-19 kết thúc trong quý 2/2020, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ – VNR dự kiến âm 694 tỷ đồng. Nếu dịch kết thúc vào quý 3/2020, lợi nhuận trước thuế âm hơn 842 tỷ đồng. Nếu dịch kết thúc vào quý 4/2020, lợi nhuận trước thuế âm hơn 936 tỷ đồng.
Theo đó, nếu tính đúng, tính đủ đến tác động của dịch COVID-19 như tập đoàn này đưa ra, kết quả kinh doanh năm 2020 của VNR còn vượt hơn mức lỗ dự kiến gần 1.394 tỷ đồng này.
Kết thúc năm tài chính 2019, VNR đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180 tỷ đồng; tất cả các chỉ tiêu vận tải đều sụt giảm.
Trước đó, vào cuối tháng 5, VNR dự báo doanh thu năm 2020 của các doanh nghiệp vận tải đường sắt chỉ hơn 3.200 tỷ đồng (giảm 35,6% so với năm 2019, tương ứng giảm 1.783,8 tỷ đồng). Trong đó, riêng doanh thu vận tải (hành khách và hàng hóa) chỉ đạt 2.668,6 tỷ đồng (giảm 37,5%, tương ứng giảm 1.601,4 tỷ đồng). Dự kiến lỗ hơn 616 tỷ đồng, bình quân gần 1,7 tỷ đồng/ngày.
Đường sắt Việt Nam muốn mở tàu hàng liên vận sang Trung Quốc, châu Âu
Theo Báo cáo kế hoạch năm 2020, VNR dự kiến đẩy mạnh khai thác hàng hoá liên vận quốc tế như vận chuyển hoa quả, thuỷ sản bằng container đông lạnh từ phía Nam sang thẳng Trung Quốc; gỡ nút thắt cơ chế để cải thiện sản lượng hàng hoá liên vận tuyến Hà Nội – Đồng Đăng – Bằng Tường – Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc, thậm chí đi các nước thứ ba và tiến tới đưa hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu…
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HÐTV VNR, việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch COVID-19 mà còn là định hướng lâu dài của ngành đường sắt.
Ông Minh cho hay tàu container lạnh liên vận quốc tế chuyên chở mặt hàng thanh long chạy từ ga Ðồng Ðăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) khai thác từ tháng 2/2020 đã chạy ổn định hàng tuần, mở hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và các nước Trung Á, châu Âu.
Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là khách hàng truyền thống của VNR, với các mặt hàng apatit (nguyên liệu), phân bón, hóa chất và sản phẩm hàng hóa khác. Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng khối lượng vận chuyển là hơn 5,9 triệu tấn; năm 2020 ký kết vận chuyển khoảng 1,6 triệu tấn.
VNR dự kiến cắt giảm tàu khu đoạn khi lượng khách đi xuống vì dịch bệnh, bù lại sẽ tăng trạm dừng cho tàu khách đường dài và thêm tàu hàng tuyến Bắc – Nam.
Năm 2020, ngoài các dự án đầu tư công về cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, VNR dự kiến đầu tư hơn 602 tỷ đồng cho đầu tư phương tiện, lắp ráp đầu máy. Ngoài ra, VNR dự kiến huy động thêm 414 tỷ đồng từ nhà đầu tư cho dự án đóng mới toa xe.
Từ khóa độc quyền ngành đường sắt Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tập đoàn nhà nước